- Tổng thống Mỹ: Tên lửa bắn trúng Ba Lan có khả năng "không phải do Nga phóng"
- Nga khẳng định không liên quan đến tên lửa rơi ở Ba Lan
Giới lãnh đạo thuộc Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn đang có mặt tại Bali (Indonesia) để dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20), đã tham gia một cuộc họp khẩn cấp vào rạng sáng 16/11, sau vụ một tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan khiến hai người thiệt mạng.
Hiện chưa rõ nguồn gốc của tên lửa này, song vụ việc xảy ra gần như trùng thời điểm Nga tập kích tên lửa vào miền Tây Ukraine và phía Ukraine khai hỏa đánh chặn.
Theo Bộ Ngoại giao Ba Lan, vụ tên lửa rơi xuống ngôi làng Przewodow của nước này, cách biên giới Ukraine 6km, khiến hai nông dân thiệt mạng hôm 15/11 (giờ địa phương) liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra. Trong khi Tổng thống Ukraine Zelensky cáo buộc "tên lửa Nga tấn công Ba Lan" mà không cung cấp bằng chứng, phía Moscow lại bác bỏ và cho rằng cáo buộc về vụ việc chỉ nhằm kích động đối đầu trực tiếp Nga - NATO.
Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky ngày 16/11 nhấn mạnh: "Đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm kích động đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO dẫn đến những hệ quả cho thế giới". Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận định, vụ tấn công tên lửa vào lãnh thổ Ba Lan cho thấy phương Tây đã tiến gần một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Trước đó, kênh Telegram Mash của Nga đăng tải một bức ảnh cho thấy một mảnh vỡ tên lửa được cho là của hệ thống phòng không S-300, tổ hợp sản xuất từ thời Liên Xô và Ukraine cũng sử dụng. Được biết, Warsaw đã triệu tập một cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia và đặt quân đội trong tình trạng báo động cao.
Không những vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden và giới lãnh đạo G7 và NATO cũng tiến hành họp khẩn khi đang lưu trú tại Bali (Indonesia) để tham dự Thượng đỉnh G20, khẳng định đã có các thông tin sơ bộ gây tranh cãi nhưng quỹ đạo cho thấy khó có khả năng quả tên lửa này được phóng từ Nga dù đây là tên lửa do Moscow sản xuất.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Biden đã gửi lời chia buồn sâu sắc trước thiệt hại về người ở khu vực miền Đông Ba Lan. Ông Biden nhấn mạnh sự ủng hộ và hỗ trợ của Mỹ đối với cuộc điều tra của Ba Lan, đồng thời tái khẳng định cam kết vững chắc của Washington đối với NATO. Về phía NATO, dù gọi đây là sự cố bi thảm, nhưng khối tuyên bố hành động thận trọng và cần thời gian xác minh một cách rõ ràng.
Theo giới chuyên gia, sự cố nêu trên xảy ra tại Ba Lan - một thành viên của NATO, vẫn đang khá mơ hồ nên nước này có thể kích hoạt Điều 4 của Hiệp ước NATO, yêu cầu các thành viên của khối cùng tham vấn khi cho rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh bị đe doạ.
Còn việc kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước khó có khả năng xảy ra. Điều 5 quy định rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một/một số thành viên của liên minh đều bị coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh và tất cả thành viên còn lại sẽ hỗ trợ ngay cho thành viên bị tấn công.
Về cơ bản, việc này tạo ra một kịch bản xấu nhất mà nhiều người lo ngại kể từ khi giao tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, đó là cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và 30 nước thành viên NATO. Trong lịch sử, Mỹ và Liên Xô đã nỗ lực xoay xở mối quan hệ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà không phạm sai lầm bởi mỗi bên hiểu rõ rủi ro và hậu quả.
Chuyên gia Stacie Pettyjohn - thành viên cấp cao và Giám đốc Chương trình Quốc phòng tại Trung tâm An ninh mới (CNAS) của Mỹ có trụ sở tại Washington cho hay: "Nếu vụ phóng tên lửa không phải là hành động có chủ ý. Tôi cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tìm cách giảm leo thang nhưng vẫn đưa ra cảnh báo cứng rắn với Nga, đồng thời thực hiện các bước đi để trấn an Ba Lan và những nước thành viên khác trong NATO".
Ngoài ra, Điều 5 không thể được kích hoạt bởi một nước thành viên bởi yêu cầu sự nhất trí của NATO. Lần duy nhất Điều 5 được kích hoạt là sau vụ khủng bố 11/9. Các đồng minh của Washington đã tiến hành tuần tra radar trên không khắp nước Mỹ và tuần tra trên biển ở Địa Trung Hải. CNN dẫn nhận định của cựu quan chức Lầu Năm Góc Jim Townsend rằng, NATO sẽ phải rất thận trọng nếu như không muốn mắc phải sai lầm.
Theo ông Jim Townsend, sau vụ việc này, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của châu Âu có thể đầu tư gấp đôi cho hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc tìm cách triển khai thêm nhiều khí tài quân sự đến sườn Đông NATO. Bên cạnh đó, NATO cũng có thể đẩy nhanh việc cung cấp các hệ thống phòng thủ tiên tiến cho Ukraine.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về các báo cáo xoay quanh vụ rơi tên lửa ở Ba Lan và kêu gọi các bên không làm leo thang xung đột ở Ukraine. Tổng thư ký Liên hợp quốc gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và hy vọng rằng một cuộc điều tra kỹ lưỡng sẽ được tiến hành.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/phan-ung-cua-cac-ben-sau-vu-ten-lua-roi-xuong-ba-lan-i674554/