Phê bình học sinh vì đi học sớm: Hành vi phản giáo dục!

Liên quan đến việc học sinh lớp 1 ở Hải Phòng đứng ngoài cổng trường trong thời tiết gần 40 độ C, bị cô giáo phê bình vì đi học sớm 15 phút, trao đổi với Lao Động bên hàng lang Quốc hội kỳ họp thứ 9, các đại biểu cho rằng đây là hành vi phản giáo dục. Không chỉ giáo viên, nhà trường nơi xảy ra sự việc mà toàn ngành giáo dục phải rút kinh nghiệm để không lặp lại sự việc này.

phe binh hoc sinh vi di hoc som hanh vi phan giao duc

Học sinh đứng ngoài cổng trường trong thời tiết nắng nóng vì đi học sớm. Ảnh: Phụ huynh

Trách phạt phải có tính răn đe, giáo dục

Theo dõi câu chuyện ở Trường Tiểu học Quang Trung (TP.Hải Phòng), bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – bày tỏ rất đau lòng khi nhìn thấy hình ảnh khép nép, ánh mắt sợ sệt của đứa trẻ bị cô giáo chụp ảnh phê bình vì đi học sớm. Với học trò lớp 1 - đối tượng rất hiếu động, nhưng cũng nhạy cảm và dễ xúc động - đòi hỏi giáo viên phải uốn nắn một cách khéo léo, chứ không nên cứng nhắc.

“Thực ra trong giáo dục thì sự yêu thương và trách phạt phải đi song hành. Tuy nhiên, trách phạt ở đây phải làm thế nào có tính răn đe và có ý nghĩa giáo dục. Việc chụp ảnh để phê bình học sinh vì đi học sớm, tôi cho rằng đây là hành vi phản giáo dục. Cộng đồng và phụ huynh học sinh sẽ không thể đồng tình với hành xử của giáo viên như thế.

Nếu giáo viên đã từng làm mẹ thì hiểu được tâm trạng của người mẹ. Có nhiều lý do các em đi sớm so với quy định, giáo viên nên tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để cùng tháo gỡ, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi, vì học sinh.

Còn hành xử như cách mà cô giáo ở Hải Phòng làm thì sẽ gặp phải phản ứng của phụ huynh cũng như xã hội. Đây là bài học không chỉ cho cô mà cho đội ngũ giáo viên trong toàn ngành, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc” – đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

phe binh hoc sinh vi di hoc som hanh vi phan giao duc
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng không đồng tình với cách làm của giáo viên. Ông cho rằng giáo dục là khoa học và là nghệ thuật, đòi hỏi phẩm chất, đạo đức của những chủ thể liên quan; trong đó, việc giáo viên hành xử như thế nào đối với học trò rất quan trọng.

Việc yêu cầu học sinh đứng giữa lớp, chụp ảnh gửi cho phụ huynh để phê bình vì đi học sớm sẽ khiến các em sợ hãi. Như trường hợp ở Hải Phòng, vì quá sợ, em đã không dám vào lớp và ra ngoài cổng trường đứng trong thời tiết nắng nóng, gây nên sự bất bình của phụ huynh và cộng đồng xã hội.

“Siết chặt” quy trình giao nhận học sinh

Cũng thời điểm này 2 năm trước, tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra vụ việc rất đau lòng liên quan đến việc học sinh đến trường sớm hơn 15 phút so với quy định. Theo đó, một học sinh lớp 4 vì gia đình có việc bận nên đã đưa con đến trường sớm trong khi các học sinh bán trú còn đang ngủ trưa.

Chưa được vào lớp, học sinh này đi lên tầng 4 và sau đó bị rơi từ trên tầng cao xuống đất. Em bị đa chấn thương: Dập não, dập thận, tràn dịch màng phổi, chấn thương đốt sống cổ, gãy tay, chân. Nhà trường đưa em đi cấp cứu…

Lúc đó dư luận đau xót, phẫn nộ, thương cho đứa trẻ. Nguyên nhân vì sao học sinh bị rơi từ tầng 4? Ai chịu trách nhiệm khi sự việc xảy ra? Những câu hỏi này chưa có lời giải, 2 năm trôi qua vụ việc dần trôi vào quên lãng.

Có điều nỗi đau vẫn vẹn nguyên. Hai năm qua, phụ huynh của học sinh là một bà mẹ đơn thân đã hy sinh tất cả thời gian, công việc để chăm sóc cho con. Em học sinh trong vụ việc phải sống thực vật suốt 2 năm qua, trải qua không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật để giành giật sự sống.

Ân hận vì trót đưa con đi học sớm, nhưng phụ huynh cho biết chị cũng tủi thân, hờn trách khi đến giờ cũng chưa biết rõ trách nhiệm của các bên trong sự việc này. Chỉ gia đình nhận lại nỗi đau.

Để không lặp lại nhưng việc đau lòng, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng, ngành giáo dục cần siết chặt lại các quy định, nguyên tắc trong việc đưa đón, giao nhận học sinh giữa nhà trường và gia đình. Đối với học sinh mầm non, tiểu học, phụ huynh đưa các em đến trường phải có sự bàn giao – giao nhận, nhà trường có trách nhiệm quản lý.

Theo đại biểu Minh, khi phụ huynh vì hoàn cảnh phải đưa con đến trường sớm cũng nên thông báo trước cho giáo viên chủ nhiệm để cùng phối hợp trong công tác giao nhận trẻ. Mỗi trường học cũng cần bố trí một phòng chờ, khu vực trong trường cho học sinh đến sớm và nhất định phải có sự bàn giao giữa phụ huynh và nhà trường, vì sự an toàn của học sinh.

Đặng Chung - Cao Nguyên - Trần Vương

phe binh hoc sinh vi di hoc som hanh vi phan giao duc Vụ bố học sinh đánh cô giáo ở Long An: Cô Thúy rất được học trò yêu thương

Là giáo viên nòng cốt, Tổ trưởng tổ chuyên môn khối lớp 1 của Trường TH-THCS Lộc Giang , cô Đặng Thanh Thúy rất có ...

phe binh hoc sinh vi di hoc som hanh vi phan giao duc Học sinh tiểu học bị phạt đứng ngoài trời nắng vì... đi học sớm

Vì đi học sớm, một học sinh tiểu học ở Hải Phòng phải đứng ngoài trường giữa trưa nắng và còn bị cô giáo chủ nhiệm chụp ảnh đưa lên ...

/ laodong.vn