Phía sau chuyến tàu đêm đưa lãnh đạo 3 nước châu Âu tới Ukraine

Bất chấp nguy hiểm và những thách thức an ninh, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy đã tới Thủ đô Kiev của Ukraine trên một chuyến tàu đêm. Theo ý kiến của giới chuyên gia, dường như các nhà lãnh đạo châu Âu có rất ít lựa chọn thay thế cho việc di chuyển bằng tàu hỏa và điều tối quan trọng là phải giữ bí mật trong suốt cuộc hành trình để tránh nguy cơ bị tấn công.

Phương tiện tốt nhất

Mặc dù quân đội Nga đã rút khỏi Thủ đô Kiev nhưng vẫn khó có thể đến nơi đây bằng các phương tiện khác ngoài đường sắt. Không phận Ukraine đã bị đóng cửa kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 vừa qua. Nhiều tuyến đường bộ vẫn chưa thể tiếp cận được do giao tranh diễn ra ác liệt. Do đó, đường sắt trở thành phương tiện tốt nhất để đưa các chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới đến Kiev.

Chuyến công du lịch sử đầu tiên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Marcron và Thủ tướng Italy Mario Draghi diễn ra sau chuyến thăm của các chính trị gia hàng đầu Liên minh Châu Âu (EU), gồm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Ukraine. Một số chính trị gia Đức trong đó có Ngoại trưởng Annalena Baerbock và lãnh đạo phe đối lập thuộc đảng Bảo thủ Friedrich Merz cũng đã tới Ukraine.

Hồi tháng 3 vừa qua, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài sang tuần thứ 3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và Phó Thủ tướng nước này, ông Jaroslaw Kaczynski đã đi tàu hỏa cùng các nhà lãnh đạo Slovenia và Cộng hòa Czech tới Kiev. Bức ảnh họ chăm chú nhìn bản đồ Ukraine đã lan truyền rộng rãi ở thời điểm đó. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh quân đội Nga đã tiến vào Thủ đô Kiev.

Mặc dù hiện tại giao tranh ở Ukraine chủ yếu diễn ra tại khu vực Donbass ở miền Đông, nhưng hành trình đến Kiev bằng tàu hỏa không phải không tiềm ẩn những rủi ro. Khi các chính trị gia nước ngoài đến Kiev bằng tàu hỏa, họ thường lên tàu Ukraine ở chặng cuối cùng của hành trình, từ phía biên giới Ba Lan, vì các ray đường sắt ở châu Âu và Ukraine có kích cỡ khác nhau. Các phái đoàn thường được nhân viên an ninh quốc gia của họ và nhân viên an ninh Ukraine tháp tùng. Việc giữ bí mật cho các chuyến đi là điều quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo an toàn cho các chính trị gia.

Chuyến thăm Ukraine của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chỉ được công bố sau khi đã hoàn thành. Trước đó, Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã bị chỉ trích khi thông báo về chuyến thăm của ông trong lúc đang trên đường tới Kiev. Phát biểu với hãng tin CNN, Chủ tịch Công ty Đường sắt Ukraine Oleksandr Kamyshin cho rằng, việc thể hiện tình đoàn kết với Ukraine là điều rất đáng hoan nghênh nhưng nhà lãnh đạo Ba Lan đã có chút vội vã khi công bố sớm như vậy.

Kể từ xung đột nổ ra, ông Oleksandr Kamyshin và đồng nghiệp của ông đã phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu. Chuyến thăm của Thủ tướng Anh đến Ukraine cũng bị hoãn lại nhiều lần vì lý do an ninh. Và công chúng hầu như không biết đến chuyến thăm này cho đến khi Đại sứ quán Ukraine ở London công bố bức ảnh ông Boris Johnson gặp ông Volodymyr Zelensky khi ở Kiev.

8-1.jpg -0
Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Italy trên tàu đến Kiev. Ảnh: La Repubblica.

Và sự ủng hộ của châu Âu

Phát biểu trong cuộc gặp 4 nhà lãnh đạo châu Âu đến thăm Ukraine ngày 16/6, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định, cách tốt nhất để chứng minh “quan điểm chung và vị thế mạnh mẽ của chúng ta” là ủng hộ Ukraine gia nhập EU, đồng thời nhấn mạnh, Ukraine sẵn sàng trở thành một thành viên đầy đủ của EU. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron, Thủ tướng Olaf Scholz, Thủ tướng Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã kêu gọi “ngay lập tức cấp tư cách ứng viên EU cho Ukraine”.

Ông Emmanuel Macron nói: “Tất cả 4 quốc gia (Pháp, Đức, Italy và Romania) đều ủng hộ việc trao quy chế ứng viên EU cho Ukraine ngay lập tức. Quy chế này sẽ đi kèm với một lộ trình, trong đó xét đến tình hình của nước Tây Balkan và các vùng lân cận, đặc biệt là Moldova”. Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định: “Châu Âu sẽ luôn kề vai sát cánh với Ukraine và sẽ duy trì sự hỗ trợ cho đến khi Ukraine giành được chiến thắng – một chiến thắng thực sự mang trở lại hòa bình, tự do, độc lập cho Ukraine”.

Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập EU vào 28/2, 4 ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ đưa ra quyết định về việc này trong Hội nghị Thượng đỉnh của khối ngày 23 - 24/6. Sự ủng hộ của tất cả 27 thành viên là điều kiện để việc kết nạp Ukraine được thông qua. Để gia nhập EU, một quốc gia phải có “một nền dân chủ toàn diện, quy định luật pháp và thị trường tự do”, ông Jarle Trondal, một chuyên gia về EU và là giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Oslo và Agder của Norway cho hay. Tuy nhiên, thậm chí trước khi chiến dịch quân sự của Nga diễn ra, Ukraine đã là một quốc gia bất ổn.

Trở ngại đầu tiên trên lộ trình Ukraine gia nhập EU là tình trạng tham nhũng diện rộng, ông Jorn Holm-Hansen, một chuyên gia về Ukraine, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Đại học Oslo nhận định. Ông giải thích, đối với vấn đề này, tình hình ở Ukraine thậm chí còn tồi tệ hơn những quốc gia tham nhũng nhất EU. Theo Chỉ số Nhận thức tham nhũng, số điểm của Ukraine năm 2021 đã giảm 1 điểm so với năm 2020 và hiện là 32 trên thang điểm 100. Bulgaria - quốc gia tham nhũng nhất EU có số điểm là 42.

Những vấn đề về quy định luật pháp và dân chủ là lý do thứ hai giải thích tại sao Ukraine không thể nhanh chóng gia nhập EU, chuyên gia Holm-Hansen đánh giá. Chỉ số Dân chủ do Cơ quan Tình báo Kinh tế thu thập xếp Ukraine vào “chế độ hỗn hợp”. Định nghĩa này áp dụng với những quốc gia thường xảy ra gian lận bầu cử, sức ép chính trị với đảng đối lập, các tòa án thiếu độc lập và các nhân tố khác cản trở Ukraine được coi là một nền dân chủ toàn diện. “Những tập đoàn lớn có sự kiểm soát lớn về kinh tế và chính trị”, nhà quan sát Jorn Holm-Hansen nhận định khi nói về trở ngại thứ ba trên con đường gia nhập EU của Ukraine. Trở ngại thứ tư của Kiev được nêu ra là “đói nghèo, chiến tranh và chủ nghĩa dân tộc”. “Mức lương trung bình ở Ukraine thấp hơn một nửa so với quốc gia nghèo nhất EU là Bulgaria”, ông Jorn Holm-Hansen cho hay.

Trong khi đó, nhà phân tích Jarle Trondal cho rằng, tình trạng bất ổn do 8 năm căng thẳng với Nga và cuộc xung đột hiện nay khiến triển vọng Ukraine gia nhập EU là điều “bất khả thi về mặt chính trị”. Lý do cuối cùng khiến Ukraine phải chờ đợi một thời gian để gia nhập EU là do lập trường của một số quốc gia EU, trong đó có Đức. Berlin cho rằng việc Ukraine nhanh chóng gia nhập EU sẽ không công bằng cho những ứng viên khác như Bắc Macedonia và Montenegro, những quốc gia cũng chờ đợi nhiều năm để gia nhập liên minh này.

Sau khi nộp đơn xin gia nhập EU, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi quá trình thông qua ngay lập tức để nước này trở thành thành viên của liên minh. “Nếu không có các bạn, Ukraine sẽ bị xóa sổ”, nhà lãnh đạo Ukraine cảnh báo. Chủ tịch EC khẳng định với Tổng thống Ukraine rằng quan điểm của EU về việc Ukraine gia nhập liên minh sẽ chỉ mất một vài tuần thay vì nhiều năm. Tuy nhiên, một số quốc gia EU khác đã tuyên bố rõ, quá trình kết nạp Ukraine sẽ mất một thời gian dài. Bộ trưởng Các vấn đề EU của Austria Karoline Edtstadler dự đoán Ukraine sẽ chưa thể gia nhập liên minh trong 5 - 10 năm tới.

Hồi tháng 5, Tổng thống Pháp đề xuất Ukraine có thể trở thành một phần của “cộng đồng chính trị châu Âu”, đồng thời cho rằng quá trình Ukraine gia nhập EU sẽ mất hàng năm nếu không muốn nói là hàng thập niên. Tổng thống Ukraine đã bác bỏ ý tưởng này, khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ sự thay thế nào đối với tư cách thành viên đầy đủ của EU.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/phia-sau-chuyen-tau-dem-dua-lanh-dao-3-nuoc-chau-au-toi-ukraine-i657461/

Khổng Hà / cand.com.vn