Tổng thống Nga cho biết Moskva sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở vũ khí hạt nhân chiến thuật ở quốc gia láng giềng vào tháng 7.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/3 tiết lộ rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể đến Belarus sớm nhất là vào mùa hè này.
Ông nói thêm Moskva đang hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ chuyên dụng cho những vũ khí như vậy, trong bối cảnh Minsk liên tục kêu gọi triển khai chúng trên lãnh thổ của mình.
Cơ sở ở Belarus sẽ sẵn sàng vào ngày 1/7, ông Putin nói với Russia 24 TV. Tổng thống Nga cũng nói rằng Moskva không có kế hoạch trao quyền kiểm soát bất kỳ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào cho Minsk và họ sẽ chỉ triển khai vũ khí của chính mình cho Belarus. Ông không nói rõ thời điểm chính xác vũ khí sẽ được vận chuyển đến địa điểm mới.
Ông Putin giải thích rằng động thái này được thúc đẩy do quyết định của Vương quốc Anh - khi cung cấp cho Kiev vũ khí uranium nghèo. Vương quốc Anh đã thông báo rằng họ có kế hoạch gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine để sử dụng cho xe tăng chiến đấu Challenger 2. Moskva chỉ trích động thái này là dấu hiệu của “sự liều lĩnh tuyệt đối, vô trách nhiệm và không bị trừng phạt” từ phía London và Washington.
Mỹ đã bác bỏ những lo ngại của Nga bằng cách gọi đạn uranium nghèo là "loại đạn thông thường", đã "được sử dụng trong nhiều thập kỷ". Bộ Quốc phòng Nga sau đó cảnh báo việc sử dụng chúng có thể gây ra thảm họa phóng xạ ở Ukraine, viện dẫn hậu quả của việc NATO sử dụng những loại vũ khí như vậy ở Iraq.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhiều lần nêu vấn đề về các mối đe dọa đối với nước này, do vũ khí hạt nhân Mỹ triển khai tới các nước EU. Vào tháng 10/2022, ông chỉ ra các cuộc đàm phán “chia sẻ hạt nhân” giữa Washington và Warsaw, cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể được bố trí ở Ba Lan, nước có biên giới với Belarus.
Minsk cần thực hiện “các biện pháp thích hợp” để giải quyết mối đe dọa này, Lukashenko nói vào thời điểm đó, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẽ thảo luận vấn đề này với Moskva.
Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ . Năm 2021, Nga kêu gọi thu hồi vũ khí như một phần trong các đề xuất an ninh của mình, nhưng Mỹ và NATO từ chối.