PGS Văn Như Cương: \'Tôi rất muốn sống\'

Theo lời kể của thầy Đoàn Ngọc Toại – giáo viên thế hệ đầu của Trường THPT Lương Thế Vinh, là người bạn, người đồng nghiệp với PGS Văn Như Cương thì, trong lần đến thăm gần đây, thầy Cương vẫn nói: 'Tôi rất muốn sống!'. 

Theo lời kể của thầy Đoàn Ngọc Toại – giáo viên thế hệ đầu của Trường THPT Lương Thế Vinh, là người bạn, người đồng nghiệp với PGS Văn Như Cương thì, trong lần đến thăm gần đây, thầy Cương vẫn nói: \'Tôi rất muốn sống!\'.

Thầy Văn Như Cương chia sẻ về quá trình thành lập trường Lương Thế Vinh - trường dân lập đầu tiên của Việt Nam

Thầy Cương mất là sự thiệt thòi cho giáo dục nước nhà

Là một trong những giáo viên thế hệ đầu tiên của trường THPT Lương Thế Vinh, gắn bó với ngôi trường của thầy Cương 19 năm, thầy Đoàn Ngọc Toại rất xúc động khi chia sẻ với chúng tôi.

\'Tôi sốc vì mấy lần thầy Cương vẫn vượt qua được những cơn bạo bệnh. Mới đây, gặp tôi vẫn thấy thầy minh mẩn lắm, vẫn phát biểu được! Tôi thấy đột ngột khi nghe tin sáng nay. Sự ra đi của thầy Cương để lại nỗi buồn thương tiếc cho anh em, bè bạn và thầy cô trường Lương Thế Vinh.

Mất đi thầy Cương là sự thiệt thòi cho Lương Thế Vinh, cho giáo dục nước nhà. Tôi luôn thấy rất gắn bó và biết ơn thầy Cương vì lời mời về trường dạy cách đây 19 năm. Năm nay tôi 76 tuổi, kém thầy Cương 3 tuổi\', thầy Toại chia sẻ.

Về ngôi trường Lương Thế Vinh dạy từ năm 1989 – năm đầu tiên thành lập trường. 19 năm gắn bó, năm nào thầy Toại cũng đến trường gặp mặt anh em, đồng nghiệp, hàn huyên. Thầy kể, năm nào thầy Cương cũng đưa ra vế đối để đố.

\'Tết năm 1988, thầy Cương đến mời tôi về trường giảng dạy. Lúc bấy giờ tôi đang là tổ trưởng tổ Văn trường THPT Kim Liên. Trước đó, tôi và thầy Cương gặp nhau ở một chương trình thơ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của Đài truyền hình Việt Nam.

Tôi rất ấn tượng cũng như nghe nhiều giai thoại và tiếng của thầy Cương tại Đại hội Công đoàn toàn quốc. Thầy là người thẳng tính, trực tính, dám nói dám làm. Phải thực sự có tâm huyết, dũng cảm, thầy Cương là người nổ phát súng đầu tiên mở đầu hệ thống trường ngoài công lập ở miền Bắc\', thầy Toại nhớ lại.

Thầy Đoàn Ngọc Toại - một trong những giáo viên thế hệ đầu của trường Lương Thế Vinh.

Ký ức về thời kỳ đầu gian nan, khó khăn của trường mang tên Lương Thế Vinh chợt ùa về. Thầy Toại kể lại: \'Lúc ấy trường nghèo lắm, phải đi thuê địa điểm, học nhờ. Ấy bởi vậy nên chúng tôi trân trọng công lao của thầy. Thầy làm được, làm giỏi. Thầy tập hợp được những người dạy thật, học thật. Lý do tôi về và gắn bó với Lương Thế Vinh là vì mến mộ thầy. Với tôi, thầy Cương không chỉ là một nhà giáo dục tâm huyết, mà còn có tư duy của một nhà Toán học, một phong cách của ông đồ Nghệ, cá tính của một nghệ sĩ, một người tài hoa.

Hơn nữa, thầy luôn trân trọng thầy cô, bạn bè và tôn trọng sự sáng tạo của giáo viên. Tôi rất thích không khí sư phạm ở đây. Với những giáo viên trẻ, 30 tuổi, nhưng thầy luôn xưng hô \'thầy, cô\'. Ở thầy toát lên sự nghiêm khắc nhưng lại luôn tràn đầy tình thương; nghiêm nhưng không xa, ngược lại rất gần gũi. Tâm huyết của thầy Cương dành cho trường, cho giáo dục không ai có thể phủ nhận.

Những năm gần đây, thầy mắc bệnh nhưng thầy luôn lạc quan. Thầy nói: \'Tôi rất muốn sống\'. Tôi nghĩ rằng, thầy vẫn còn nhiều dự định còn dang dở chưa thực hiện được, nhiều băn khoăn cho giáo dục\'.

Thầy Cương qua lời kể của người đồng sáng lập trường Lương Thế Vinh

Ký ức về những ngày đầu thành lập trường THPT Lương Thế Vinh chợt sống lại trong thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Maria Curie)người đồng sáng lập khi nghe tin người bạn \'vong niên\' của mình qua đời.

Thầy Khang gọi thầy Cương là \'anh\' là bởi hai người cách nhau đúng 1 giáp. Thầy Cương sinh năm 1937, thầy Khang sinh năm 1949. Giai đoạn đầu thành lập trường, hai thầy cùng tìm địa điểm, chọn tên trường và chọn đội ngũ giáo viên… có nhiều gian nan, đáng nhớ.

Thầy Khang cũng là một trong những vị hiệu trưởng được học sinh vô cùng yêu mến.

\'Năm 1988, tôi và anh Cương có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục về việc thành lập một trường tư thục trên địa bàn thành phố Hà Nội. Khi đó, Bộ trưởng rất ủng hộ ý tưởng của chúng tôi và Bộ có chủ trương tổ chức một hội thảo để chúng tôi báo cáo dự án thành lập trường.

Ngày 11/8/1988, tại số 14 Lê Thánh Tông, Hà Nội, chúng tôi đã trình bày dự án của mình trước đại diện của Bộ Giáo dục. Buổi hội thảo kết thúc sau 3 tiếng đồng hồ (từ 8h – 11h) và đề án thành lập trường ngoài công lập nhận được sự nhất trí cao của hội nghị và đề nghị dùng khái niệm trường dân lập chứ không phải khái niệm trường tư thục.

Chúng tôi nhất trí, miễn là thành lập 1 trường riêng. Bộ có yêu cầu trong 1 tuần chúng tôi phải xác định 3 điểm: thứ nhất tên trường, thứ 2 địa điểm thành lập trường, thứ 3 là đội ngũ giáo viên. Lúc ấy, hai anh em chúng tôi phấn khởi lắm\', thầy Khang chia sẻ.

Sau khi thống nhất được tên trường là Lương Thế Vinh, thầy Khang liên lạc và làm việc với cố hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp khi đó và cũng nhận được sự ủng hộ của vị cố hiệu trưởng này về việc thành lập 1 trường tư thục. Và thầy sẵn sàng cho thuê cơ sở vật chất, thuê địa điểm. Có địa điểm rồi, có tên trường rồi, đội ngũ giáo viên lúc ấy tuyển rất dễ dàng.

Ngày 20/8/1988, Bộ Giáo dục có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị cho phép thành lập trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh - là trường dân lập đầu tiên của Hà Nội. Ngày 1/6/1989, trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh được thành lập và tháng 9 năm đó khai giảng năm học đầu tiên.

\'Tới giờ trường thành lập cũng gần 30 năm rồi, nhưng lúc này đây, khi nghe tin anh Cương qua đời, những kỉ niệm của gần 30 năm ấy lại đang sống lại trong tôi\', thầy Khang xúc động nói.

Những điều đáng nhớ về thầy Văn Như Cương

Sáng 9/10, thầy Lê Thống Nhất chia sẻ: \'Là thế hệ học sinh của thầy, là đồng hương Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, em xin vĩnh biệt Thầy - PGS. TS. Văn Như Cương và chia sẻ mất mát quá lớn này với gia đình Thầy\'.

Thầy Lê Thống Nhất tưởng nhớ và đã ghi lại những điều đáng nhớ về người thầy đáng kính Văn Như Cương. Trong đó, thầy Nhất viết: \'Ngày 24/3/2017 cùng bạn bè tới thăm thầy thấy thầy yếu quá. Thế mà thầy vẫn vui và lạc quan. Thầy vẫn trò chuyện với giọng yếu nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Khi mọi người khuyên thầy cần ăn uống, đặc biệt là uống sữa, nước hoa quả, thầy vẫn hóm hỉnh như xưa, hỏi lại: \'Uống bia có được không?\' làm tất cả đều cười vui vẻ. Hỏi thầy có muốn uống Beluga không? Thầy lắc đầu. Hỏi thầy có muốn vào FB? Thầy gật đầu nói nhỏ: \'Có...\'.

Mọi người không dám trò chuyện lâu vì sợ thầy mệt. Khi nghe nói các trò chia tay ra về, đột ngột thầy ngồi dậy rất nhanh đến mức mọi người cản không kịp.

Thầy luôn lạc quan vui vẻ để chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. Cách đây 10 tháng thầy đã hài hước chia sẻ về cái chết và mạng sống của con người.

