Phải khảo sát, phải hỏi dân

Hãy thử tưởng tượng 500.000 mặt hàng sẽ đồng loạt tăng thuế, từ nước sạch, thiết bị trường học cho đến cây trồng, vật nuôi. Hãy thử tưởng tượng sự cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) sẽ “xuống tới âm” như thế nào với mức thuế suất 12% trong khi chẳng hạn Thái Lan chỉ 7%, hay Đài Loan (Trung Quốc) chỉ 5%!

Đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính đang gây ra lo lắng trong gần như tất cả những nhóm cộng đồng khi mà thuế tăng ở mức khốc liệt.

Có thể tóm tắt đại khái: Các nhóm được ưu đãi thuế như nước sạch sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ văn hoá, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất và phát hành phim, biểu diễn thời trang, bóng đá… giờ sẽ áp dụng như thông thường. Các loại khác tăng thuế từ 5% lên 9% và từ 10-12%.

Phải nói ngay, dẫu diện tác động của phương án này là hàng chục triệu dân, hàng trăm ngành sản xuất, hay cả nền kinh tế, nhưng cho đến thời điểm công bố, chưa có bất cứ nghiên cứu tác động nào được đưa ra.

Và, cái đáng bàn nhất là nguyên nhân tăng thuế nằm ở 2 lý do: Cho phù hợp với thông lệ và vì nợ công tăng cao.

Lại phải khẳng định mỗi quốc gia có một mức thuế GTGT riêng mà không có bất cứ cái gì gọi là thông lệ cả. Nếu Châu Âu là 21,5% hay Trung Quốc là 19% thì chỉ ngay bên cạnh Việt Nam, thuế suất thông dụng ở các quốc gia khác chỉ 7-10%. (Indonesia 10%, Malaysia 6%, Myanmar 5%, Singapore 7%, Hàn Quốc 10%, Đài Loan (Trung Quốc) 5%, Thái Lan 7%). Với việc thuế tăng lên 12%, cái “hạm đội thuyền thúng” của chúng ta có lẽ sẽ “đắm” ngay trong “ao làng” khu vực chứ đừng nói cạnh tranh quốc tế.

Nợ công Việt Nam hiện vào khoảng 2,6 triệu tỉ đồng với mức độ gia tăng “gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế”. Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Quốc hội.

Nếu là người dân mắc nợ, tất nhiên cũng tìm cách trả nợ. Nhưng việc kiếm tiền trả nợ sẽ phải song song với việc chắt chiu hà tiện, bóp mồm bóp miệng chứ không thể là việc bòn rút cha mẹ người thân, bất chấp họ đang khó khăn thế nào.

Những con số luôn khách quan. Tới thời điểm hiện nay, chi thường xuyên đã lên tới 511.000 tỉ đồng, chiếm tới 73% số chi ngân sách và tăng 7,4% so với cùng kỳ. Có nghĩa là thu được 10 đồng, đầu tư có 3 trong khi ăn hết 7.

Logic của vấn đề đáng lẽ phải là tiết giảm chi, là “khéo nằm co” cho vừa tấm chăn ngân sách chứ không phải tận thu, để tiếp tục phóng tay.

Hơn tất cả, khi một chính sách liên quan đến nửa triệu mặt hàng, đến hàng chục triệu dân, đến cộng đồng doanh nghiệp, và với cả nền kinh tế thì dứt khoát phải có khảo sát tác động.

Đó là luật, là nguyên tắc phải làm.

/ Đào Tuấn/laodong.com.vn