Ở một số công ty của Nhật Bản, đeo kính là việc bị coi là không phù hợp với phụ nữ ở nơi làm việc.
Ở một số công ty của Nhật Bản, đeo kính là việc bị coi là không phù hợp với phụ nữ ở nơi làm việc.
Theo một số bài viết gần đây trên Nippon TV và Business Insider Nhật Bản, phụ nữ ở nhiều doanh nghiệp đang bị yêu cầu không được đeo kính khi đi làm.
Một nhân viên lễ tân kể lại việc cô bị yêu cầu không được đeo kính, trong khi một nam nhân viên khác thì lại được phép.
Một y tá ở cơ sở làm đẹp thì bị khô mắt sau nhiều giờ làm việc nhưng không được phép đeo kính. Ông chủ của cô đã đặt ra một số quy định: bắt buộc phải trang điểm, không tăng cân quá nhiều.
Một hãng hàng không của nước này cũng đưa ra quy định không đeo kính vì lý do an toàn. Một số nhà hàng nói rằng nhân viên nữ đeo kính là không phù hợp với truyền thống của họ.
Nhiều doanh nghiệp đặt ra quy định cấm nhân viên nữ đeo kính ở công sở. |
Tại sao lại như vậy? Một số nữ nhân viên cho biết lý do có thể là do cặp kính mang lại ấn tượng lạnh lùng, che đi lớp trang điểm hoặc chỉ vì ông chủ của họ không thích như thế thôi.
Những quy định lạ lùng này đang làm dấy lên một làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội nước này.
Mặc dù chưa có thống kê chính xác về mức độ phổ biến của quy định này ở các doanh nghiệp, nhưng hashtag ‘đeo kính bị cấm’ đang trở thành từ khoá ở Nhật Bản kể từ ngày 6/11.
‘Không rõ quy định này là do doanh nghiệp hay xã hội đặt ra nhiều hơn’ - tờ BBC nhận xét.
Tuy nhiên, quy định này đã hứng chịu một làn sóng chỉ trích nặng nề từ phía phụ nữ nước này, cho rằng nó săm soi cơ thể phụ nữ trong khi với những người đàn ông thì không.
Sự việc làm người ta liên tưởng tới một quy định khác trước đó yêu cầu phụ nữ phải đi giày cao gót ở công sở. Nhiều nhà bình luận cho rằng, quy định này có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của phụ nữ và gây ra những bất tiện cho họ.
Hồi đầu năm 2019, phụ nữ Nhật Bản cũng khuấy động một phong trào mang tên #KuToo – một cách chơi chữ từ từ ‘kutsu’ (giày) và ‘kutsuu’ (nỗi đau) trong tiếng Nhật, tương tự như phong trào #MeToo.
Yumi Ishikawa – người đã châm ngòi phong trào #KuToo. |
Yumi Ishikawa – người đã châm ngòi phong trào #KuToo chia sẻ: ‘Nếu đeo kính là một vấn đề có thật ở công sở thì nó nên bị cấm với tất cả mọi người - cả nam và nữ. Việc này giống hệt như chuyện đi giày cao gót. Đó chỉ là quy định dành riêng cho phụ nữ’.
Nguyên nhân khiến Ishikawa khuấy động phong trào là khi chân cô bật máu vì phải đi giày cao gót ở nơi làm việc.
Nhiều người cũng so sánh quy định đeo kính với một số quy định cứng nhắc về trang phục ở các trường học Nhật Bản - còn được gọi là ‘quy định trường học màu đen’. Ví dụ như nhiều trường học Nhật Bản yêu cầu học sinh phải để tóc đen và theo một kiểu cách nhất định.
Không có gì ngạc nhiên khi nhiều phụ nữ nước này hi vọng sẽ loại bỏ được các quy tắc ăn mặc cứng nhắc ở công sở. Ishikawa đã đề trình một bản kiến nghị hồi tháng 6 yêu cầu Chính phủ cấm tất cả các công ty đưa ra quy định về ăn mặc phân biệt đối xử với phụ nữ.
‘Phụ nữ bị đánh giá chủ yếu về ngoại hình’ – ông Kumiko Nemoto, giáo sư xã hội học tại ĐH Ngoại ngữ Kyoto chia sẻ với BBC. ‘Đó là thông điệp mà những chính sách này gửi đi, ít nhất là như vậy’.
Nguyễn Thảo
Bí quyết làn da không tuổi của phụ nữ Nhật
Uống trà xanh, chống nắng, bổ sung collagen... là những cách mà phụ nữ xứ Phù Tang áp dụng để chống lão hóa, trẻ lâu. |
Phụ nữ Nhật thèm tự do hơn kết hôn
Phụ nữ Nhật ngày nay không cần chồng để đảm bảo kinh tế vì họ đã đi làm, có tiền. |
Ứng dụng trên điện thoại giúp phụ nữ Nhật kêu cứu khi bị sàm sỡ
Khi nút khẩn cấp được bấm, điện thoại phát ra tiếng báo động lớn và dòng chữ thông báo khiến người xung quanh nhận biết ... |