Viết về thầy rất khó bởi viết mấy cũng còn thiếu rất nhiều. Thầy yên nghỉ nhé! Chỉ có ít người giận thầy vì những điều nói thẳng của thầy thôi! Sáng nay biết bao người đã ngỡ ngàng trước sự ra đi của thầy\'.

TS Lê Thống Nhất trong lần đến thăm thầy Cương.

\'Hội bia hơi\' và câu chuyện dí dỏm về thầy Cương

\'Vĩnh biệt thầy Văn Như Cương! Ba năm nay anh tham gia \'hội bia hơi\' của chúng tôi thưa dần và tin buồn đến từ sáng sớm hôm nay! Hiền lành, dí dỏm, nhưng quan điểm rõ ràng và dứt khoát trong tranh luận, anh để lại trong chúng tôi tình cảm chân thành, gần gũi, thân thương.

Anh là người thầy, là nhà giáo dục có tư tưởng và triết lý rõ ràng, minh bạch! Vĩnh biệt người thầy, người anh, người bạn!\', PGS.TS Nguyễn Văn Dững (nguyên Trưởng khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội) viết trên facebook cá nhân (tài khoản Nguyễn Nhật Quang) sáng 9/10.

\'Hội bia hơi\' mà PGS. Nguyễn Văn Dững nhắc đến là bởi: \'Những năm trước, khi thầy Cương còn khỏe, chúng tôi một nhóm khoảng 5 – 7 người hàng tuần lại gọi nhau ra quán uống bia để chia sẻ với nhau chuyện đời, chuyện nghề.

Thầy nhiều hơn chúng tôi gần 20 tuổi nhưng mỗi khi gọi, nếu không bận việc gì, thầy lại ra ngồi uống bia cùng anh em. Khi đi đâu về, thầy có chai rượu Nga, con cá Nga… lại mang tới quán rồi gọi anh em ra ngồi để cùng tâm sự. Ba năm về đây, thầy bị bệnh nên uống ít bia và cuộc gặp giữa anh em trong \'hội bia hơi\' với thầy cũng thưa dần\'.

Thầy Dững chia sẻ kỷ niệm về \'hội bia hơi\', nhận định thầy Cương là một người làm giáo dục có tâm và có tầm\'.

Thầy Dững kể về kỷ niệm lần thầy Cương được mời đến đài truyền hình quay nhân ngày Tết Thiếu nhi nên ra với anh em \'hội bia hơi\' muộn 1 tiếng.

\'Lúc ấy, thầy Cương có ôm 1 bó hoa, trên túi ngực có một phong bì chưa bóc. Tôi hỏi \'Anh đi đâu về mà tới muộn phải trình báo ngay!\'. Lúc này thầy nói: \'Hôm nay tớ đi tới truyền hình để nói chuyện ngày 1/6\'. Chúng tôi bảo ai đoán đúng thì được cầm phong bì đó, sai thì góp trả tiền bia. Người đoán 1 triệu, người đoán 500 nghìn đồng, nhưng mở ra là 200 nghìn đồng. Anh em ai cũng cười vui\', PGS.TS Nguyễn Văn Dững kể lại.

\'Thầy Cương là người làm giáo dục có tâm và có tầm; một người bạn chân thành, phúc hậu. Sự ra đi của thầy là mất đi một người có cái nhìn phản biện giáo dục thực tế, vì cộng đồng, đất nước\', thầy Dững nói thêm.

Quả đúng như lời TS Lê Thống Nhất nói, có viết bao nhiêu đi nữa cũng không thể viết hết, viết đủ, viết cho hay về những gì mà thầy Văn Như Cương đã nói, đã làm và để lại cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Và có lẽ, câu chuyện về nhân cách và tâm huyết của thầy Cương chắc chắn sẽ còn được nhắc lại, được chia sẻ rất nhiều năm về sau nữa… Bởi dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì những lời chia sẻ, những lời dạy và cả những trăn trở của thầy luôn là bài học bổ ích dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ đang học cách… trở thành người tử tế.

http://tiin.vn/chuyen-muc/song/pgs-van-nhu-cuong-toi-rat-muon-song.html

Chuyện “lợn nuôi tiến sĩ” và những giai thoại về thầy Văn Như Cương

Đối với nhiều thế hệ học trò, PGS Văn Như Cương là một người thầy, người cha. Có rất nhiều giai thoại quanh cuộc sống ...

Thầy Văn Như Cương - những tháng ngày im lặng chống chọi với bệnh ung thư

Sáng nay (9.10), thầy giáo Văn Như Cương đã ra đi sau hơn 3 năm im lặng và kiên cường chống chọi với căn bệnh ...

Thầy Cương và sự ra đi của kẻ sĩ cuối cùng

Người đời lâu nay biết đến ông, Phó giáo sư Văn Như Cương, về nhiều mặt. Xung quanh ông là những lời kể, câu chuyện, ...

/ Theo Báo Đất việt