Chính phủ dự kiến gói hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngày 7/4, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra về các biện pháp hỗ trợ này.
Cần thiết và bảo đảm công bằng, hợp lý
Những ngày qua, thông tin Chính phủ dự kiến gói hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng bị tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến nhiều người trông ngóng. 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng ấy thì có 5 triệu người lao động tự do, hơn 2 triệu hộ nghèo; hơn 4,3 triệu là một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội và người có công,... Có nhóm được hỗ trợ phát triển trực tiếp, có nhóm được hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau (xem thêm tại đây)
Trong số hàng triệu người này, có những người hàng ngày lo ăn ba bữa cơm còn khó, thì trong lúc dịch bệnh hoành hành, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, họ là người chịu khổ cực hơn cả. Điều gì khiến một chị hàng hoa phải đi bán hoa trong ngày giãn cách xã hội để rồi bị phạt 200 nghìn đồng nếu không phải vì cơm áo?
|
|
Các cửa hàng đóng cửa, tuân thủ giãn cách xã hội làm không ít người mất đi thu nhập. Ảnh: Lương Bằng |
Như ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh: Lúc dịch bệnh lây lan và bùng phát thì những người nghèo, người yếu thế trong xã hội rất dễ bị tổn thương, rất cần những hỗ trợ của Nhà nước.
Người xưa có câu “Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” do vậy, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc sớm ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động... có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một “Chính phủ hành động” như phương châm nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ.
Dẫn chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Chính phủ không ít lần nhấn mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng “đã là thời chiến thì cần phải tuân thủ kỷ luật thời chiến”. Khi dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa, đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn phải được thực thi một cách nhanh chóng.
Vậy nên, chỉ 2 ngày sau khi Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường vào ngày 8/4 để bàn thảo, cho ý kiến trước khi Chính phủ bắt tay thực hiện.
Khi thẩm tra về các biện pháp hỗ trợ này của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách đánh giá đây là việc làm “hết sức quan trọng và cấp bách”, phù hợp với bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội hiện nay.
Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng tỏ ra đồng ý với phương án này và nhấn mạnh đây thực chất là chính sách, biện pháp hỗ trợ bằng tài chính, tiền mặt trên diện rộng, bao phủ nhiều nhóm dân cư và người lao động trong xã hội.
Sau cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như Chính phủ đề xuất.
|
|
Một số nhóm đối tượng được Chính phủ đề xuất hỗ trợ |
Đúng đối tượng, không để bị trục lợi
Ít ngày trước, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đã có cuộc hội thảo trực tuyến về chủ đề: Dịch bệnh Covid-19: Tác động và chính sách ứng phó của Chính phủ. Trong số rất nhiều kiến nghị chính sách, ông Vũ Thành Tự Anh cũng không quên nhắc đến nhóm người yếu thế trong xã hội.
Trong nhiều hình thức trợ cấp xã hội, Chính phủ có thể cân nhắc hỗ trợ người dân bằng cách khấu trừ trực tiếp trên hóa đơn điện, nước - các tiện ích cơ bản, chẳng hạn một khoản cố định 100.000 đồng/tháng/hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình. So với trợ cấp theo tỷ lệ phần trăm (ví dụ 10% như đề xuất hiện nay), trợ cấp một khoản cố định hàng tháng sẽ hỗ trợ được nhiều nhất cho người nghèo mà không làm tăng gánh nặng ngân sách. |
Không đề cập trực tiếp đến gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ, song ông Vũ Thành Tự Anh cũng nêu quan điểm: “Cần tăng chi tiêu cho các chính sách an sinh, trợ cấp xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản. Nếu Chính phủ không hỗ trợ cho lực lượng lớn những người nghèo, cận nghèo thì họ sẽ trở nên bần cùng hóa, dẫn đến những rủi ro bất ổn về mặt xã hội”.
Tất nhiên, việc "phát tiền" như đề xuất cũng có nhiều điểm phải lưu ý. Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc hỗ trợ trực tiếp đối với những đối tượng cụ thể đòi hỏi phải cân nhắc kỹ để bảo đảm công bằng, hợp lý và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách đứng trước rất nhiều khó khăn như hiện nay (giá dầu thô giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm; thu từ các doanh nghiệp trong nước giảm do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn... ).
Đồng thời, Ủy ban đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đối tượng thụ hưởng (như đối với người có công và lao động tự do... ) để không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện. Về mức hỗ trợ, cần rà soát, quy định cụ thể để người dân gặp khó khăn duy trì cuộc sống tối thiểu, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các nhóm đối tượng và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.
Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý phải rà soát chặt chẽ quy định về các đối tượng thụ hưởng, tránh những kẽ hở gây phát sinh trục lợi chính sách; bảo đảm công bằng, tránh khiếu kiện của người dân; Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn thực hiện, quy trình thủ tục thực hiện thuận tiện cho người dân, quy định chặt chẽ về kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách này.