- Chuyến tàu mùa xuân và khát vọng xây 355km đường sắt đô thị của TP.HCM
- Nghị quyết cơ chế đặc thù làm đường sắt đô thị sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội bất thường
Cục Đường sắt Việt Nam đang xin ý kiến góp ý Đề án định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ, dùng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của trung ương và địa phương để thực hiện dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, việc phát triển công nghiệp đường sắt phụ thuộc rất lớn vào thực trạng công nghiệp sản xuất phụ trợ, nhu cầu và khả năng tham gia của các doanh nghiệp. Do đó, để có đầy đủ thông tin thực tiễn làm cơ sở xây dựng nội dung, giải pháp, tác động của chính sách trong dự thảo Đề án, cơ quan này đề nghị các cơ quan, đơn vị đóng góp ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung Đề án.
Theo dự thảo Đề án, mục đích nghiên cứu của Đề án là đề xuất định hướng tổng thể về phát triển công nghiệp đường sắt, đưa ra các định hướng về mức độ làm chủ công nghệ, mức độ nội địa hóa của đơn vị và doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo cũng như quá trình vận hành, khai thác và bảo trì hệ thống đường sắt hiện hữu và các tuyến đường sắt dự kiến xây dựng mới theo quy hoạch (đường sắt điện khí hóa có vận tốc đến 200km/h, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị) từ nay đến năm 2045; đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ.
Cũng liên quan đến lĩnh vực đường sắt, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Theo chương trình, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào ngày 12/2 tới. Để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tiến độ thực hiện là rất gấp. Phó Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp về việc báo cáo Quốc hội cho phép xây dựng nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.
Kết luận của Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết và rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ liên quan để Bộ GTVT hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết, trình Chính phủ trong ngày 25/1.
Trước đó, Bộ GTVT tiến hành xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến năm 2035. Để huy động vốn, Bộ đưa ra 5 chính sách lớn. Thứ nhất là trao thẩm quyền cho Thủ tướng để huy động vốn trong một số trường hợp. Chính sách thứ hai là ngân sách trung ương cân đối, bố trí vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 và 2031- 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị.
Chính sách thứ ba là HĐND thành phố có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương trong kỳ trung hạn và hằng năm, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án đường sắt đô thị. Chính sách tư là dự án đường sắt đô thị được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện từng dự án và không giới hạn phần vốn chuyển tiếp của dự án sang kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo.
Chính sách cuối cùng là UBND TP được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quyết định bố trí vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm để triển khai hoạt động trước đối với dự án đường sắt đô thị.
Một trong những điểm đáng chú ý trong việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều chính sách mới nhằm phát triển công nghiệp đường sắt đô thị nội địa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học công nghệ phục vụ dự án đường sắt đô thị được quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa. Tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao thuộc các dự án đường sắt đô thị được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật về công nghệ cao.