Nhiều phương thức làm sạch sông Tô Lịch được TP.Hà Nội đưa ra nhưng không giải quyết được vấn đề căn cơ mặc dù ai cũng biết phải làm gì.
Ngày 15/11/2019, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, lấy nước sông Hồng bổ cập hồ Tây rồi xả ra làm loãng khu vực sông Tô Lịch chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ mà dòng sông này đang gặp phải.
"Bản thân con sông được làm sạch bởi hai yếu tố. Một là phải chấm dứt ngay tình trạng xả thải ra sông. Hai là tạo độ sâu khơi thông dòng chảy của con sông đó. Việc đổ nước vào pha loãng sông Tô Lịch chỉ là vấn đề cần để tác động cho con sông này có dòng chảy. Tuy nhiên, dòng chảy đó cũng sẽ không đủ lớn nếu như độ sâu của sông không đạt được chiều cao tối thiểu từ 1,5 - 2m" - vị chuyên gia cho biết.
Theo ông Côn, từ hàng chục năm nay, TP. Hà Nội đã có rất nhiều dự án, đề xuất làm sạch sông Tô Lịch nhưng vẫn mãi loay hoay chưa thể giải quyết được ô nhiễm của con sông này.
Vị chuyên gia kể, từ năm 1996, TP. Hà Nội đã lấy ý kiến của các nhà chuyên môn về việc làm sạch sông Tô Lịch. Lần nào lấy ý kiến, các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp căn cơ nhất là phải hạn chế nguồn nước thải sinh của người dân, thải công nghiệp của nhà máy vào sông Tô Lịch thì mới giải quyết định dứt điểm tình trạng này.
|
|
Nhiều dự án, cách làm sạch sông Tô Lịch được thực hiện nhưng vẫn không đi vào căn cơ khiến ô nhiễm vẫn là ô nhiễm. |
Tuy nhiên sau đó, TP. Hà Nội thực hiện không đầy đủ mà đưa ra nhiều dự án khác nhau, lúc thì dùng chất hóa học đổ xuống, lúc thì xây kè đá hai bên sông, khi lại thử nghiệm công nghệ xử lý của Nhật Bản.
Năm 2016, một dự án thu gom xử lý nước thải sông Tô Lịch với quy mô hơn 16.000 tỷ đồng được làm ở Yên Sở, Q. Hoàng Mai nhưng suốt 3 năm qua vẫn chưa thể thực hiện mà theo đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư là do gặp vấn đề trong việc đấu thầu.
Ngoài ra, có cả trăm các dự án, phương thức lớn nhỏ khác nhau được thực hiện với mục đích làm sạch sông Tô Lịch được thực hiện trong các năm qua nhưng rồi ô nhiễm vẫn là ô nhiễm, mùi hôi thối của con sông vẫn còn đó.
"Không phải các đơn vị của TP. Hà Nội không biết đến nguyên nhân vì sao sông Tô Lịch bị ô nhiễm, muốn không bị ô nhiễm nữa phải làm như thế nào nhưng lại mãi không thực hiện được.
Vào thời điểm những năm 2000, có thể vì TP. Hà Nội không có đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện nhưng trong 10 năm trở lại đây thì việc xử lý hoàn toàn nằm trong khả năng.
Bởi để làm sạch sông Tô Lịch không phải là khó, cũng không phải quá tốn kém so với một nơi là Thủ đô của cả nước, hơn nữa nếu làm sạch sông Tô Lịch thì nguồn lợi đem lại là vô cùng lớn. Bởi làm sạch sông Tô Lịch cũng sẽ cải thiện được tình trạng ô nhiễm của các con sông khác trong nội đô của thành phố, có thể phát triển làm du lịch trên sông..." - PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Trong trường hợp, TP. Hà Nội cảm thấy quá khó khăn, không đủ tiềm lực làm sạch sông Tô Lịch thì có thể tiến hành đấu thầu, để tư nhân vào làm và cùng chia sẻ lợi ích từ việc khai thác con sông sau khi được làm sạch thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào và giải quyết nhanh chóng.
Ông Côn cho rằng, nguyên nhân bắt nguồn từ tư duy làm dự án của TP. Hà Nội khi liên tiếp đưa ra các dự án khác nhau với mục đích làm sạch sông mà không đi vào giải pháp chính, cái nguồn gốc khiến sông Tô Lịch bị ô nhiễm.
Vị chuyên gia này ví, chuyện làm sạch sông Tô Lịch giống như một chiếc bánh, các bên chia nhau mỗi người mỗi phần và từ lâu đã có câu chuyện "vùng cấm" trong việc làm sạch dòng sông này.
"Nếu con sông được làm sạch thì các đơn vị liên quan sẽ còn lại gì. Giá trị thu về chỉ còn dựa trên mỗi m2 nước của sông. Mà như thế thì chẳng đáng bao nhiêu so với làm dự án cả.
Trong khi các dự án đưa ra liên quan đến sông Tô Lịch đều có giá trị từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, kéo dài dai dẳng, kéo dài từ năm này sang năm khác mà sông chỉ được giảm sự ô nhiễm chứ không làm sạch được như nhiều người dân mong muốn" - ông Côn bày tỏ.
Sông Tô Lịch chết dần |
Hà Nội lấy ý kiến việc bơm nước sông Hồng "cứu" sông Tô Lịch |
Đề xuất đầu tư Thủ Lệ thành Venice, sông Tô Lịch phục vụ du lịch tâm linh |