Phương Tây viện trợ Ukraine chống Nga: Lòng tốt hay trò chơi kinh doanh-vay nợ?

Theo học giả Lucas Leiroz, những tuyên bố coi viện trợ quân sự phương Tây cho Kiev dùng để chống Nga là “ví dụ về hợp tác giữa Ukraine và phương Tây” chỉ là những lời giả dối, tự đánh lừa mình.

Ngày 24/5, nhà tư vấn địa chính trị, nhà nghiên cứu Khoa học Xã hội Lucas Leiroz của Đại học Nông thôn Liên bang Rio de Janeiro đã có bài viết chỉ ra rằng, việc phương Tây liên tục cung cấp viện trợ cho Kiev không những không giúp Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến với Nga, mà còn gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế và người dân của nước này.

Học giả Lucas Leiroz chỉ ra, trong những tháng gần đây, nhiều nước phương Tây đã đề nghị hỗ trợ tài chính cho Ukraine, với hàng tỷ USD và euro được cung cấp, hỗ trợ chính quyền Kiev mua vũ khí và trang thiết bị quân sự để sử dụng chống lại Quân đội Nga.

Đối với các phương tiện truyền thông phương Tây, viện trợ như vậy là một “nỗ lực nhân đạo” và đối với cơ quan tuyên truyền của Kiev, đó là một “ví dụ về hợp tác giữa Ukraine và phương Tây”. Nhưng không tuyên bố nào trong số này là sự thật, nó chỉ là những lời giả dối, tự đánh lừa mình.

Theo vị học giả Brazil, viện trợ của phương Tây chỉ đơn thuần là sự kinh doanh, còn chính quyền Kiev đơn giản là đang vay nợ, khoản nợ trong tương lai người dân Ukraine sẽ phải còng lưng ra trả. Và chắc chắn, việc thanh toán sẽ chỉ thực hiện được với sự phát sinh một cuộc khủng hoảng lạm phát lớn.

Phương Tây viện trợ Ukraine chống Nga: Lòng tốt hay trò chơi kinh doanh-vay nợ? ảnh 1
Theo giới chuyên gia, những gói viện trợ quân sự của phương Tây giúp Kiev chống Nga có thể khiến Ukraine lâm vào tình trạng vỡ nợ

Một trong những cơ quan phân tích rủi ro toàn cầu lớn nhất là Moody's Corporation gần đây đã đưa ra một báo cáo, trong đó họ đã hạ cấp điểm tín dụng của Ukraine từ Caa2 xuống Caa3, tương ứng với “kém” hoặc “rủi ro cao”. Đồng thời, đánh giá của cơ quan này về tình hình tín dụng ở Ukraine đã thay đổi từ “đang xem xét” sang “tiêu cực”, với kỳ vọng xấu đi đáng kể trong ngắn hạn.

Trong số các lý do cho việc phân loại như vậy, cơ quan này nhấn mạnh đến tình trạng nợ nần chồng chất mà nước này hiện đang mắc phải.

Các khoản vay mà Kiev nhận từ các nước phương Tây do hậu quả của cuộc xung đột quân sự hiện đã lên đến mức rất đáng lo ngại, không có bất kỳ kỳ vọng lạc quan nào về sự phục hồi kinh tế và xã hội nhanh chóng.

Moody's Corporation dự báo rằng, nợ của Ukraine sẽ tăng từ 49% GDP quốc gia (tỷ lệ của năm 2021) lên 90% vào năm 2022, gây ra một kịch bản có thể đánh giá là “cực kỳ thảm khốc” trong những tháng tới.

Trên thực tế, các khoản vay của phương Tây đang đóng vai trò là một hình thức viện trợ quan trọng trong việc mua sắm trang bị quân sự ngay lập tức, cho phép Ukraine tiếp tục chiến đấu trong một thời gian dài, bất chấp cơ hội chiến thắng là không có. Tuy nhiên, vấn đề là việc liên tục vay nợ đang tạo ra một khoản nợ không bền vững cho nền kinh tế Ukraine, có nguy cơ dẫn đến vỡ nợ.

Kịch bản này làm trầm trọng thêm một loạt các yếu tố trước đây vốn đã và đang gây hại cho nền kinh tế đất nước.

