Khi bấm còi, người ngồi phía sau tay lái đưa ra thông điệp rất rõ ràng nhằm trấn áp phương tiện phía trước.
Nhà tôi cách nơi làm việc chỉ hơn 2km nên tôi chọn đi làm bằng xe đạp. Mỗi ngày, trên đoạn đường ngắn ngủi chưa đầy 10 phút đạp xe, tôi đi qua hai ngã tư có cột đèn giao thông, nhưng không ngày nào là không nghe tiếng còi réo sau tai mỗi khi chờ đèn đỏ.
Mỗi khi dừng đèn đỏ, luôn có vài người bấm còi khi cột đèn báo còn 3 giây nữa chuyển sang đèn xanh (Ảnh minh họa: Trần Thường).
Lúc đèn đỏ còn điểm 3 hoặc 5 giây cũng là lúc phía sau lưng tôi vang lên tiếng còi của loạt các loại xe, giục giã hàng người phía trước mau chóng di chuyển. Từ người đi ô tô cho tới người lái xe máy, họ bấm còi như một công cụ giúp đường phố trở nên thông thoáng hơn.
Mục đích ban đầu khi người ta thiết kế còi xe là cảnh báo nguy hiểm cho những phương tiện giao thông khác. Nhưng nay mọi thứ đã khác. Còi xe được sử dụng như một phương tiện trấn áp, thậm chí đe dọa người khác.
Đó là còn chưa kể những hôm trời mưa, đường tắc nghẹt, xe cộ không thể nhúc nhích, vẫn có những người sẵn sàng… bấm còi để giục giã người đi trước tìm lối thoát bằng cách nhích lên vài phân hoặc lách sang vỉa hè bên cạnh.
Cứ thế, dòng người đang mệt mỏi vì tắc đường, khói bụi lại càng trở nên ức chế vì inh ỏi tiếng còi xe bên tai. Ai cũng bực tức, khó chịu, và kết quả là đường vẫn tắc sau nhiều tiếng đồng hồ dài dòng người kèn cựa, chen lấn nhau.
Nhiều người còn cảm thấy chiếc còi mặc định được gắn lên phương tiện của bản thân chưa “đủ đô” nên đã “độ” còi để chúng phát ra âm thanh lớn hơn, dễ trấn áp người khác hơn và thể hiện “quyền uy” mạnh mẽ hơn.
Còi xe đang trở thành công cụ trấn áp, uy hiếp người khác?
Phải chăng việc hơn nhau một vài vòng bánh xe, cách nhau một quãng đường vài mét lại dễ khiến người ta thỏa mãn đến thế?
Cũng chính vì “sở thích” bấm còi kỳ quặc này mà tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở Việt Nam đang ở mức báo động. Đa số người dân ở Thủ đô hoặc những thành phố lớn đang phải sống chung với tiếng ồn quá mức cho phép. Một vài người không biết điều đó, một số khác biết nhưng buộc phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác. Một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị lớn chính là do hành động bấm còi vô tội vạ của người tham gia giao thông.
Nhiều người ước ao đường giao thông bên ta rộng thênh thang như các nước tiên tiến, đường thẳng tắp, nhiều làn xe, đường ai nấy đi, không ảnh hưởng tới ai, vì thế không ai phải bấm còi. Còn tôi thì ước mỗi người Việt tự có ý thức, hạn chế bấm còi khi tham gia giao thông. Dù có chậm hơn một vài phút nhưng mọi thứ đi vào trật tự và không ai phải bấm còi.
Giá như tôi có thể chăn lợn như em
Dù người đời có nói hươu nói vượn về kinh nghiệm sống và sự chủ động trong công việc cũng không làm suy suyển sự ... |
Làm từ thiện đâu cần phải ồn ã
Giá như các đơn vị, cá nhân bớt đi các nghi thức “không thể thiếu” trong các chương trình làm từ thiện như bắt người ... |
http://www.nguoiduatin.vn/o-nhiem-tieng-on-bam-coi-de-the-hien-quyen-uy-a342358.html