Ô nhiễm không khí trong nhà - 'sát thủ thầm lặng' của sức khỏe

Chuyên gia cảnh báo, ô nhiễm không khí trong nhà nghiêm trọng hơn nhiều lần so với ngoài trời, gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe.

Tại chương trình phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 với chủ đề "Chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh" hôm 3/6, bà Ramla Khalidi, trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, chúng ta liên tục nhận được những tín hiệu báo động về chất lượng không khí tại Hà Nội.

Thủ đô từng xuất hiện trong danh sách những thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới. Ước tính thiệt hại về kinh tế - xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 4% GDP của đất nước. 

Ô nhiễm không khí trong nhà gây ra nhiều tác hại sức khỏe.

Ô nhiễm không khí trong nhà gây ra nhiều tác hại sức khỏe.

Ô nhiễm không khí gây hại thế nào?

Từng thực hiện khảo sát về mức độ ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời tại thủ đô Hà Nội, GS.TS Hoàng Anh Lê (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) nhận định, ô nhiễm không khí trong nhà nghiêm trọng hơn nhiều lần so với ngoài trời.

"Khoảng 80% thời gian trong ngày, cư dân thành phố sinh sống, làm việc và học tập tại các cao ốc, khiến tần suất tiếp xúc với các chất độc hại trong nhà tăng cao.

Đồ gia dụng không được thường xuyên lau rửa, vật liệu xây dựng không đảm bảo chất lượng, khí ga, nấm mốc... đều là những "sát thủ thầm lặng" với sức khỏe con người", GS Lê nói. 

Theo TS.BS Đỗ Mạnh Cường (Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế), ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí đang làm trầm trọng thêm nguy cơ mắc bệnh, tăng gánh nặng bệnh tật và giảm tuổi thọ con người. 

Trích dẫn một báo cáo toàn cầu của WHO về mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người, TS Cường nói tỷ lệ tử vong do phơi nhiễm không khí độc trong nhà cao gấp đôi so với phơi nhiễm ngoài trời. Không khí "bị giam" trong các không gian kín, lâu ngày không được lưu thông, làm mới khiến các chất ô nhiễm tồn đọng trong không gian sống.

"Đặc biệt, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) tồn tại với mật độ cao trong không gian kín, có khả năng xâm nhập vào sâu bên trong phổi và các mạch máu, lâu dần sẽ gây viêm nhiễm và suy hô hấp", TS Cường nói.

Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng hiện là mối nguy hại cho sức khỏe con người. (Ảnh minh hoạ)

Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng hiện là mối nguy hại cho sức khỏe con người. (Ảnh minh hoạ)

Đánh giá về ảnh hưởng của chất lượng không khí tới sức khoẻ con người, bà Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong đó, Việt Nam cũng ghi nhận ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm, tức trung bình cứ 7,5 giây lại có một người Việt Nam tử vong vì căn bệnh liên quan tới hô hấp do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Đại diện WHO nhấn mạnh, cần giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí như cách chúng ta đã làm với COVID-19 - một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Cần tổng đài khẩn cấp về môi trường

Trước thực trạng báo động về ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng, việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường trở nên vô cùng cấp thiết.

Bà Angela Pratt cho biết, trong ngắn hạn cần có giải pháp để hạn chế người bị phơi nhiễm và bảo vệ những người có nguy cơ cao. Trong trung và dài hạn, cần giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân khiến người dân bị bệnh, ở trường hợp này là nguồn ô nhiễm, bao gồm giảm nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm từ giao thông, hạn chế đốt rác và đốt rơm rạ sau mùa vụ.

UNDP cho biết đang đóng góp vào việc cải thiện chất lượng không khí trong nhiều lĩnh vực hoạt động tại Việt Nam, bao gồm chuyển đổi năng lượng công bằng và hỗ trợ cam kết trung hòa khí thải của Việt Nam vào năm 2050, hỗ trợ các hoạt động về giao thông xanh (thúc đẩy xe điện và cơ sở hạ tầng sạc), nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải cũng như thông qua đánh giá hàng năm về nhận thức của người dân về quản trị môi trường (PAPI).

Dưới góc độ nhà nghiên cứu môi trường, GS.TS Hoàng Anh Lê (khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cho rằng, các nhà quản lý cần giải pháp cụ thể để quản lý chất lượng không khí, đồng thời cung cấp sáng kiến để giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Trước mắt cần tận dụng mọi nguồn lực hiện có để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, đồng thời kết hợp các công cụ hiện đại như camera hồng ngoại phát hiện các hành vi phá hoại môi trường. Đặc biệt, cần có một tổng đài khẩn cấp về vấn đề này.

"Khi chúng ta cần cấp cứu sẽ gọi 115, gặp nguy hiểm gọi 113, gặp cháy gọi 114. Vậy khi gặp hành động phá hoại môi trường, đâu sẽ là con số cần gọi đến?", GS Lê đặt câu hỏi.

Theo GS Lê, chẳng ai nhớ nổi số hotline của các chi cục bảo vệ môi trường, bởi những con số này quá dài, quá khó nhớ. Việc lập một tổng đài khẩn cấp là vô cùng cần thiết, vì ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người.

https://vtcnews.vn/o-nhiem-khong-khi-trong-nha-sat-thu-tham-lang-cua-suc-khoe-ar874822.html

KIM NHUNG / VTC News