- Ba Lan từ chối tham dự diễn đàn quốc phòng quốc tế tại Ukraine
- Phương Tây không đồng thuận cao trong nỗ lực viện trợ cho Ukraine?
Theo Politico, các nước châu Âu đã viện trợ cho Ukraine mọi loại vũ khí mà họ có và không thể chuyển giao nhiều vì lý do an ninh.
Tờ Politico cho biết, các nước liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp cho Ukraine tất cả vũ khí họ có thể mà không làm ảnh hưởng đến khả năng quốc phòng của những quốc gia này.
Cũng theo Politico, Ukraine đang phải đối mặt với việc các đồng minh phương Tây cắt giảm nguồn cung vũ khí lẫn tài chính. Viện trợ cho Ukraine từ phương Tây đang sụt giảm.
Politico dẫn lời một quan chức EU giấu tên cho biết: “Chúng tôi không thể tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine từ kho dự trữ của mình. Cam kết hỗ trợ cho Kiev vẫn được giữ nguyên nhưng chúng tôi đã làm mọi thứ có thể".
Nguồn tin của Politico đưa ra thông tin trên ngay sau Diễn đàn công nghiệp quốc phòng quốc tế 2023 do Kiev tổ chức vào tuần trước. Tại sự kiện này Ukraine đang cố gắng thu hút các công ty phương Tây đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Tuy nhiên điều Kiev nhận được lại là "sự rạn nứt" trong các viện trợ quân sự từ phương Tây.
Việc Quốc hội Mỹ tuần trước không phân bổ tiền viện trợ trong ngân sách tạm thời cho Ukraine, hay gần hơn là tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố sẽ ngừng viện trợ cho Kiev trong chiến dịch tranh cử chỉ là hai trong nhiều dấu hiệu cho thấy viện trợ cho cuộc xung đột đang bị cắt giảm.
Chính phủ Ukraine ước tính sẽ nhận được ít nhất 42,8 tỷ USD viện trợ từ các nước đồng minh trong năm tới.
Một nguồn tin ngoại giao nói với Politico rằng một cuộc khủng hoảng về ngân sách của EU có thể mang đến những thay đổi khó lường đối với viện trợ cho Ukraine.
Diễn đàn công nghiệp quốc phòng quốc tế 2023 là một phần trong nỗ lực tăng cường sản xuất vũ khí của Ukraine. Hãng Rheinmetall của Đức và BAE (Anh) đã đưa ra một số cam kết mở cơ sở sản xuất tại Ukraine.
Chuyên gia phân tích Daniel Vajdich nói với Politico rằng, mục tiêu của Kiev là trở thành “một Israel ở châu Âu - tự cung tự cấp nhưng với sự giúp đỡ từ các nước khác”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra ý tưởng sử dụng tài sản của Nga bị phương Tây tạm giữ để thúc đẩy sản xuất quốc phòng của nước này nhưng chưa nhận được sự đồng tình của EU lẫn Mỹ.
Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal cho biết, có đến 37 cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga.
Về phần mình, Nga nhấn mạnh rằng các địa điểm sản xuất vũ khí do nước ngoài xây dựng ở Ukraine sẽ được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp.