Phe áo đỏ ở Thái Lan ác cảm với hoàng gia nên việc để Công chúa đại diện tranh cử cho đảng của họ là động thái gây bất ngờ.
Công chúa Ubolratana Rajakanya, chị của Vua Maha Vajiralongkorn. Ảnh: AFP. |
Công chúa Thái Lan Ubolratana Rajakanya, 67 tuổi, ngày 8/2 tuyên bố tranh cử ghế thủ tướng cho đảng Thai Raksa Chart, phá vỡ truyền thống đứng ngoài chính trị của hoàng gia.
Thai Raksa Chart là đảng trung thành với cựu thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ vào năm 2006 và sống lưu vong từ năm 2008 để tránh án tù hai năm vì tội tham nhũng liên quan đến một thương vụ đất đai. Một số người đánh giá việc đề cử Ubolratana là chiến lược chính trị khéo léo của Thaksin và là dấu hiệu có một thỏa thuận đằng sau hậu trường giữa ông và hoàng gia để khôi phục sự nghiệp chính trị của mình.
Tiến sĩ Michael Montesano, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore ISEAS-Yusof Ishak cho rằng đây là dấu hiệu báo hiệu "sự nối lại quan hệ giữa Thaksin và cung điện".
"Không nghi ngờ gì, đây là nước cờ rất táo bạo của Thaksin", Termsak Chalermpalanupap, chuyên gia Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định.
Chính trường Thái Lan chia thành một bên là chính quyền quân sự - hoàng gia và giới thượng lưu ở Bangkok với một bên là phe áo đỏ theo chủ nghĩa dân túy -những người trung thành với nhà Shinawatra, chủ yếu là người nghèo sống ở nông thôn.
Việc công chúa về phe nhà Shinawatra làm phức tạp thêm tình thế chính trị ở Thái Lan, Pavin Chachavalpongasta, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Kyoto, đánh giá.
Căng thẳng giữa hai phe đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố, các cuộc đảo chính quân sự và đụng độ bạo lực trong hơn một thập niên. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu Công chúa có thể thu hút sự ủng hộ từ cả hai phe?
"Quan hệ thân thiết của bà ấy với gia đình Thaksin Shinawatra là bí mật mở. Đây là điểm trừ trong mắt hầu hết người ủng hộ hoàng gia", Termsak nói. Ông chỉ ra thêm rằng đảng Thai Raksa Chart có rất nhiều lãnh đạo phe áo đỏ và nhiều người trong số họ không có thiện cảm với hoàng gia.
Quyết định đề cử công chúa có thể phản tác dụng với Thaksin. "Ông ấy đang sử dụng một người rất gần gũi với hoàng tộc cho nỗ lực chính trị để vượt qua tướng Prayuth và chính quyền quân sự", Termsak nhận xét.
"Sự táo bạo của nước cờ này đồng nghĩa với việc chúng ta phải chú ý đến khả năng xảy ra phản ứng dữ dội trong công chúng", Montesano nói.
Thaksin tại Singapore tháng 2/2016. Ảnh: Reuters. |
Thái Lan được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự sau khi quân đội lật đổ Yingluck, em gái của Thaksin, trong cuộc đảo chính năm 2014. Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha hôm qua cũng tuyên bố tranh cử cho đảng thân quân đội Phalang Pracharat.
Quân đội Thái Lan vốn coi bảo vệ hoàng gia là ưu tiên hàng đầu và tổng tư lệnh của họ là Quốc vương. Vì vậy, việc Công chúa dấn thân vào chính trị khiến ông Prayut lâm vào thế khó khi phải cạnh tranh trực tiếp với một thành viên hoàng gia.
Công chúa Ubolratana sẽ là một đối thủ đáng gờm của ông Prayut vì bà được lòng công chúng. Bà đã xuất hiện trong các bộ phim, trình diễn trên sân khấu và thường xuyên cập nhật mạng xã hội.
"Tôi cảm thấy tuyệt vời. Tôi nghĩ bà ấy là lựa chọn phù hợp", Nirinsiri Chanboriboon, bà nội trợ 41 tuổi, bình luận.
Bà Ubolratana không có kinh nghiệm chính trị nhưng nhà Shinawatra là những người lão luyện trong lĩnh vực này. Các đảng của anh em Yingluck đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001.
Tuy nhiên, Công chúa vấp phải sự phản đối từ em mình là Quốc vương Maha Vajiralongkorn. Ông nói hoàng gia dấn thân vào chính trị là "rất không phù hợp" và "vi hiến". Chỉ trích công khai này có thể khiến bà bị Ủy ban Bầu cử truất quyền, theo Reuters.
Cơ quan bầu cử có một tuần để xem xét ứng viên nào được phép tranh chức thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu ngày 24/3. Họ không đáp ứng yêu cầu bình luận nhưng cho biết sẽ họp bàn vào đầu tuần sau. Nếu bà Ubolratana không được ứng cử, Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha sẽ trở lại thế thượng phong.
Đối mặt với những chỉ trích, bà Ubolratana phản bác rằng bà đang thực thi quyền công dân. "Tôi đã từ bỏ danh hiệu hoàng gia và sống như một thường dân", bà viết trên Instagram. "Tôi chấp nhận đề cử của đảng Thai Raksa Chart để thể hiện quyền và sự tự do của mình mà không có bất kỳ đặc quyền nào hơn các công dân Thái khác theo hiến pháp".
Năm 1972, Công chúa Ubolratana đã từ bỏ tước hiệu hoàng gia sau khi kết hôn với thường dân Mỹ Peter Ladd Jensen. Họ chung sống ở Mỹ cho đến khi ly hôn năm 1998. Bà Ubolratana năm 2001 trở về Thái Lan và thực hiện một số nhiệm hoàng gia nên được nhiều người coi là đã khôi phục tước hiệu.
Ngoài ra, còn có một vấn đề khác là không rõ liệu Công chúa Ubolratana có được bảo vệ theo luật chống khi quân của Thái Lan hay không (người phỉ báng hoàng gia có thể lĩnh án tù lên đến 15 năm) và việc đó có thể tác động thế nào đến các cuộc tranh luận trước bầu cử.
"Nếu bà ấy trở thành thủ tướng, đó sẽ là việc chưa có tiền lệ", Puangthong Pawakapan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, nói.
"Mọi người có thể đối xử với bà ấy như thường dân được không? Ai dám chỉ trích một thủ tướng hoàng gia?".
Công chúa Thái Lan gây sốc khi tham gia tranh cử thủ tướng
Công chúa Ubolratana Rajakanya là thành viên hoàng gia đầu tiên trong lịch sử chạy đua cho chức thủ tướng Thái Lan, trở thành thách ... |