Dịch nCoV kéo dài 1 - 2 tháng sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 200-300 triệu USD. Con số này sẽ tăng lên 600-800 triệu USD nếu dịch kéo dài 3-6 tháng.
Tính toán trên của Bộ Công Thương được ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra tại cuộc họp chiều 7/2. Nếu dịch kéo dài 1-3 tháng, thiệt hại về xuất khẩu có thể là kim ngạch giảm 400-600 triệu USD. Nhưng con số này sẽ tăng lên 600-800 triệu USD nếu dịch kéo dài trên 3 tháng.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 41 tỷ USD, trong đó nông lâm thủy sản là 7 tỷ USD, hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ khoảng 3 tỷ USD, trao đổi cư dân biên giới là 1,2 tỷ USD. Hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu qua đường bộ. Hàng công nghiệp, nguyên phụ liệu chủ yếu qua đường biển và các đường vận chuyển khác.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Anh Minh |
Nhấn mạnh "đây là cuộc chiến khó khăn", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các Cục, Vụ ngoài đánh giá kỹ tác động, cần đưa ra kịch bản ứng phó cụ thể để bù đắp thâm hụt thương mại nhưng phải mang tính dài hạn chứ không chỉ "giải cứu trước mắt".
Báo cáo đánh giá tác động của dịch nCoV đưa ra trước đó của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho rằng, xuất khẩu quý I đầu năm sẽ giảm hơn 20% nếu dịch nCoV kết thúc cuối quý I, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 25%. Trường hợp dịch viêm phổi cuối quý II mới kết thúc, kim ngạch xuất khẩu dự báo giảm 20% so với cùng kỳ, riêng Trung Quốc giảm 56%.
Tác động đã hiện hữu khi nông sản "nghẽn" tại các cửa khẩu biên giới. Ngoài 60 container chở thanh long được thông quan khi cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) mở trở lại từ ngày 3/2, lượng xe tồn tại các cửa khẩu ước tính gần 400 xe. Vì thế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, không thể chờ vào mỗi Trung Quốc mà cần mở rộng thêm nhiều thị trường mới xuất khẩu chính ngạch trong tình hình dịch nCoV căng thẳng.
Nhưng không riêng thanh long, dưa hấu, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại lo lắng, dịch nCoV còn có thể tác động tới mặt hàng vải, xoài khi các công tác xúc tiến thương mại cho hai loại trái cây này bắt đầu từ tháng 4. "Phải có biện pháp tìm thị trường thay thế sớm nếu không sẽ phải giải cứu vải, xoài như thanh long, dưa hấu bây giờ", ông Phú cảnh báo.
Ông Phú cũng nói thêm, đàm phán mở cửa mặt hàng này không phải "có gì đàm phán đó", mà nên thông qua các tham tán thương mại tại các nước, rà soát nhu cầu thị trường sở tại. Ông đơn cử, lâu nay Việt Nam vẫn tiếp thị thanh long sang thị trường Hàn Quốc, song thực tế khảo sát thị hiếu người dân nước này lại thích quả bưởi của Việt Nam.
Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh lưu ý, trong lúc thị trường Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh thì EU, hay thị trường các nước đã ký hiệp định CPTPP sẽ là giải pháp cho nông sản Việt.
"Dịch nCoV chưa biết diễn biến tới ngày nào, nên cần Bộ Nông ngiệp & Phát triển nông thôn hướng dẫn các tỉnh, nông dân điều tiết lại sản lượng, không cố gắng tăng sản lượng khi thị trường có vấn đề", ông Khánh nói.
Bộ trưởng Công Thương sẽ lập Ban chỉ đạo ứng phó với dịch. Riêng với giải pháp gỡ bí cho xuất khẩu nông sản, Bộ này sẽ lập tổ công tác đánh giá lại quy mô khối lượng ách tắc, xác định địa bàn thị trường có tiềm năng, dư địa để tìm kiếm đầu mối thúc đẩy tiêu thụ.
Vụ Thị trường trong nước được giao tiếp tục làm việc với các hệ thống phân phối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và nước ngoài.
Mặt khác, để hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Tuấn Anh giao Cục Điều tiết điện lực tính toán đề xuất giảm giá điện hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, lưu kho nông sản phục vụ xuất khẩu trong lúc khó khăn.
Anh Minh
Thủ tướng cho phép cửa khẩu giao nhận hàng hóa trở lại |
Trung Quốc ngừng mua ăn, giá mít giảm còn 5 ngàn/kg vẫn ế |
Chiều 5.2, dưa hấu, thanh long ùn ứ tại cửa khẩu bắt đầu được thông quan |