- Bất ngờ với \'phòng hạnh phúc\' dưới tầng hầm chung cư cao cấp
- Phát hiện bộ sưu tập xế cổ triệu USD bị bỏ hoang dưới lòng đất
Ở độ sâu hơn 85m dưới lòng đất tại Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành phố ngầm có độ sâu 18 tầng – nơi từng là địa điểm sinh sống của 20.000 người.
Năm 1963, khi đang sửa sang lại nhà mình, một người đàn ông địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện những chú gà nuôi trong vườn thường biến mất một cách kì lạ khi chui vào một khoảng trống bên dưới tầng hầm. Người này lần theo khoảng không bí ẩn này. Sau khi phá sập bức tường dưới căn hầm, ông vô cùng kinh ngạc khi thấy một đường hầm dẫn đến cả một thành phố rộng lớn.
Nơi đây chính là thành phố cổ Derinkuyu đã bị đã bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ.
Sự khám phá bất ngờ này đã mở ra quá trình khai quật và cải tạo thành phố cổ dưới lòng đất Derinkuyu. Sau đó, hơn 600 lối vào thành phố cổ này cũng đã được tìm thấy trong nhà của người dân trong vùng.
Một trong những lối vào thành phố ngầm Denrinkuyu. (Ảnh: BBC)
Với kiến trúc 18 tầng độc đáo, thành phố ngầm Derinkuyu đạt tới độ sâu 85m so với bề mặt Trái đất ở tầng sâu nhất. Derinkuyu được mở cửa cho du khách đến tham quan, tuy nhiên giới hạn du khách chỉ được khám phá 8 trong tổng số 18 tầng hầm tại đây.
Khu vực Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu đặc điểm địa hình đặc biệt phù hợp với những ngôi nhà dưới lòng đất do các kiến tạo địa chất được hình thành từ một loại đá tro núi lửa mềm và khô, giúp dễ dàng chạm khắc hay đào hầm bằng các công cụ đơn giản
Theo Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố ngầm Derinkuyu được xây dựng bởi người Phrygian vào thế kỷ 8-7 trước Công nguyên. Nó từng được nhắc đến lần đầu tiên trong một văn bản vào năm 370 trước Công nguyên.
Derinkuyu, thành phố ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: BBC)
Theo nghiên cứu của các nhà sử học và khảo cổ học, thành phố đã được sử dụng trong hàng nghìn năm với mục ban đầu chỉ là nơi cất giữ đồ đạc, sau đó trở thành nơi con người ẩn náu khỏi các cuộc xâm lược và xung đột và dần dần mở rộng thành thành phố. Cư dân sống tại đây có thể sống sót dưới lòng đất trong nhiều tháng. Vào thời kỳ đỉnh cao, đây là nơi sinh sống của 20.000 người.
Tuy nhiên, vào những năm 1920, thành phố đã bị người Hy Lạp ở Cappadocia bỏ hoang khi họ sơ tán sang Hy Lạp trong thời kỳ Chiến tranh Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống đường hầm, hang động chằng chịt ở Denrinkuyu. (Ảnh: BBC)
Sau khi được khám phá vào những năm 1960, đội ngũ người khai quật tìm thấy các căn phòng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm kho lương thực, nơi sản xuất rượu vang, ép dầu và khu vực ăn uống. Họ cũng khai quật được một nhà thờ nhỏ - nơi các tín độ lui tới để cầu nguyện và một trường học tôn giáo.
Khu vực nhà thờ ở Denrinkuyu. (Ảnh: Getty Images)
Trong thời kỳ thành phố còn hoạt động, gia súc được nuôi ở các tầng gần bề mặt hơn để mùi và chất thải của chúng không làm ảnh hưởng đến những ngôi nhà ở tầng bên dưới. Nguồn nước sạch được cung cấp đầy đủ và các trục thông gió cho phép không khí trong lành lưu thông giữa các phòng và các tầng. Ngoài ra còn có những cánh cửa lớn bằng đá ở mỗi tầng để ngăn chặn những kẻ xâm nhập.
Những cánh cửa lớn bằng đá được đặt ở mỗi tầng để ngăn chặn những kẻ xâm nhập. (Ảnh: Sailingstone Travel)
Một hướng dẫn viên chia sẻ với phóng viên của BBC rằng "cuộc sống dưới lòng đất hẳn là rất khó khăn khi người dân chỉ được sinh hoạt quẩn quanh trong “những chiếc bình đất sét đậy kín” và sống dưới ánh đuốc mập mờ".
Denrinkuyu được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1985. (Ảnh: Getty Images)
Năm 1985, thành phố Derinkuyu đã được thêm vào danh sách Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và mở cửa cho du khách tới thăm quan.
https://vtc.vn/phat-hien-thanh-pho-18-tang-bo-hoang-ngay-duoi-tang-ham-nha-dan-ar799792.html