Câu chuyện nước sạch ở Hà Nội cho thấy sự cần thiết bổ sung quy định pháp lý về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc cung cấp dịch vụ và hàng hóa công.
Hệ thống chính trị, xã hội và nhà nước của ta cứ nghĩ mọi thứ đã đâu vào đó, cần cái gì là lập tức có câu trả lời xác đáng, là có quy định pháp lý tương ứng. Hóa ra không hẳn là vậy.
Sau chuyện cháu bé chết của trường Gateway mới có việc rà soát xem các quy định về xe ô tô đưa đón học sinh, rồi tiêu chuẩn lái xe ô tô kiểu này có không, có phù hợp không. Cuối cùng mới thấy chẳng có quy định gì đặc biệt. Và nhiều thứ khác cũng vậy. Cứ vận hành đi, mọi chuyện đâu có đó gần như là phương châm cho mọi thứ ở nước ta.
Và giờ đây, câu chuyện nước nhiễm bẩn Hà Nội lại thêm một ví dụ điển hình cho kiểu phương châm đó.
Một tuần nay, hàng chục nghìn hộ gia đình của các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… không có nước sạch để dùng, bởi nước không bảo đảm tiêu chuẩn.
Dân lên tiếng, báo chí vào cuộc, UBND TP Hà Nội lên tiếng. Rồi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo. Và đặc biệt là công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) lên tiếng. Đây chính là doanh nghiệp cung cấp nước sạch cho một bộ phận dân cư Hà Nội.
Xếp hàng chờ lấy nước ở khu đô thị Linh Đàm. Ảnh: Trần Thường |
Ở đây chưa bàn đến việc cơ quan công an đã khởi tố vụ án để điều tra việc đổ dầu
bẩn… gây ô nhiễm nguồn nước mà Viwasupco này sử dụng để cung cấp cho Thủ đô. Cái đáng bàn chính là mối quan hệ và trách nhiệm của các bên có liên quan tới việc cấp nước sạch cho Hà Nội.
Không vì mục tiêu lợi nhuận
Trước hết là mối quan hệ của chính quyền TP Hà Nội với người dân. Liệu có chỗ nào quy định rõ trách nhiệm của UBND TP Hà Nội phải cung cấp nước sạch, trước hết cho dân cư nội đô?
Không thể nói trách nhiệm một cách đại khái. Chỗ này cần hết sức cụ thể và rõ ràng. Rất đáng tiếc, pháp luật của chúng ta quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý là hết sức chung, không rõ. Điều này không chỉ đúng cho Hà Nội, mà cho các các tỉnh, thành khác.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thậm chí luật Thủ đô cũng đều không quy định trách nhiệm của UBND TP cung cấp các dịch vụ công cụ thể, trong đó có nước sạch cho cư dân. Đi vào chi tiết xem quy định về chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng Hà Nội cũng không có quy định về việc Sở chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho người dân.
Nếu cứ căn cứ pháp lý như vậy mà xét thì việc quy trách nhiệm cho chính quyền về vấn đề nước không sạch như hiện tại quả là khó. Đây là điểm sau này khi sửa các quy định pháp luật phải tính đến.
Cũng rất may, ngoài căn cứ pháp lý còn có căn cứ thực tiễn. Thực tiễn bao năm nay gần như mặc định nước sạch cho người dân nội đô là chính quyền thành phố phải lo.
Chính quyền địa phương của Việt Nam ta giống như nhiều nước trên thế giới, đó là chính quyền có trách nhiệm cung cấp một số dịch vụ, hàng hóa công thiết yếu cho người dân, trong đó quan trọng nhất là dịch vụ công về giáo dục và y tế. Điện, nước sạch, thu gom và xử lý rác thải, giao thông công cộng… là những dịch vụ và hàng hóa công tiếp theo phải kể đến.
Điều quan trọng phải nhấn ở đây là chính quyền cung cấp các dịch vụ công và hàng hóa này không vì mục tiêu lợi nhuận, nếu có thu phí hoặc lệ phí từ người dân thì các khoản thu này cũng chỉ bù đắp phần nào chi phí mà chính quyền phải bỏ ra mà thôi. Chỗ này mà liên hệ vào thực tiễn ta thì còn khá nhiều chuyện hay, đáng bàn.
Để cung cấp các loại dịch vụ công và hàng hóa này, chính quyền có thể lập ra các tổ chức của mình, đó là các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc các doanh nghiêp nhà nước.
Hình thức thứ hai có thể là chính quyền thuê tổ chức bên ngoài như doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ cung cấp thay mình dịch vụ, hàng hóa cho người dân.
Cũng cần chú ý ở đây là cho dù chính quyền thuê ai đó lo chuyện của mình thì xét đến cùng, chính quyền vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng các dịch vụ và hàng hóa công này. Chúng ta thấy rõ hình thức này phần nào qua câu chuyện nước sạch của Hà Nội.
Nhà máy nước sông Đà. Ảnh: Trần Thường |
Viwasupco là bên được thuê để cung cấp nước sạch cho một bộ phận người dân. Công ty này chịu trách nhiệm về chất lượng nước sạch cung cấp cho TP và khi có sự cố xảy ra như hiện nay thì công ty này hoàn toàn chịu trách nhiệm trước chính quyền TP. Không thể nói kiểu chúng tôi là nạn nhân chịu thiệt hại nhất.
Từ câu chuyện nước sạch lần này của Thủ đô cho thấy sự cần thiết bổ sung các quy định pháp lý về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc cung cấp các loại dịch vụ và hàng hóa công cụ thể, việc vận dụng trên thực tế nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận trong cung cấp các loại dịch vụ và hàng hóa này và cuối cùng là trách nhiệm của chính quyền cũng như các bên có liên quan khi có sự cố xảy ra.
Mùi khủng khiếp ở đồi Mông, nơi xả thải xuống nhà máy nước sông Đà |
Lợi nhuận doanh nghiệp đứng sau Nước sạch Sông Đà giảm mạnh |
Công ty nước sạch sông Đà: "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất" |