Thị trường ô tô Việt Nam đang rơi vào thể trạng “sốt cao” do nhu cầu mua xe của người tiêu dùng vượt quá xa so với nguồn cung.
Nhiều người tiêu dùng có tiền nhưng không thể mua xe sớm trước Tết.
Cố gắng trong vô vọng
Nhấp ngụm cafe đen, anh Tuấn phàn nàn với bạn mình rằng: “Nhân viên bán ô tô những ngày này sung sướng chẳng kém gì những mậu dịch viên thời bao cấp. Tôi vừa nhắn tin sẽ chi riêng cho cậu ấy 100 triệu để lấy xe trước Tết nhưng vẫn không được”.
Anh Tuấn ký hợp đồng mua chiếc Honda CR-V hồi tháng 9.2018. Lúc ấy, nhân viên bán hàng nói kiểu gì anh cũng phải lấy xe sau Tết vì thậm chí những khách hàng đặt mua trước anh vài tháng cũng phải chờ như vậy. Lý do là nguồn xe khan hiếm trầm trọng. Anh Tuấn đã chấp nhận bởi anh cho rằng, cũng chỉ là cái xe mà thôi, chẳng tội gì phải quá vội vàng.
Thế nhưng, cách đây vài ngày, vợ anh cùng các con lại lên kế hoạch cả gia đình sẽ thực hiện chuyến xuyên Việt dài ngày vào dịp nghĩ lễ. “Nhìn đám trẻ hào hứng, tôi quyết định sẽ chi thêm khoảng 100 triệu miễn sao có thể được nhận xe trước Tết. Sau khi nhắn tin, nhân viên bán hàng trả lời “sẽ tìm cách”. Nhưng sang hôm sau, cậu ấy nhắn lại là không thể được”.
Có không ít người tiêu dùng đang rơi vào tình thế cuống cuồng tìm cách nhận xe trước Tết như anh Tuấn. Trên thực tế, tình trạng người tiêu dùng sẵn tiền trong túi nhưng không thể mua được xe đã kéo dài từ khoảng thời gian tháng 7.2018 cho đến nay.
Một nhà báo kỳ cựu cũng từng đặt mua chiếc Honda CR-V từ hồi tháng 7 năm ngoái và được trả lời phải nhận xe sau Tết nguyên đán. Nhà báo này đã nhận được đề nghị từ nhân viên bán hàng về việc chi thêm 70 triệu đồng ngoài hợp đồng để có thể nhận xe vào thời điểm 3 tháng sau đó.
Thời điểm này, tình trạng khan hàng càng diễn ra trầm trọng ở thị trường ô tô Việt Nam. Đặc biệt là đối với những mẫu xe nhập khẩu mới ra mắt hoặc đã bị “ách tắc” suốt giai đoạn nửa đầu năm dương lịch 2018.
Mẫu xe đa dụng Honda CR-V chỉ là một ví dụ. Một số mẫu xe nhập khẩu khác còn rơi vào tình cảnh mệt mỏi hơn.
Toyota Fortuner vốn là cái tên đình đám ở thị trường ô tô vài năm trở lại đây. Sau khi chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc, sự chủ động về nguồn hàng đối với mẫu đa dụng 7 chỗ ngồi này trở nên khó khăn hơn trước những thay đổi của thị trường và chính sách. Sau khi Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 1.1.2018, Fortuner lập tức “mất dạng” trên thị trường. Mãi đến nửa cuối năm, những lô xe Fortuner mới trên đường về Việt Nam từ xứ sở vạn đảo Indonesia.
Từ vị thế là một trong những mẫu xe bán chạy nhất thị trường liên tục vài năm liền, nhu cầu tiêu dùng đối với Fortuner là rất lớn. Và do lượng xe về nước quá ít ỏi so với nhu cầu thị trường, theo ước chừng của Toyota Việt Nam, đang có khoảng 2.000 người tiêu dùng phải xếp hàng chờ đợi.
