Phần lớn thanh thiếu niên coi AI là bạn, chuyên gia cảnh báo về 'Cơn nghiện mới'

Hơn 70% thanh thiếu niên Mỹ sử dụng AI như một người bạn, xu hướng này đặt ra những câu hỏi về sự phát triển nhận thức, tâm lý xã hội của thế hệ lớn lên cùng AI.

Thanh thiếu niên Mỹ đang coi AI là bạn đồng hành

Theo hãng tin AP, Kayla Chege, một học sinh 15 tuổi tại bang Kansas, thường xuyên sử dụng ChatGPT để hỏi đủ loại việc thường ngày: Từ gợi ý mua sắm mùa tựu trường, chọn màu son phù hợp, tìm món ăn ít calo tại Smoothie King, cho đến lập kế hoạch tổ chức sinh nhật Sweet 16 cho mình hay tiệc sinh nhật cho em gái.

Là học sinh lớp 10 chương trình danh dự, Kayla khẳng định cô không dùng AI để gian lận trong học tập mà chỉ tận dụng chatbot cho các câu hỏi đời thường. Dù vậy, cô cũng thừa nhận AI đang dần trở thành “một phần không thể thiếu” trong cuộc sống của mình.

Và Kayla không đơn độc. Nghiên cứu của Common Sense Media dựa trên khảo sát hơn 1.000 thiếu niên trên toàn nước Mỹ cho thấy AI đang được sử dụng không chỉ như công cụ hỏi đáp mà còn là nơi tìm kiếm lời khuyên, cảm xúc và sự đồng hành.

31% teen được hỏi cho biết họ cảm thấy những cuộc trò chuyện với AI “thỏa mãn bằng hoặc hơn” so với việc nói chuyện với bạn bè ngoài đời. Dù một nửa số người tham gia cho biết họ không tin tưởng hoàn toàn vào lời khuyên của AI, vẫn có tới 33% từng chia sẻ những vấn đề nghiêm túc hoặc quan trọng với chatbot thay vì con người.

Bruce Perry, 17 tuổi chỉ ra cách tạo ra một người bạn đồng hành AI trên Character AI. (Ảnh: AP)

Bruce Perry, 17 tuổi chỉ ra cách tạo ra một người bạn đồng hành AI trên Character AI. (Ảnh: AP)

AI – “Người bạn” lúc nào cũng lắng nghe và không phán xét

Với nhiều thiếu niên, sự hấp dẫn của AI nằm ở việc nó luôn sẵn sàng, không phán xét và mang lại cảm giác được thấu hiểu. “AI lúc nào cũng ở đó. Nó không bao giờ chán bạn. Nó không bao giờ đánh giá bạn,” chia sẻ của Ganesh Nair, 18 tuổi ở Arkansas. “Khi nói chuyện với AI, bạn luôn đúng, luôn thú vị, và luôn có lý về mặt cảm xúc.”

Thế nhưng, chính sự lý tưởng đó lại khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Giáo sư Eva Telzer, chuyên ngành tâm lý và thần kinh học tại Đại học North Carolina, cho biết: “Một trong những điều đáng lo là các em mất dần niềm tin vào bản thân trong việc đưa ra quyết định. Các em cần AI xác nhận trước khi dám tin rằng một ý tưởng nào đó là hợp lý.” Giáo sư Telzer đang dẫn đầu nhiều nghiên cứu về AI và giới trẻ, một lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới và thiếu dữ liệu, nhưng đang phát triển nhanh chóng.

