Ngoài Việt Nam, một số quốc gia cũng đạt được những thành tựu trong công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ và có hạ tầng y tế vừa phải đã thành công khi không để bất cứ bệnh nhân nào chết.
Ngoài Việt Nam (355 ca bệnh, không ai tử vong) còn có nhiều nơi lập được kỳ tích tương tự:
- Châu Á: Mông Cổ (220 ca bệnh), Campuchia (141), Bhutan (77), Lào (99), Đông Timor (24).
- Châu Âu có Vatican (12 ca bệnh).
- Châu Phi có Uganda (911 ca bệnh), Namibia (335), Eritrea (215), Seychelles (81), Lesotho (35).
Vùng Caribbean: Saint Vincent and the Grenadines (29 ca bệnh), Grenada (23), Saint Lucia (22), Dominica (18), Saint Kitts and Nevis (15).
Châu Úc: Fiji (18 ca bệnh), Papua New Guinea (11).
Các vùng đất trên giữ được an toàn cho bệnh nhân nhờ hai lý do. Đầu tiên là nhiều nơi có lợi thế về địa lý, ở khu vực khó tiếp cận. Thứ hai, các nước này nhanh chóng cách ly người bệnh, đóng cửa biên giới nên số người nhiễm thấp, giúp việc điều trị thuận lợi hơn dù cơ sở vật chất không hiện đại.
Hiện nay vẫn có 12 quốc và và vùng lãnh thổ tuyên bố chưa có trường hợp nào bị Covid-19. Trong đó có Triều Tiên, Turkmenistan ở châu Á. 10 vùng còn lại nằm ở châu Đại Dương gồm quần đảo Solomon, Vanuatu, Samoa, Kiribati, Micronesia, Tonga, quần đảo Marshall, Palau, Nauru, Tuvalu.
Theo trang thống kê Worldometers, tiếp tục hiện diện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, Covid-19 đã lây nhiễm cho trên 11,5 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 536.000 bệnh nhân tính đến 6h sáng ngày 6/7. Số hồi phục vượt 6,5 triệu trường hợp.
Châu Á vẫn chứng kiến số ca mắc mới tăng ở nhiều nơi, kể cả ở một số nước từng kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong khi đó, Mỹ Latinh tiếp tục đối mặt tốc độ lây lan mạnh của virus. Trong 24 giờ qua, đại dịch tấn công dữ dội nhất ở Brazil và Mexico, với số người tử vong được ghi nhận lên đến hàng trăm người.
Tại Brazil, số bệnh nhân Covid-19 tử vong tính tới sáng 6/7 đã chạm mốc 30.366 người, khiến nước này vượt qua Pháp vào vị trí thứ 5 thế giới về số bệnh nhân tử vong.
Mexico cũng trở thành vùng dịch đứng thứ 3 châu Mỹ. Bộ Y tế nước này xác nhận trên 252.000 người nhiễm bệnh và 30.366 người đã tử vong, tăng lần lượt gần 7.000 ca nhiễm mới và thêm 523 nạn nhân xấu số.
Trên đà giảm nhẹ dịch bệnh, châu Âu tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch và mở cửa biên giới nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.
PV (th)