Chuyên mục Chính sách – Đối ngoại của Báo Công Thương online vừa giới thiệu 2 phần cuộc Tọa đàm “PV GAS: Hành trình và phát triển - Vị thế - vai trò chủ lực trong ngành công nghiệp Khí Việt Nam”. Trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch bệnh, cuộc tọa đàm đặc biệt được Báo Công Thương tổ chức tại trường quay Hà Nội, với những vị khách mời am hiểu và có uy tín trong việc đánh giá vai trò của ngành công nghiệp Khí đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Báo Công Thương là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương – Diễn đàn của giới Công Thương Việt Nam; là cơ quan báo chí có uy tín của ngành và cả nước trong việc tuyên truyền thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phản ánh các mặt hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại dịch vụ, thị trường trong nước và các vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế. Chuyên mục Chính sách – Đối ngoại của Báo thường xuyên giới thiệu các cuộc đàm luận mang tính chuyên môn cao về các vấn đề công thương đang được quan tâm.
Quang cảnh buổi Tọa đàm tại trường quay Báo Công Thương
Cuộc tọa đàm “PV GAS: Hành trình và phát triển - Vị thế - vai trò chủ lực trong ngành công nghiệp Khí Việt Nam” được thực hiện hướng tới kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam, định hướng và hỗ trợ khán thính giả tìm hiểu sâu về những đóng góp của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) trong quá trình 31 năm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp Khí nước nhà.
Khách mời tham gia chương trình có bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương; ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế; ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); ông Trần Trọng Hữu, Phó Chánh văn phòng PV GAS tại miền Bắc.
Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, ngành công nghiệp khí Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, năng động sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng với hệ thống cơ sở vật chất lớn mạnh, tạo dựng thị trường khí ngày càng phát triển ổn định. Có được những thành công đó, phải kể đến sự đóng góp của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) – đơn vị tiên phong và chủ lực của ngành công nghiệp trẻ trung và có nhiều đóng góp năng lượng cho nước nhà. Đây cũng chính là đơn vị lá cờ đầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Đánh giá về PV GAS tại Tọa đàm, ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc Petrovietnam giới thiệu PV GAS là đơn vị hàng đầu, chủ đạo của Petrovietnam với trọng trách phát triển lĩnh vực công nghiệp Khí trong Chiến lược phát triển toàn bộ ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, được Chính phủ giao cho Petrovietnam thực hiện; hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị khí và sản phẩm khí, bao gồm thu gom, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, kinh doanh khí và các sản phẩm khí.
Phát biểu của ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Là niềm tự hào lớn của ngành công nghiệp Khí, PV GAS xứng đáng trở thành Nhà vận chuyển và cung cấp khí khô lớn nhất tại Việt Nam, Nhà sản xuất và kinh doanh LPG số 1 tại Việt Nam; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao cho; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia; đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường LPG; vinh dự đón nhận rất nhiều Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen, chứng nhận... của Nhà nước, các Bộ ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt, vào năm 2015, PV GAS đã vinh dự đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng.
Ông Lê Xuân Huyên khẳng định niềm tin tưởng cũng như nêu lên những giải pháp lãnh đạo, hỗ trợ của Petrovietnam nhằm giúp PV GAS duy trì và gia tăng sản lượng khai thác khí đã được Chính phủ phê duyệt, tiếp tục góp phần gia tăng nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, Petrovietnam và PV GAS cũng đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp chiến lược, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành để tiếp tục phát triển bền vững ngành công nghiệp Khí Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm ông Trần Trọng Hữu - Phó Chánh văn phòng Tổng Công ty khí Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng hơn 30 năm, từ một công ty nhỏ, PV GAS đã từng bước xây dựng, đưa vào hoạt động và hiện đang quản lý hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp Khí Việt Nam tương đối hoàn chỉnh gồm 5 hệ thống khí dài trên 1.500 km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí với tổng công suất trên 10 tỷ m3/năm, 14 kho chứa LPG công suất gần 150 nghìn tấn, hệ thống phân phối khí/sản phẩm khí rộng khắp trên toàn quốc…, có giá trị tài sản trên 70 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị phần khí khô, khoảng 70% thị phần bán buôn và khoảng 12% thị phần bán lẻ LPG nội địa.
