Phá rừng thông trồng mắc ca: Vì... kinh tế?

Cây thông có thể lấy nhựa và làm gỗ ép, nhưng thời gian để thu hoạch rất lâu, trong khi cây mắc ca có giá trị kinh tế cao hơn.

Chủ trương của tỉnh đã có từ 2 năm trước

Để phát triển kinh tế, gần 122ha rừng thông thuộc tiểu khu 481, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, sẽ được chặt bỏ để trồng cây mắc ca.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 11/8, ông Bùi Thanh Phong -Chánh văn phòng UBND huyện Kon Plông cho biết: "Chúng tôi có đầy đủ văn bản, giấy tờ cụ thể về dự án trên".

Cụ thể, theo văn bản ông Phong gửi, thì ngày 17/8/2015, UBND tỉnh Kon Tum đưa ra quyết định số 607 do ông Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, về việc chấp thuận cho Công ty TNHH Đăng Vinh (số 341 Bạch Đằng, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), đầu tư dự án trồng cây mắc ca tại huyện Kon Plông.

Mục tiêu dự án là góp phần định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông, lâm nghiệp với giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

pha rung thong trong mac ca vi kinh te
Rừng thông 20 năm tuổi bị chặt hạ. Ảnh SGGP

Quy mô dự án trồng khoảng 200ha, tổng vốn đầu tư là 48 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là 28 tỷ đồng, giai đoạn 2 cũng 28 tỷ đồng.

Đến ngày 18/11/2016, UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục ra quyết định số 1405 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư trồng cây mắc ca tại huyện Kon Plông, do ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.

Trong đó, tổng diện tích thực hiện dự án: 1.989.000m2, diện tích trồng cây mắc ca: 1.951.970m2, diện tích các hạng mục xây dựng (nhà kho, văn phòng làm việc, nhà ở công nhân, sân phơi): 37.030m2.

Nêu rõ chủ dự án có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung đã được nêu ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và một số yêu cầu bắt buộc.

Ngày 11/1/2017, UBND tỉnh Kon Tum đưa ra quyết định số 23 về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty TNHH Đăng Vinh thu hồi đất để thực hiện dự án trồng cây mắc ca tại huyện Kon plông, quyết định do ông Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.

Ở đây là đất rừng thông trồng đã khai thác, thời hạn thuê là 50 năm, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Thay thế chứ không mất đi tài nguyên rừng?

Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, bà Nguyễn Thị Thu Trang - cán bộ tổ chức xúc tiến đầu tư thu hút du lịch của UBND huyện Kon Plông, Công ty TNHH MTV Măng Đen Đại Ngàn cho biết: "Trước đây vùng đất Măng Đen diện tích rừng nguyên sinh chiếm hơn 90%, sau này khi phát triển kinh tế, thành lập huyện mới thì các dự án kêu gọi đầu tư xuất hiện nhiều, nên rừng nguyên sinh được thay thế bằng các loại cây công nghiệp hiệu quả.

Cho đến nay, diện tích rừng thông của huyện rộng tới 4000ha, cả một khu lớn, đi đâu cũng thấy thông bạt ngàn.

Trên thực tế, ai cũng thích giữ nguyên rừng nguyên sinh nhưng nếu giữ nguyên thì không phát triển được về kinh tế, đặc biệt, cây thông phát triển chậm, Măng Đen đã trồng 30 năm nay, nhưng nếu không thay thế, không có sự tác động của con người thì không phát triển được.

pha rung thong trong mac ca vi kinh te
Máy móc, con người được tập kết để khai thác thông. Báo Công An TPHCM

Về bản chất, cây thông có thể lấy nhựa và làm gỗ ép, nhưng thời gian để thu hoạch rất lâu, 30 năm rồi vẫn còn bé chưa sử dụng tận thu được.

Cho nên, muốn phát triển cái gì cũng cần quy hoạch, quy hoạch có bài bản, có sự tính toán đầy đủ, chứ không khai thác bừa bãi, tất cả các dự án đều phải được chính quyền cấp tỉnh, địa phương đồng ý".

Cũng theo bà Trang, với dự án trên, chắc chắn chủ đầu tư cũng phải làm hồ sơ, xin chủ trương, làm đề án, phát triển kinh tế, xã hội chung, chính quyền thấy hiệu quả mới cho làm.

Về điều kiện thiên nhiên, Kon Plông rất phù hợp với các loài cây công nghiệp công nghệ cao, phá cây thông thì phải chuyển đổi thành cây khác có giá trị về kinh tế hơn. Gia đình tôi ngày xưa chưa thành lập huyện đã trồng cây thông từ năm 1984-1985, ngày xưa vùng này chỉ có người dân tộc thiểu số, dự án khi đó Chính phủ quy hoạch chỉ trồng thông.

Sau này khi tách huyện ra thì có trụ sở, đơn vị hành chính huyện Kon Plông đặt ở đây, nên phải quy hoạch để làm các dự án, phát triển nền kinh tế, các dự án Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Tập đoàn Vingroup đều đang đầu tư vào.

Cây mắc ca là một cây công nghiệp lâu năm, có giá trị kinh tế cao, 1kg mắc ca = 500.000đ, một cây thu hoạch được nhiều, có lẽ thấy hiệu quả kinh tế nên họ cho làm.

"Trên địa bàn huyện Kon Plông đã có doanh nghiệp trồng cây mắc ca rồi nhưng với quy mô nhỏ và một số loại cây khác như cây việt quất, cây dâu tây Nhật Bản.

Huyện xác định có hai hướng, một là, phát triển du lịch; hai là, phát triển cây công nghiệp cao. Thực tế, khí hậu của Kon Tum lạnh, nên rất phù hợp với cây mắc ca, khác với các tỉnh như Gia Lai khí hậu lại nóng. Ở đây là thay thế chứ không phải là mất đi tài nguyên rừng", bà Trang nhấn mạnh.

Trước lo lắng của người dân sợ dự án trên ảnh hưởng đến môi trường khu sinh thái Măng Đen, bà Trang giải thích: "Khu vực được chuyển đổi không nằm trong quần thể du lịch sinh thái Măng Đen, vì những khu du lịch khai thác được thì đã quy hoạch và đang phát triển.

Chúng tôi xác định không đi theo vết xe đổ của Đà Lạt, Sa Pa bị bê tông hóa, xây hàng loạt biệt thự, chúng tôi chỉ cho xây 30% diện tích, xung quanh là rừng nguyên sinh, xây dưới 2 tầng, tất cả kiến trúc đều do phòng hạ tầng phê duyệt".

/ Châu An/baodatviet.vn