Khi gặp nhau, bé M. và bé H., hai bé bị trao nhầm cách đây 6 năm, chơi vui vẻ với nhau. Hai bé đều gọi chị Hương cũng như vợ chồng anh Sơn là bố mẹ.
Sáng 15/7, chị Vũ Thị Hương (SN 1983, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hiện đang công tác tại nội thành Hà Nội) đã đưa bé Đoàn Nhật M. (SN 1/11/2012) về quê chơi, đồng thời cũng cho bé M. gặp gỡ bố mẹ ruột của mình là anh Phùng Giang Sơn (thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) và chị Phùng Thị Thu Hiền. Hai bé Đoàn Nhật M. và Phùng Thanh H. chơi với nhau rất vui vẻ, hòa đồng tại nhà chị Hương.
Chị Hương cho biết, chị làm trong nghề mầm non 10 năm nên hiểu tâm lý các con. Chính vì thế, từ sau khi biết có sự nhầm lẫn, chị cũng muốn có thời gian để các con hòa nhập môi trường mới trước khi chuyển các con về đúng vị trí của mình.
Theo chị Hương, thời gian này, chưa thể chuyển các con về với gia đình ruột thịt của mình. Tâm lý các con vẫn là điều chị trăn trở và lo lắng nhất. Vì, chị Hương bảo, khi chị đưa M. về nhà anh Sơn, con rất hay đòi về với mẹ. “Mỗi khi tôi nhắc chuyện này với con, M. đều không vui. M. vẫn bảo: “Mẹ là mẹ của con, con không đi đâu hết!”, nên điều quan trọng nhất bây giờ vẫn là tâm lý các con”, chị Hương nhấn mạnh.
Bé M. (áo trắng) và bé H.
Chị Vũ Thị Hương cho biết thêm, đây không phải lần đầu tiên chị đưa cháu M. về với gia đình anh Sơn, đoàn tụ với cháu H..
"Từ khi biết được việc trao nhầm, hầu như tuần nào được nghỉ hay rảnh rỗi tôi cũng đưa M. về để đoàn tụ với vợ chồng Sơn, Hiền và đoàn tụ với cháu H. chứ không phải giờ mới đưa về.
Lần nào gặp, hai cháu cũng chơi với nhau rất vui vẻ, quấn quýt nhau. Cháu M. cũng gọi ông bà, bố mẹ Sơn, Hiền và nói đây là bố mẹ đẻ của con và H. cũng bảo mẹ Hương là mẹ đẻ của con", chị Hương kể.
Kể về những ngày hai con gặp gỡ và đi chơi, đôi mắt người phụ nữ ấy ánh lên chút niềm vui. “M. không gọi H. là bạn mà xưng anh vì M. bảo, mình to hơn H.. Lúc H. đi cạnh tôi, M. chạy lại bảo: “Mẹ Hương là mẹ anh còn mẹ Hiền là mẹ em”. Tôi cũng rất muốn được ôm ấp H., nhưng những khi ấy M. đều không vui.
Rồi lúc tôi đưa hai cháu ra Hà Nội, khi nằm ngủ, M. nằm một bên, H. nằm một bên còn cháu thứ hai của tôi tên K. lúc đó lại hỏi, vậy con nằm đâu. Lúc đó, tôi phải trả lời, con nằm lên mẹ này.
Có lẽ cũng có những điều như cái duyên, hai con trai sau của tôi cũng như gia đình anh Sơn đều tên K. và cùng sinh năm 2015”, chị Hương tâm sự.
Các con quây quần bên chị Hương.
Trong suốt thời gian chị Hương trò chuyện với chúng tôi, hai bé M. và H. vẫn vui chơi ngoài sân cùng những đứa trẻ khác. Theo quan sát của PV, khi bố mẹ Sơn - Hiền ra nói bảo đi về và cho H. ở lại ngủ với M., chiều sẽ lên đón, cháu H. mặt hơi xị ra chút xong lại chạy nô đùa với M..
Trước rất nhiều luồng dư luận khác nhau đang đổ về mình, chị Hương vẫn bình tĩnh đón nhận. Dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, chị vẫn sẽ cố gắng để đảm bảo cuộc sống đầy đủ và thật sự thoải mái cho các con.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, chị Hương vẫn chưa được cầm tờ giấy xét nghiệm ADN trên tay. Tất cả những thông tin về kết quả xét nghiệm chị được biết thông qua gia đình anh Sơn.
“Về việc gặp mặt giữa ba bên (gia đình anh Sơn, gia đình chị Hương và bệnh viện Đa khoa Ba Vì – PV), khi nào có thông báo tôi sẽ về để gặp gỡ.
Tôi đã nói với gia đình Sơn nên cho tôi thêm thời gian để chuẩn bị tâm lý cho con và việc này cũng chính là tốt cho con của vợ chồng Sơn chứ không phải chỉ cho tôi”, chị Hương nói thêm.
Hiện tại, hai gia đình cũng có bàn bạc, thống nhất sẽ cho hai cháu về cùng học tại trường ở thị trấn Tây Đằng một thời gian và dự định sẽ để hai cháu ở mỗi nhà một tuần để chăm sóc, cho đến khi tư tưởng của các cháu thích nghi và đồng ý việc về ở đúng với bố mẹ.
Người mẹ này khẳng định, một số thông tin cho rằng, gia đình chị Hương và anh Sơn đòi hỏi chuyện bồi thường, tiền bạc của bệnh viện là không chính xác.
"Tôi đã nói với đại diện bệnh viện, nếu em lấy lại được cuộc sống bình yên trước đây thì em dù không có tiền cũng vay mượn đưa cho các anh chứ không cần phải bồi thường. Còn giờ, H. là con ruột của tôi, nhìn con như thế, tôi phải xót xa chứ đâu phải bỏ con mình nuôi con người như người ta nói. Là người mẹ, tôi chỉ mong sao, mọi thứ tốt nhất cho con tôi thôi. Ban đầu tôi tưởng mình không thể khóc nổi nhưng không biết nước mắt ở đâu mà khóc nhiều thế", chị Hương trao đổi.
Nguyễn Huệ
‘Like Father, Like Son’: Câu chuyện trao nhầm con của người Nhật Bản
Đề tài bệnh viện trao nhầm con thực tế không xa lạ trên màn ảnh. Nhưng hiếm ai tiếp cận nó thành công như đạo ... |
Từ vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Đừng vội tước đi quyền được yêu thương của con trẻ
Đúng sai đã rõ, nghi ngờ bấy lâu nay từ hai gia đình đã được giải tỏa, tuy nhiên, cái chúng ta cần nhìn nhận ... |
Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: \'Tôi dạy con đọc tên bố mẹ đẻ mỗi tối\'
Từ khi biết con trai mình nuôi nấng bấy lâu là con người khác, chị Hương đã dạy con đánh vần, tập đọc tên bố ... |