Các lô xe Toyota Fortuner nhập khẩu về nước không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngay cả một mẫu xe lắp ráp trong nước là Hyundai SantaFe cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bắt đầu nhận đặt hàng từ tháng 12.2018, sang đầu tháng 1.2019 SantaFe thế hệ mới chính thức ra mắt thị trường. Ngay thời điểm đó, đại diện Hyundai Thành Công cho biết, đã có khoảng 3.000 đơn đặt hàng đối với SantaFe trong khi năng lực nhà máy chỉ có thể đáp ứng đủ 1.000 xe xuất xưởng để bàn giao trước Tết nguyên đán.
“Đừng nói giá, hãy nói có xe không”
Anh Hoàng (Đống Đa, Hà Nội) tìm mua một chiếc Fortuner nhập khẩu. Giống như nhiều người, anh mong muốn sở hữu xe sớm để kịp cùng gia đình có những chuyến du xuân và lễ chùa.
Khi được nhân viên bán hàng tư vấn về các phiên bản, các gói phụ kiện và giá bán lẻ chi tiết, anh Hoàng gạt đi và đề xuất “đừng nói giá, hãy nói là có xe hay không”.
Được lắp ráp trong nước nhưng Hyundai SantaFe thế hệ mới cũng rơi vào cảnh cháy hàng.
Theo anh Hoàng, tình trạng khan hiếm xe đã kéo dài từ vài tháng nay và anh biết rất rõ điều đó. Anh cũng thừa nhận sẵn sàng chồng thêm tiền để nhận xe sớm. Do vậy, giá bán đã không còn là vẫn đề quan trọng với bản thân anh hay nhiều người tiêu dùng khác.
Tất nhiên, câu trả lời vẫn là đợi sau Tết, thậm chí phải đến đầu quý 2.2019 mới có thể nhận xe, quãng thời gian mà mọi người đã bắt đầu phải bận rộn với công việc thay vì những chuyến du xuân.
Bối cảnh này lại vẽ ra một nghịch lý khá… hợp lý liên quan đến câu chuyện giá xe. Ở thị trường ô tô Việt Nam, chưa bao giờ giá xe được thừa nhận là rẻ. Nhiều người tiêu dùng thường so sánh giá xe tại các nước phát triển với Việt Nam để chứng minh sự thiệt thòi của người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, thị trường những ngày áp Tết đã cho thấy những nhận định đó có vẻ như… vô lý. Giá xe vẫn vậy, thậm chí nhiều mẫu xe còn cao hơn so với năm 2017. Thế nhưng, thay vì băn khoăn với các mức giá thì nhiều người tiêu dùng lúc này chỉ quan tâm một vấn đề duy nhất là có xe sớm hay không.
Đại diện một số hãng xe lớn cho rằng, ngoại trừ vài mẫu xe vốn dĩ không được ưa chuộng thì phần còn lại, các đại lý đều buộc phải dừng ký hợp đồng ở thời điểm này do đa số người tiêu dùng đòi hỏi nhận xe sớm.
“Hầu hết các hợp đồng đã ký hồi tháng 10.2018 đều có thời hạn giao xe sau Tết nguyên đán, tức sớm nhất cũng là tháng 2.2019. Bởi vậy, đa số những người tiêu dùng đặt mua xe thời điểm này chúng tôi đều đề xuất quay trở lại vào dịp sau Tết. Lý do là khi cơn sốt đã hạ nhiệt thì giá bán của nhiều mẫu xe chắc chắn sẽ giảm xuống và đó là điều có lợi cho khách hàng”, nhân viên một đại lý Hyundai tại Hà Đông chia sẻ.
Toyota Camry 2019 sắp ra mắt Việt Nam, chuyển sang nhập khẩu? Theo nguồn tin từ một số đại lý, Toyota Camry 2019 sẽ ra mắt tại Việt Nam trong năm 2019, và sẽ là xe nhập ... |
Mitsubishi Attrage 2019 âm thầm về đại lý chờ ngày ra mắt Mẫu sedan hạng B Mitsubishi Attrage 2019 đã xuất hiện tại một số đại lý. Xe có sự thay đổi nhỏ ở ngoại hình và ... |
VinFast chọn thiết kế 7 mẫu xe mới: Giấc mơ ô tô Việt chưa bao giờ gần đến thế Chỉ 3 tháng sau khi ra mắt 2 mẫu xe đầu tiên và hoàn thiện bản vẽ thiết kế cho 7 mẫu tiếp theo để ... |