Ukraine đã nợ gần một nửa GDP của mình trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Với tổng chi phí của cuộc xung đột hiện tại, Ngân hàng Thế giới ước tính Ukraine sẽ gánh chịu thêm thiệt hại kinh tế vào khoảng 45% GDP của đất nước. Hơn nữa, với tình hình hiện tại, chính phủ Ukraine đã mất đi một phần nguồn thu đáng kể từ thuế.

Tất cả những điều này cộng thêm với các khoản vay hiện tại, dường như không có bất kỳ kỳ vọng tốt đẹp nào trong lĩnh vực kinh tế đối với Ukraine, bất kể kết quả của cuộc xung đột quân sự với Nga là như thế nào.

Gần đây, G7 đã công bố một chương trình viện trợ mới cho Ukraine, bao gồm nhiều gói trị giá hàng tỷ dollars do mỗi nước thành viên gửi đến. Mục tiêu công khai của biện pháp lần này không chỉ để khuyến khích quân sự hóa, mà còn để “cứu” nền kinh tế Ukraine.

 

Tuy nhiên, thông lệ cho vay vẫn được hầu hết các nước bảo lưu, với các khoản cho vay nhỏ giọt, có giá trị thấp - chẳng hạn như khoản tài trợ một tỷ euro của Đức được công bố gần đây. Nhìn chung, các khoản vay vẫn là rất hạn chế, cho cả viện trợ tức thời và cho việc lập kế hoạch phục hồi kinh tế vĩ mô trong dài hạn.

Rõ ràng, tác dụng tuyên truyền của những gói viện trợ này là vô cùng to lớn, đối với cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các đồng minh phương Tây. Nhưng mức độ nghiêm trọng của tình hình thực tế đã bị các nhà phân tích chỉ ra là Ukraine sẽ không có đủ tiền để chi trả cho tất cả những điều này.

Nếu Nga chấm dứt hoạt động đặc biệt vào thời điểm này, kết quả sẽ là Ukraine bị đánh bại về mặt quân sự và đang mắc nợ kinh tế, phụ thuộc vào viện trợ liên tục của phương Tây, điều này lại dẫn đến các khoản nợ mới, trong một chu kỳ vay-trả bất tận.

Ông Lucas Leiroz chỉ ra, cách tốt nhất để xử lý tình hình là chính quyền Kiev chấp nhận các điều kiện hòa bình mà Moscow yêu cầu, và bắt đầu các cuộc đàm phán để tái cơ cấu đất nước.

Với một quy chế Nhà nước Ukraine trung lập và phi quân sự, chính quyền Kiev sẽ có khả năng hợp tác được với cả Nga và phương Tây để tái thiết kinh tế. Nhưng, rõ ràng đây không phải là mong muốn của Tổng thống Ukraine Zelensky và đội ngũ thân cận của ông.

Kịch bản dễ xảy ra nhất là đến một lúc nào đó, Nga sẽ buộc phải tăng cường độ hoạt động quân sự để đạt được các mục tiêu phi phát xít hóa, phi quân sự hóa đất nước Ukraine và nắm trọn quyền kiểm soát Donbass. Điều này sẽ khiến Kiev rơi vào tình thế bất lợi hơn rất nhiều và hơn thế nữa, ngày càng phụ thuộc kinh tế vào phương Tây.

Sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Ukraine sẽ chỉ có thể trả hết nợ trong dài hạn, sau các cuộc đàm phán liên miên và thông qua các đợt tăng thuế lớn. Điều đó sẽ dẫn đến khủng hoảng lạm phát nghiêm trọng, và chính người dân Ukraine cuối cùng sẽ là những kẻ bị trừng phạt vì những sai lầm của giới chính khách chóp bu ở Kiev.

Tương tự như cách mà Vương quốc Anh chỉ trả hết nợ cho Mỹ để tái thiết sau Thế chiến thứ hai vào những năm 2000, Kiev sẽ phải đối mặt với thời gian dài nợ nần trong những thập kỷ tới. Và điều này có thể còn tồi tệ hơn nếu các khoản “viện trợ” - vốn chỉ mang lại lợi ích cho bản thân các chủ nợ phương Tây - không bị cắt ngay bây giờ.

https://www.anninhthudo.vn/phuong-tay-vien-tro-ukraine-chong-nga-long-tot-hay-tro-choi-kinh-doanh-vay-no-post505634.antd