- Chất lượng không khí Hà Nội tiếp tục xấu, ô nhiễm nhất thế giới
- Liên tiếp 3 ngày, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí
- Chuyên gia nêu nguyên nhân Hà Nội liên tục ô nhiễm không khí nhất thế giới
Liên tiếp nhiều ngày qua, Hà Nội là một trong những thành phố đứng hàng đầu thế giới về ô nhiễm không khí. Ô nhiễm đã, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, cũng như sức khỏe người dân Thủ đô.
Theo thông tin từ ứng dụng theo dõi, dự báo chất lượng không khí IQAir, Hà Nội chịu tác động của bụi mịn ở mức độ cao. Chỉ số AQI có lúc đã vượt quá 300 (cảnh báo đỏ đậm) và nhiều khu vực ở mức trên 200 (cảnh báo tím).
Trên thực tế, tình trạng khói bụi mù mịt bao trùm thành phố, nhất là khoảng thời gian sáng sớm là điều không còn xa lạ với người dân. Từ xa có thể thấy lớp sương mù dày đặc bao trùm nhiều tòa nhà cao tầng, đường phố. Tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng này khiến cho nhiều người đang sống, làm việc ở Thủ đô không khỏi than phiền vì ảnh hưởng đến giao thông, cũng như những lo lắng về sức khỏe.
Theo các chuyên gia, miền Bắc và Hà Nội đang trong mùa ô nhiễm không khí từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Bên cạnh đó, thời tiết Hà Nội liên tục đảo chiều về mặt hình thế và nền nhiệt, biến động liên tục. Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nên các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Việc hít thở hằng ngày trong môi trường khói bụi không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe như viêm phổi, hen suyễn, còn ảnh hưởng đến tinh thần của con người. Khảo sát tại nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn cho thấy tình trạng quá tải bệnh nhân các khoa hô hấp ở mọi đối tượng.
Ghi nhận tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiều người già tới thăm khám với tâm trạng lo lắng, mệt mỏi. Ông Nguyễn Văn Hùng ở quận Hai Bà Trưng có triệu chứng ho kèm khó thở đã kéo dài 1 tuần nay. Ông cho biết mình có tiền sử bị bệnh liên quan đến hô hấp nên thời tiết thay đổi khiến ông rất khó thở. Tình trạng không khí ô nhiễm ảnh hưởng rất nhiều đến những người có hệ hô hấp yếu như ông.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng người đợi xếp hàng lấy số khám bệnh từ sớm tăng vọt. Đa phần những người tới đây đều mắc các bệnh hô hấp, hen suyễn, chủ yếu là trẻ em. Có tiền sử bệnh viêm phổi từ sơ sinh, mỗi lần thời tiết bất thường kèm theo ô nhiễm, gia đình bé N.T.M ở quận Hoàn Kiếm lại ngược xuôi tới bệnh viện. Gia đình đã mua thuốc, trong đó có kháng sinh nhưng tình trạng của con không đỡ. "Chúng tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Tình trạng ô nhiễm kéo dài và không thấy chấm dứt. Cứ tái diễn như thế này thì gia đình chúng tôi rất vất vả", gia đình bé N.T.M cho hay.
Những người dễ bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí chủ yếu ở người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sức đề kháng yếu. Ô nhiễm không khí còn có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận cơ thể người, gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh lý tai mũi họng. Những người có sẵn bệnh lý về hô hấp cũng dễ gặp các triệu chứng nặng. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.
Ngoài các bệnh về hô hấp, các bệnh về da cũng tăng cao tại thời điểm này. Theo ghi nhận, tại các tiệm spa luôn đông đúc khách hàng ghé thăm. Chủ một tiệm spa trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên cho hay, từ sáng đến tối luôn có khách đặt dịch vụ với mong muốn chăm sóc, bảo vệ da tốt nhất.
Theo một bác sỹ da liễu, bụi mịn PM2.5 là một trong những tác nhân chính gây viêm da, mẩn đỏ, ngứa và sưng tấy. Người có tiền sử mắc bệnh chàm, viêm da có thể trở nặng hơn khi tiếp xúc lâu với không khí ô nhiễm. Bên cạnh đó, các chất ô nhiễm góp phần làm tổn thương DNA trong tế bào da. Về lâu dài, tình trạng này có khả năng phát triển ung thư da. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian để chăm sóc da, đặc biệt là những người thường xuyên phải làm các công việc ngoài trời vào ban ngày, tiếp xúc lâu với không khí ô nhiễm.
Để phòng, chống các bệnh về hô hấp và viêm da, các bác sỹ khuyến cáo, người dân cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý làm sạch đường hô hấp; thoa kem chống nắng, dưỡng ẩm da; ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trước sự tấn công của các yếu tố ô nhiễm không khí.