Khách mời của buổi tọa đàm: bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương
“Với hệ thống công trình khí hiện đại, hoạt động hiệu quả, với lực lượng lao động trình độ cao và đồng tâm đồng trí, PV GAS đã góp phần to lớn đưa ngành công nghiệp Khí Việt Nam lên bản đồ Khí Thế giới; thúc đẩy thị trường khí và sản phẩm khí Việt Nam không ngừng phát triển; Góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia; giảm ô nhiễm môi trường và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của các ngành/vùng liên quan”- ông Trần Trọng Hữu nhấn mạnh.
Ghi nhận những thành công của PV GAS, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành bày tỏ, PV GAS đã có những bước đi tiên phong, tích cực; đặc biệt trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới có sự trồi sụt không ngừng, các tác động không mong muốn từ dịch bệnh Covid-19. PV GAS cũng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo phát triển lĩnh vực LNG ở nước ta, nhằm tạo ra năng lực sản xuất mới, nâng tầm vị thế thương hiệu PV GAS. “Cho đến nay, ngành công nghiệp Khí Việt Nam đã khẳng định những bước tiến vượt bậc, đưa nguồn năng lượng khí từ chỗ phải đốt bỏ ngoài khơi, trở thành nguồn năng lượng quan trọng góp phần giải quyết vấn đề năng lượng, kinh tế, môi trường. Thành quả đạt được đã cho thấy những bước đi vững chắc của PV GAS không chỉ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp Khí Việt Nam mà còn đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới” – ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cũng lưu ý, thời gian tới PV GAS cần tập trung phát triển thực hiện theo Nghị quyết số 55 - NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, PV GAS cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nhân tố quan trọng cùng Petrovietnam tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam.
Nhìn nhận về PV GAS, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than khẳng định, qua công tác quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương đánh giá rất cao vai trò tiên phong, với tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PV GAS. Là doanh nghiệp chủ lực của ngành công nghiệp Khí Việt Nam, với yêu cầu về tiến độ, chất lượng đối với các hệ thống thu gom, phân phối khí, PV GAS luôn đảm bảo công tác đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả, an toàn chuỗi giá trị khí; cung cấp kịp thời, đầy đủ và hiệu quả nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện, đạm, sản xuất công nghiệp khác.
Giao diện Tọa đàm về PV GAS trên Báo Công Thương online
“Bộ Công Thương luôn tin tưởng PV GAS đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong ngành dầu khí, ngành công nghiệp Khí Việt Nam”- bà Ngô Thúy Quỳnh khẳng định và cũng cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược năng lượng quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để đưa ra định hướng phát triển năng lượng trong giai đoạn tới, bao gồm cả lĩnh vực khai thác, vận chuyển, chế biến, đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp Khí đối với từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, với vai trò là doanh nghiệp chủ lực của ngành công nghiệp Khí quốc gia, PV GAS vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện, cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu đối với lĩnh vực công nghiệp Khí; tiếp tục duy trì vận hành ổn định hệ thống cung cấp khí hiện hữu, đảm bảo nguồn cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Về những giải pháp của Bộ Công Thương để xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế, chính sách trong việc thực hiện phát triển ngành công nghiệp Khí, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khí, bà Ngô Thúy Quỳnh nhấn mạnh: “Hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển ngành công nhiệp khí đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành tương đối đầy đủ từ khâu đầu tư, khai thác, vận chuyển,.. đến kinh doanh khí. Với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương hiện đang tiến hành rà soát, xây dựng, hoàn thiện một số quy định liên quan đến lĩnh vực công nghiệp khí trong giai đoạn tới, đặc biệt đối với lĩnh vực nhập khẩu khí (bằng đường ống, nhập khẩu LNG) để tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường khí phát triển. Đặc biệt, quá trình xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi trình Quốc hội xem xét phê duyệt; nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ các bấp cập đối với ngành dầu khí vẫn đang được đẩy mạnh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ và doanh nghiệp (đặc biệt là Petrovietnam, PV GAS) nhằm đảm bảo khung pháp lý phù hợp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong chiến lược phát triển chung của ngành công nghiệp Khí Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tình hình triển khai các dự án để kịp thời có những chỉ đạo, phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc thúc đẩy dự án và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia phát triển thị trường khí tại Việt Nam”.