Phòng bệnh từ việc thay đổi thói quen ăn uống

Tiệc tùng đông người, ăn chung mâm, dùng chung bát nước mắm... là thói quen của người Việt. Trong đó, có những thói quen tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vi trùng, vi khuẩn và các loại dịch bệnh… Những thói quen trên bàn ăn chưa phù hợp vệ sinh còn chậm thay đổi, phải cần được thay đổi sớm hơn để góp phần phòng tránh dịch bệnh.

Các cuộc ăn nhậu thường chung đụng thức ăn và đồ dùng cốc chén, bát đũa... Ảnh: PK

 

Một hình ảnh quen thuộc tại các bữa tiệc hiện nay là: Khi phục vụ bàn mang món ăn lên luôn kèm theo những dụng cụ như môi, thìa để mỗi người xén rồi múc thức ăn vào bát, hoặc có đũa chung để gắp các thứ bún, miến, rau… vào bát trước khi cho nước lẩu vào. Tuy nhiên, hầu hết thực khách cùng bàn không có thói quen phân biệt sử dụng dụng cụ bàn ăn chung và riêng.  Mỗi người đều dùng đôi đũa riêng để gắp thức ăn từ đĩa, thậm chí còn thò cả đầu đũa đang ăn vào nồi lẩu để gắp rau cải, thịt... Có người còn theo thói quen bày tỏ sự quý mến nhau dùng đầu đũa đang ăn gắp thức ăn cho người bên cạnh.

GS-TS Trần Thiện Trung - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (cơ sở 2) - trong mỗi lần khám cho bệnh nhân về tiêu hóa luôn dặn dò rất kỹ: “Ăn chín, uống sôi, trong mâm cơm phải có đôi đũa, môi chung chỉ dùng để gắp, múc thức ăn chứ không dùng đũa riêng để gắp; nước chấm mỗi người một chén riêng…”. Bởi nếu ăn chung mâm mà không có các biện pháp bảo đảm vệ sinh thì rất dễ lây vi khuẩn Helicobacter Pylori (gây ra bệnh dạ dày) từ người bị sang người chưa bị.   

Có thể nói, tập quán ăn chung mâm nhưng không dùng dụng cụ chung để gắp, múc thức ăn là tình trạng khá phổ biến hiện nay trong bữa ăn của người Việt. Tình trạng này vừa bất cập về vệ sinh trong ăn uống và càng đáng lo ngại hơn trong mùa cao điểm dịch virus Corona hiện nay.

Truyền thông Trung Quốc đã ghi nhận 9 người trong một gia đình ở Hồng Kông (Trung Quốc) bị nhiễm virus Corona sau bữa tiệc gia đình, vấn đề an toàn vệ sinh trong bàn ăn tiệc tùng càng cần được cảnh báo hiện nay.

Tập quán của người Việt xưa nay xem việc gắp thức ăn cho nhau là một thể hiện sự hiếu khách hay quý mến, yêu thương nhau. Sự chăm sóc này sẽ thể hiện được tấm lòng quan tâm nếu sử dụng dụng cụ dùng chung để gắp, múc thức ăn cho nhau. Ngược lại, nếu dùng đầu đũa đang ăn để gắp thức ăn cho nhau thì trở nên mất vệ sinh. Thậm chí, ngay cả trở đầu đũa để gắp cũng bị xem là không văn minh và an toàn vì vi trùng, vi khuẩn, virus hoàn toàn có thể từ tay lan sang đũa…

Như vậy, từ thực tế, những thói quen trên bàn ăn chưa phù hợp vệ sinh còn chậm thay đổi, phải cần được thay đổi sớm hơn để góp phần phòng tránh dịch bệnh.

Thế Lâm

Những mẹo vặt phòng bệnh cho trẻ khi vào thời điểm giao mùa

Thời tiết giao mùa đột ngột từ nóng sang lạnh, là nguyên nhân chính khiến trẻ nhỏ chưa kịp thích nghi và rất dễ mắc các bệnh ...

Quá tải do sốt xuất huyết, hành lang thành phòng bệnh viện

Hành lang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM bị biến thành phòng bệnh để kê thêm giường cho bệnh nhân sốt xuất huyết nằm. 

Vì sao thiếu vaccine phòng bệnh dại trên người?

Những năm qua, thiếu vaccine phòng bệnh dại trên người luôn xảy ra tại một số tỉnh miền Tây, năm nay khoảng thời gian thiếu ...

/ laodong.vn