Nông sản "quay xe" đi đường sắt vì chi phí thấp, ổn định

Đường sắt nhiều giải pháp vận chuyển nông sản xuất nhập khẩu, hướng đến hàng chính ngạch, tăng giá trị hàng hóa.

Lợi thế vận chuyển khối lượng lớn

Đoàn tàu đầu tiên trên tuyến vận tải nông sản xuất nhập khẩu Sóng Thần - Đồng Đăng vừa xuất phát ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương).

Khoảng 900 tấn hàng hóa với 21 toa xe chuyên chở container 40 feet lạnh chở hàng trái cây, hải sản tươi sống... được vận chuyển đến ga Yên Viên trước khi tiếp chuyển sang tàu khổ 1.435mm đi tiếp ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và sang Trung Quốc.

Trước đó, tại ga Kép, đường sắt đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang đưa vào khai thác các đoàn tàu vận chuyển vải thiều tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Các lô vải này được thực hiện thủ tục hải quan ngay tại ga Kép và vận chuyển bằng container lạnh tự phát điện trên toa xe khổ 1.435mm sang thẳng Trung Quốc.

10
Xếp container lạnh vận chuyển vải thiều tươi xuất khẩu lên tàu liên vận quốc tế sang Trung Quốc.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện xuất khẩu vải thiều tươi bằng tàu hàng liên vận quốc tế, bà Nguyễn Thị Phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Bằng Thủy (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) hào hứng: "Năm nay có thêm hình thức xuất khẩu bằng đường sắt, thuận tiện về thủ tục thông quan, chở được nhiều hơn nên tiêu thụ được nhanh hơn, vải tươi khi đến khách hàng đảm bảo được chất lượng tươi, ngon".

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho hay, xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt có thể đưa mặt hàng này đi sâu vào nội địa rộng lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, từ đó đi các nước khác. Hơn nữa, vào thời điểm chính vụ, sẽ giảm được áp lực cho các cơ quan hải quan, biên phòng trên các tuyến đường bộ qua cửa khẩu hay bị ách tắc.

Một doanh nghiệp chuyên dịch vụ logistics hàng xuất nhập khẩu cho hay, vận tải đường sắt với lợi thế chở được nhiều, giá thành ổn định, không phụ thuộc vào chính sách biên mậu như đường bộ đã là giải pháp vận chuyển tối ưu đối với hàng nông sản, nhất là trái cây tươi khi vào vụ.

Mặt khác, Trung Quốc - nước nhập khẩu lớn trái cây, nông sản Việt Nam hiện đang siết các quy định nhập khẩu loại mặt hàng này, yêu cầu cao đối với nhập khẩu chính ngạch. Trong khi vận chuyển hàng nông sản tươi "ép" về thời gian rất nhiều, nhất là hàng trái cây tươi.

"Ngày càng có nhiều địa phương, doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu bằng đường sắt. Quan trọng là đường sắt phải có được giải pháp vận chuyển tối ưu về thời gian, giá thành", doanh nghiệp này cho hay.

Chi phí vận tải chưa bằng một nửa đường bộ

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, để vận chuyển nông sản khô xuất khẩu như chè khô, tinh bột sắn, đường sắt có nhiều loại phương tiện, toa xe đáp ứng nhu cầu của khách hàng như container thường, xe GG mui kín...

Tuy nhiên, hướng đến của đường sắt hiện nay và cũng là nhu cầu của khách hàng là vận chuyển nông sản tươi xuất nhập khẩu vì mang lại doanh thu tốt hơn. Ví dụ, giá vận chuyển một container hàng khô tuyến Bắc - Nam chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/một vòng quay, nhưng giá vận chuyển một container hàng trái cây tươi có thể thu 35 triệu đồng/một chiều.

11
Đường sắt tổ chức nhiều giải pháp vận chuyển hàng nông sản để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu (Ảnh: Tàu container Bắc - Nam).

Chính vì vậy, để thu hút khách hàng đến với đường sắt, đường sắt phải xây dựng các giải pháp vận chuyển container lạnh, nhất là khi vào vụ xuất khẩu trái cây tươi. Khi đó, tại cửa khẩu đường bộ khu vực Lạng Sơn, bình thường chỉ cho khoảng 700 xe/ngày thông quan, cao điểm có thể lên đến 1.200-1.400 xe/ngày mặc dù các lực lượng chức năng đã làm thêm giờ, mở cửa khẩu thêm giờ. Trong khi đó, nhu cầu thậm chí lên đến 2.000 xe.

Về giá thành, khi thấp điểm, một container đi đường bộ từ phía Nam ra cước trên dưới 60 triệu đồng, khi cao điểm có thể đến 100-120 triệu đồng. Trong khi đi bằng đường sắt, cước chỉ trên 40 triệu đồng, bao gồm chi phí nâng hạ, vận chuyển đường ngắn hai đầu. Vì vậy, nếu đường sắt có phương tiện, giải pháp tổ chức vận chuyển tốt sẽ đáp ứng được nhu cầu lúc này.

