Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: Đảm bảo sức khỏe cho người lao động; Duy trì ổn định, an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) - Đầu tư, tiêu thụ sản phẩm thông suốt và hoàn thành cao nhất có thể các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.
Tác động sâu rộng của dịch bệnh
Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, mức độ nghiêm trọng lớn hơn nhiều so với đầu năm và chưa xác định được thời điểm có thể kiểm soát. Việc áp dụng giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều nước trên thế giới cũng như nhiều địa phương ở nước ta đã, đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của PV GAS.
PV GAS đồng hành cùng nhiều chương trình phòng chống Covid - 19
Cụ thể, huy động khí cho sản xuất điện trong 7 tháng đầu năm nay ở mức mức thấp và dự kiến sẽ thấp hơn nữa trong 5 tháng cuối năm (từ khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đối với 19 tỉnh thành phía Nam, khí huy động cho phát điện khu vực Đông Nam bộ giảm 20% so với trước). Nhu cầu thị trường các sản phẩm khí cũng giảm do một số nhà máy, hộ tiêu thụ sử dụng KTA/CNG/LPG làm nguyên liệu, nhiên liệu dừng hoạt động hoặc hoạt động ở mức cầm chừng; các nhà hàng, khách sạn, quán ăn sử dụng LPG (bình 45kg) dừng hoạt động do giãn cách xã hội (19 tỉnh thành phía Nam đang bị giãn cách có sản lượng LPG tiêu thụ chiếm 45% toàn quốc)...
Thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến khả năng dự báo về nhu cầu thị trường LPG bị hạn chế, có nguy cơ ảnh hưởng đến cân đối cung cầu. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa (LPG, CNG) trong tỉnh, từ tỉnh này đến tỉnh khác hoặc xuất khẩu hàng bằng xe bồn sang Campuchia cũng gặp nhiều khó khăn do lệnh cách ly, giãn cách xã hội, các yêu cầu tuân thủ phòng dịch. Dịch bệnh cũng làm tăng chi phí vận hành, vận tải giao nhận hàng, phát sinh các rủi ro công nợ do các đơn vị khó khăn hoặc đóng cửa…
Trong công tác đầu tư xây dựng, ảnh hưởng của dịch Covid - 19 khiến việc phê duyệt hồ sơ có liên quan (PCCC, ATMT, kết nối hạ tầng, điện nước,…) gặp rất nhiều khó khăn vì không thể tổ chức họp, trao đổi, giải trình,… dẫn đến còn nhiều tồn tại về việc cấp các giấy phép có liên quan (thẩm định PCCC; thẩm duyệt các phương án về cầu cảng, hàng hải, kết nối hạ tầng, đánh giá môi trường,…). Cùng với đó, là các phần việc khác như: thi công xây dựng, huy động, xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị, huy động về nhân sự nước ngoài, đào tạo đội ngũ vận hành,… đều phát sinh thêm nhiều khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp
Trước những tác động, khó khăn rất lớn và nhiều mặt, trong những diễn biến mới, khó lường của tình hình dịch bệnh Covid -19, PV GAS đã nhanh chóng rà soát, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt, đồng thời liên tục cập nhật tình hình để những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, quyết tâm duy trì, đảm bảo hoạt động SXKD, đầu tư xây dựng trong toàn PV GAS được liên tục, hiệu quả, an toàn, bảo vệ người lao động và cộng đồng.
DS86. Thực hiện khai báo y tế là nhiệm vụ hàng ngày được PV GAS yêu cầu CBCNV tuân thủ nghiêm túc
PV GAS thường xuyên cập nhật, tổ chức thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu của Bộ Y tế, các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là tăng cường bảo vệ cho các vị trí trọng yếu; đẩy mạnh phối hợp, tổ chức tiếp nhận các nguồn vaccine để phối hợp tiêm cho CBCNV, nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, đảm bảo ổn định hoạt động; Chủ động, tăng cường công tác phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống Covid ở các địa phương nơi có công trình, dự án khí của PV GAS để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng trong công tác xử lý, nếu khi xảy ra tình huống nhiễm/nghi nhiễm tại đơn vị, đảm bảo công trình được vận hành, thi công liên tục, an toàn.
Bên cạnh sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó trong các tình huống của dịch bệnh, để đảm bảo hoạt động SXKD được thông suốt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, PV GAS đã tiến hành rà soát tất cả các hoạt động đông người (đầu tư xây dựng, bảo dưỡng sửa chữa,…), xác định thực hiện theo thứ tự ưu tiên nhằm giảm mức độ tập trung người lao động mà vẫn đáp ứng yêu cầu công việc. Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cũng đã được đầu tư, chuẩn bị từ sớm, đáp ứng nhu cầu họp trực tuyến, làm việc từ xa/tại nhà. PV GAS cũng xây dựng, áp dụng các chính sách hỗ trợ tốt nhất có thể cho các CBCNV khi thực hiện giải pháp “ba tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến”, cũng như khi kéo dài thời gian đổi ca,... đảm bảo người lao động yên tâm công tác, được trang bị đầy đủ thuốc, đồ sát khuẩn, thiết bị phòng chống lây nhiễm; trang bị một số thiết bị y tế thiết yếu trong trường hợp khẩn cấp.
PV GAS cũng nỗ lực triển khai các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động SXKD do ảnh hưởng của dịch bệnh: Thường xuyên làm việc với Bộ Công Thương/EVN để tăng cường huy động khí cho sản xuất điện; Chủ động làm việc với các bên trong dây chuyền khí để tối ưu công tác BDSC dừng/giảm cung cấp và tiêu thụ khí; Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kế hoạch sản xuất của khối sản xuất để có kế hoạch điều tiết nguồn hàng phù hợp trong điều kiện dịch bệnh; Rà soát, xác định mục tiêu kinh doanh trong ngắn hạn và trung hạn, từ đó xây dựng các kịch bản kèm giải pháp thích ứng với các thay đổi, để triển khai phương án kinh doanh phù hợp; Tận dụng cơ sở hạ tầng (kho LPG lạnh tại Thị Vải, kho nổi LPG lạnh tại Thái Bình), các kho định áp tại khu vực miền Trung, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán buôn, chiếm lĩnh thị phần LPG, đặc biệt khu vực miền Bắc, miền Trung.
(LNG TV6). Các nhân sự trực dự án thực hiện "3 cùng"
Những khó khăn trong từng lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng, tài chính, cơ chế chính sách,… đều được PV GAS xây dựng và triển khai các giải pháp ứng phó cụ thể. Như trong công tác đầu tư xây dựng, PV GAS chủ động, phối hợp chặt chẽ với nhà thầu rà soát, triển khai các giải pháp cụ thể giảm thiểu ảnh hưởng, đảm bảo tiến độ các dự án; Tận dụng những lợi thế về tiềm lực để xem xét đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực khí, mua/sáp nhập các công ty kinh doanh LPG, các cơ sở vật chất kinh doanh LPG;... Trong công tác tài chính: Kiểm soát chặt chẽ công nợ, không để phát sinh mới nợ xấu và thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng tốc việc thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu; Thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;...
Ngoài các giải pháp trên, PV GAS tiếp tục duy trì, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện các công việc liên quan, ứng phó hiệu quả diễn biến dịch bệnh; nâng cao công tác quản trị, tăng cường tính chuyên nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, đơn giản hóa hệ thống quản lý; đẩy mạnh công tác tái cấu trúc; tiếp tục xây dựng, đẩy mạnh áp dụng văn hóa PV GAS; phổ biến và thay đổi tư duy nhận thức, cách tiếp cận SXKD phù hợp với tình hình mới.