Tôi dừng xe trước đèn đỏ ở ngã tư, hoảng loạn bởi một loạt cửa hàng điện máy mở loa thùng hết cỡ. Đêm xuống, tôi mất ngủ vì hàng xóm hát hò ầm ĩ tới khuya.
Tôi dừng xe trước đèn đỏ ở ngã tư, hoảng loạn bởi một loạt cửa hàng điện máy mở loa thùng hết cỡ. Đêm xuống, tôi mất ngủ vì hàng xóm hát hò ầm ĩ tới khuya.
Mỗi lần ra phố, hai tai tôi bị choáng ngợp bởi mớ âm thanh hỗn loạn thâm nhập mọi ngóc ngách của cuộc sống. Trên đường đi, tôi đối mặt với bản hợp xướng gồm vô vàn tiếng còi xe inh ỏi: xe máy, taxi, xe tải... Buổi tối, tai tôi bị tra tấn bởi những hàng xóm vui vẻ có thói quen hát hò và bật nhạc tới nửa đêm. Mệt mỏi và ức chế, tôi quyết định chạy trốn náo loạn đô thị, ra biển nghỉ. Tôi bắt xe khách. Chuyến đi không suôn sẻ vì tài xế bật nhạc công suất lớn, gây chói tai. Cuối cùng cũng đến nơi, tôi ngồi trên biển, thở phào nhẹ nhõm vì tìm được chút yên bình. Nhưng... có tiếng gì vậy? Tiếng khoan nhức óc của công trường ngay trên bãi biển. Họ đang xây khách sạn mới.
Gần đây, ô nhiễm không khí đã nhận được sự quan tâm của giới truyền thông và chính quyền, đây là điều đáng mừng. Và giống như ô nhiễm không khí, tiếng ồn là một kẻ sát nhân giấu mặt, tác nhân gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người mà chúng ta ít để ý đến, dễ chấp nhận sống chung với nó. Ô nhiễm tiếng ồn là một trong những điều mà người nước ngoài khó chịu nhất khi sống ở Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tiếng ồn từ giao thông đường bộ là tác nhân gây stress nghiêm trọng lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ đứng sau ô nhiễm không khí. Ô nhiễm tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, gây căng thẳng và mệt mỏi kéo dài, làm rối loạn giấc ngủ. Đối với trẻ em, nó làm suy giảm nhận thức và mất tập trung. Tệ hơn, nó có thể làm giảm thính lực và gây huyết áp cao, từ đó dẫn đến các bệnh về tim mạch. Mỗi năm, tiếng ồn kéo dài gây ra khoảng 12.000 ca tử vong sớm tại châu Âu.
Chưa có nhiều số liệu thống kê chính xác và đầy đủ về nạn tiếng ồn tại Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe và nghề nghiệp, Bộ Y tế, tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị và khu công nghiệp đều vượt mức cho phép. Một nguyên nhân hiển nhiên là số lượng khổng lồ của xe cơ động chạy trên các đường phố Việt Nam. Để minh họa, TP HCM hiện có hơn 8 triệu xe máy và 0,8 triệu ô tô, trong khi Singapore có 0,6 triệu xe riêng, Tokyo có khoảng 4 triệu xe, Lon don có 2,6 triệu xe.
Hình như tiếng ồn đã thâm nhập quá sâu vào sinh hoạt đến nỗi người Việt quen và chấp nhận sống chung với nó. Tôi luôn ngỡ ngàng khi thấy các quán cà phê vỉa hè đông kín người dù nằm ngay trên ngã tư tắc nghẽn, như thể người ta thích tận hưởng \'\'không khí tấp nập\'\' đến từ tiếng động giao thông. Tương tự, các hộp đêm ầm ĩ ở Việt Nam là hiện tượng mà tôi không hề hiểu được. Tại sao họ thích bật nhạc to đến đinh tai nhức óc, khiến khách không thể nói chuyện với nhau, thậm chí thấy khó thở? Chúng ta phải đợi bao lâu nữa cho tới khi chính quyền và công chúng bắt đầu coi ô nhiễm tiếng ồn là một tác nhân gây hại cho sức khỏe con người như ô nhiễm không khí hay thuốc lá?
Theo Điều 17 của Nghị định 155/2016, đối tượng vượt quy chuẩn về tiếng ồn sẽ bị phạt tiền với mức cao nhất là 160 triệu đồng. Nhưng thực tế cho thấy, việc kiểm tra, xử phạt trong lĩnh vực này vẫn còn bỏ ngỏ, cả chính quyền lẫn người dân vẫn cảm thấy bất lực trước vấn nạn này. Nếu hàng xóm sửa nhà gây tiếng ồn hay nổi hứng hát karaoke lúc đêm khuya, ta có thể làm gì? Có ba phương án. Một là gọi cho công an địa phương vào cuộc, nhưng phương án này ít khi giải quyết được vấn đề. Hai là tự xử lý và gặp đối tượng gây ồn ào để \'\'nhắc nhở\'\', song phương án này không... an toàn vì đã có không ít vụ gây gổ, đánh nhau và cả án mạng nữa. Phương án thứ ba: ngậm đắng nuốt cay và chịu đựng.
Sống an phận vẫn là lựa chọn của đại đa số chúng ta, tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự thụ động này không thực sự tốt. Chúng ta thà chịu làm nạn nhân còn hơn là chủ động, tìm cách đối mặt với vấn đề. Bao nhiêu cửa hàng mở loa, bật nhạc đinh tai mà hàng xóm cứ kệ, không động đậy. Trên xe khách 45 chỗ, tài xế bật nhạc ầm ĩ nhưng không hành khách nào lên tiếng. Theo tôi, chúng ta cứ tiếp cận người gây tiếng ồn một cách bình tĩnh, thảo luận về vấn đề một cách văn minh và lịch sự. Lưu ý tuyệt đối không nổi giận và đổ lỗi cho họ bởi như người ta nói, bạo lực sinh ra bạo lực. Giống như xả rác nơi công cộng, việc gây tiếng ồn là một thói quen không lành mạnh, bắt nguồn từ sự thiếu ý thức về môi trường và không gian xung quanh. Người ta gây ồn ào vì ý thức chưa đủ cao chứ không phải vì có ý xấu. Và dù gì, theo tôi, điều chỉnh ý thức của con người dù khó khăn nhưng vẫn khả thi.
Song song với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng phải phấn đấu để trở thành một đất nước đáng sống với chất lượng sống cao hơn, nơi người dân không thấy bực bội, ù tai vì ồn ã ở khắp nơi; một đất nước mà người dân có ý thức về môi trường xung quanh, biết chia sẻ không gian công cộng một cách văn minh chứ không giao tiếp bằng còi xe.
Tết Nguyên Đán sắp đến. Trước khi bạn mở loa hát karaoke, chúc tụng to tiếng ở ngoài trời hay bấm còi xe liên tục, làm ơn cân nhắc và lưu tâm chút xíu đến mọi người xung quanh.
Marko Nikolic
(Nguyên tác tiếng Việt)
Ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke và hiểm họa khôn lường |
Hạn chế tiếng còi xe ở TP HCM, tại sao không? |
TP.HCM lập tổ phản ứng nhanh xử lý ô nhiễm tiếng ồn |
Báo động về “karaoke... tặc” (kỳ 1) |