Thời gian qua, đường sắt đã thuê vỏ container lạnh tự phát điện tiêu chuẩn của Trung Quốc để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đồng thời có thể xuất đi sâu nội địa Trung Quốc cũng như sang nước thứ ba. Hàng có thể được vận chuyển trên cả đoàn tàu khoảng 20 container, tương đương với 20 xe đầu kéo container từ Nam ra Bắc, lên biên giới. Từ đây, hàng có thể dỡ xuống tàu, đi tiếp bằng đường bộ qua cửa khẩu, hoặc đi thẳng qua cửa khẩu ga đường sắt sang Trung Quốc.

Còn đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, để có thể triển khai tuyến vận tải hàng nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu bằng container lạnh Sóng Thần - Đồng Đăng, doanh nghiệp này đã phải xây dựng quy trình vận chuyển riêng.

Vì vận chuyển bằng container lạnh tiếp điện, đơn vị phải chuẩn bị đường điện tiếp điện cho container, kéo theo toa xe bưu vụ chở máy phát điện trong đoàn tàu. Trong quá trình chạy phải có nhân viên kĩ thuật điện, nhân viên điện lạnh đi theo để có phát sinh sự cố điện thì xử lý kịp thời, container duy trì được nguồn điện, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Cùng đó phải ban hành quy trình về nối hệ thống điện, quy trình giải quyết sự cố hàng hóa.

"Với giải pháp này, chúng tôi đã được khách hàng Trung Quốc tin tưởng hợp tác. Họ là người chuẩn bị được nguồn hàng ổn định, gom hàng từ các chủ vựa trái cây miền Nam về ga Sóng Thần, khi đến lịch chạy tàu là có đủ hàng để vận chuyển. Chiều ngược lại, tàu vận chuyển hàng trái cây Trung Quốc như nho tươi, tỏi tươi từ Lào Cai vào Sóng Thần", vị đại diện nói.

Hàng chính ngạch, chất lượng cao

Đại diện Ratraco cho biết, hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc đi bằng đường biển rất nhiều. Khi sang Trung Quốc sẽ về các chợ đầu mối, nhưng tập trung về các cảng dọc duyên hải từ Hạ Môn đến Thượng Hải. Tuy nhiên, với hàng trái cây tươi thì đường biển không phải là lựa chọn hàng đầu vì thời gian vận chuyển đường biển lâu trong khi thời hạn với trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam ngắn, tối đa chỉ khoảng 25-27 ngày tính từ lúc thu hoạch cho đến lúc lên được kệ bán hàng.

12
Theo các doanh nghiệp vận tải đường sắt, hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sẽ mang lại giá trị hàng hóa cao hơn, đi sâu được nội địa Trung Quốc hoặc sang nước thứ ba (Ảnh: Tàu liên vận quốc tế rời ga Đồng Đăng sang Trung Quốc).

Phía doanh nghiệp Trung Quốc khi chọn vận chuyển bằng đường biển cũng phải chấp nhận nếu đúng hạn thì bán trái cây tươi, nếu quá hạn thì chuyển sang hình thức chế biến khác như sấy khô hoặc làm nước ép...

Do đó, vận chuyển đường sắt là giải pháp hiệu quả về thời gian. Tuy nhiên, yêu cầu hàng nông sản tươi, trái cây đi bằng đường sắt phải là hàng chính ngạch và phải đáp ứng yêu cầu khắt khe từ mã vùng trồng đến quy cách đóng gói.

Ví dụ, với vải thiều tươi, phía Trung Quốc yêu cầu chùm vải thì cuống chỉ được dài 10cm, không được có lá; dây buộc phải là dây thít nhựa, không dùng dây lạt, để tránh khả năng chứa vi khuẩn. Vì thế, đường sắt đã xây dựng thành quy trình, các bước làm gì, yêu cầu của hải quan, yêu cầu của phía Trung Quốc, yêu cầu về quy cách đóng gói... gửi các doanh nghiệp xuất khẩu vải.

"Đi bằng đường bộ, nếu hàng sai quy cách có thể lực lượng chức năng yêu cầu đưa hàng ra một góc, lúc đó có thể lọc qua, sàng lại để hàng đáp ứng yêu cầu, cho nhập khẩu. Nhưng nếu đi bằng đường sắt, hàng mà sai quy cách là yêu cầu "quay đầu" về Việt Nam.

Vì thế, hàng đi bằng đường sắt chỉ phù hợp với doanh nghiệp xuất hàng chuẩn chỉ, làm "thật" và tìm thị trường cung cấp cao cấp hơn vì khi đó giá thành hàng hóa sẽ cao hơn so với đi bằng đường bộ, lợi nhuận thu về cũng tốt hơn", đại diện Ratraco nói.

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, các mặt hàng nông sản vận chuyển bằng tàu container lạnh tuyến Sóng Thần - Đồng Đăng là hàng chính ngạch, chất lượng cao, thường chỉ bán tại siêu thị. Như một container sầu riêng giá trị hàng hóa lên đến 4 tỷ đồng.

"Giá trị hàng hóa cao, đi đường dài thì giá vận chuyển mới tốt. Đường sắt hướng đến vận chuyển, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng hướng đến các sản phẩm này để đem lại hiệu quả cao", vị đại diện cho hay.

Kỳ Nam / Báo Giao thông