Phó chủ tịch thành phố nhìn nhận tiến độ các dự án chống ngập chậm nhưng tình trạng ngập đã cải thiện hơn 7 năm trước.
Ngày 13/6, báo cáo tại buổi giám sát của Thường trực HĐND TP HCM về các dự án chống ngập, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng (Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố) cho biết, thành phố hiện có 18 điểm ngập do mưa, 5 điểm ngập do triều cường. Dự kiến đến hết năm 2020 thành phố sẽ xử lý hết.
Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt (Phó ban đô thị HĐND thành phố) tỏ ra băn khoăn, cho rằng "con số báo cáo rất đẹp" nhưng thực tế công tác chống ngập còn rất nhiều tồn tại, nhất là tình trạng các dự án chậm tiến độ, chưa hiệu quả cũng như tính kết nối chưa cao.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hữu Nguyên. |
Ông Nhựt dẫn chứng dự án lắp đặt cống hộp trên đường Mai Xuân Thưởng (quận Bình Thạnh) đã hoàn thành 90%. Hiện còn vướng một căn nhà chưa thoả thuận bồi thường được nên hệ thống cống bị thắt cổ chai, chưa phát huy tối đa tính hiệu quả. Hay hệ thống thoát nước trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) không đồng bộ, không kết nối khiến khu vực này có thời điểm ngập nặng...
Tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Đạt (Phó Ban Văn hóa xã hội) đề cập các dự án đã lắp đặt cống xong nhưng vẫn ngập vì chưa đồng bộ với hệ thống kênh rạch. Như đường Nguyễn Văn Quá khi mưa vẫn ngập vì phải chờ cải tạo rạch Cây Lim, hay hai dự án chống ngập trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng) sau khi hoàn thành phải chờ các dự án cải tạo hệ thống kênh rạch nên đường vẫn ngập.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan, tốc độ đô thị hóa của thành phố đã vượt quá tầm kiểm soát, tần suất và vũ lượng mưa tăng, đỉnh triều ngày càng cao, lún nền diễn ra nghiêm trọng... trong khi hệ thống thoát nước chưa kịp đầu tư nâng cấp mở rộng nên việc giải quyết tình trạng ngập còn chậm.
"Tiến độ thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn chưa như mong muốn, song nhìn nhận khách quan tình trạng ngập nước đã giảm, không nặng như khoảng 7 năm trước. Một số khu vực trước đây ngập rất nặng nhưng hiện đã hết", ông Hoan nói.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: Hữu Nguyên |
Về các giải pháp trong thời gian tới, ông Hoan cho biết thành phố ưu tiên ngân sách cho việc giải phóng mặt bằng và các công trình cấp bách; nguồn vốn xã hội hóa sẽ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, các hồ điều tiết. Còn vốn ODA ưu tiên dùng cải tạo, nạo vét các tuyến kênh chính, hệ thống thu gom cống bao ở các khu vực nước thải.
Để giải quyết tình trạng lấn chiếm kênh rạch - một trong những nguyên nhân gây ngập, thành phố sẽ hoàn chỉnh quy chế quản lý mép bờ cao, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm hệ thống kênh rạch, cống thoát nước; đồng thời khảo sát hiện trạng, chức năng của từng tuyến kênh rạch để có phương án xử lý phù hợp.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo kịp thời cho chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Bà Lệ cũng yêu cầu UBND thành phố đeo bám kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về Quy trình thí điểm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố để góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Hữu Nguyên
TP HCM: Mưa chỉ 30 phút nhưng nhiều đường... bì bõm!
Mưa đổ xuống TP HCM đầu giờ chiều 3-6 tuy không kéo dài nhưng cũng đủ khiến nhiều tuyến đường lại... bì bõm. |
Mưa như trút nước, nhiều tuyến đường tại TP.HCM lại biến thành sông
Sau cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường ở TP.HCM lại biến thành sông, nhiều phương tiện bị chết máy, di chuyển khó khăn. |