Trào lưu biến AI thành bạn của giới trẻ gây sốc. (Ảnh: AP)

Trào lưu biến AI thành bạn của giới trẻ gây sốc. (Ảnh: AP)

 

Giáo sư Telzer cho biết trẻ em từ 8 tuổi đã bắt đầu sử dụng AI sinh ngữ. Bà cũng phát hiện rằng nhiều teen đang dùng AI không chỉ để học hay giải trí, mà còn để khám phá bản sắc giới tính, tìm sự gắn kết cảm xúc, thậm chí là soạn thảo email hay tin nhắn trong những tình huống nhạy cảm. Đáng lo ngại hơn, một số ứng dụng như SpicyChat AI – vốn được thiết kế cho người lớn - đang thu hút sự quan tâm từ các bạn trẻ dưới 18 tuổi. “Phụ huynh hầu như không hề biết chuyện này đang xảy ra,” giáo sư Telzer cảnh báo. “Chúng tôi đều sốc trước tốc độ phát triển của trào lưu này.”

Từ tiện ích đến nguy cơ mất kết nối xã hội

Bruce Perry, một học sinh 17 tuổi cũng tại Arkansas, cho biết cậu dùng AI mỗi ngày để lập dàn ý bài luận, viết email cho giáo viên và đưa ra quyết định hàng ngày. “Nếu bạn nói tôi phải viết một bài luận, tôi sẽ nghĩ đến ChatGPT trước khi cầm bút,” Perry nói. Dù đánh giá cao tiện ích mà AI mang lại, cậu thừa nhận mình cảm thấy may mắn vì đã lớn lên trước khi AI trở nên phổ biến. “Tôi lo rằng trẻ em lớn lên cùng AI sẽ không còn thấy lý do để ra công viên hay kết bạn thật ngoài đời,” Perry nói.

Theo khảo sát của Common Sense Media, được thực hiện với hơn 1.000 thanh thiếu niên từ tháng 4 đến tháng 5/2024: 71% thiếu niên đã từng sử dụng AI bạn đồng hành (AI companions); 50% sử dụng thường xuyên; 33% từng chia sẻ những vấn đề nghiêm túc hoặc mang tính cá nhân với AI thay vì với người thật; 31% cho biết trò chuyện với AI mang lại cảm giác hài lòng bằng hoặc hơn nói chuyện với bạn bè ngoài đời; 50% thiếu niên tham gia khảo sát nói họ không thực sự tin tưởng vào lời khuyên từ AI, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng.

Theo ông Michael Robb, trưởng nhóm nghiên cứu của Common Sense Media, những phát hiện từ khảo sát mới là một hồi chuông cảnh tỉnh dành cho phụ huynh, nhà trường và các nhà hoạch định chính sách. “Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước mức độ phổ biến của AI trong đời sống giới trẻ,” Robb nói, “AI đang hoà nhập vào giai đoạn trưởng thành của thanh thiếu niên giống như điện thoại thông minh và mạng xã hội từng làm, nhưng có thể còn thâm nhập sâu hơn và khó kiểm soát hơn.”

Đáng lo hơn, nhiều nền tảng AI hiện không có kiểm soát độ tuổi hiệu quả, dễ tạo ra nội dung độc hại, tình dục hoặc lời khuyên nguy hiểm. Một số chatbot còn nuông chiều cảm xúc, khiến giới trẻ mất dần khả năng tự quyết và tư duy phản biện.

“Tôi lo rằng trẻ em có thể lạc lối trong thế giới này,” Bruce Perry chia sẻ, “Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh một đứa trẻ lớn lên cùng AI sẽ chẳng thấy lý do gì để ra công viên hay kết bạn ngoài đời.”

Nhiều bạn trẻ khác cũng đồng tình, cho rằng ảnh hưởng của AI tới sức khỏe tâm thần trẻ em rất khác so với mạng xã hội.

“Mạng xã hội đáp ứng nhu cầu được nhìn thấy, được công nhận, được kết nối. Còn AI lại đáp ứng một nhu cầu sâu hơn như nhu cầu gắn bó, được cảm nhận cảm xúc. Và nó đang khai thác chính điều đó”, Ganesh Nair nói.

“Đây là cơn nghiện mới,” Nair kết luận.

https://vtcnews.vn/phan-lon-thanh-thieu-nien-coi-ai-la-ban-chuyen-gia-canh-bao-ve-con-nghien-moi-ar956035.html

Ngọc Nguyên / VTC News