Những chuyến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam của các chủ tịch FIFA, cho đến nay đều đến với mục đích giúp đỡ bóng đá VN phát triển và những nhận định khen ngợi VFF, thực chất chỉ mang tính ngoại giao và khích lệ
Sáng 8-2, Chủ tịch FIFA Infantino đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, theo một phần kế hoạch của FIFA để tìm hiểu thêm về sự phát triển của các liên đoàn bóng đá thành viên. Dựa trên đó, FIFA sẽ xây dựng các dự án và chương trình hỗ trợ.
Chủ tịch FIFA G.Infantino khen ngợi các tuyển thủ U23 Việt Nam
Lần gần nhất Chủ tịch FIFA đến thăm và làm việc tại Việt Nam cách đây cũng đã 10 năm. Chuyến viếng thăm VN của Chủ tịch FIFA khi đó là ông J.S.Blatter diễn ra không đầy 24 giờ. Đó cũng là lần thứ ba ông Blatter đến Việt Nam sau lần đầu vào năm 1999 và lần thứ hai là vào năm 2001.
FIFA dưới thời ông Blatter làm chủ tịch đã hỗ trợ hàng triệu USD thông qua các dự án mục tiêu nhằm cải thiện hệ thống cơ sở vật chất cùng khoản kinh phí giúp VFF trang trải các hoạt động. Cụ thể là trong giai đoạn 1 của dự án Goal mà FIFA tài trợ cho một số quốc gia đang phát triển, Việt Nam nằm trong hơn 10 nước được duyệt dự án để đầu tư vào công tác đào tạo cầu thủ trẻ - chính thức được triển khai từ năm 1999. Mức đầu tư dành cho dự án Goal là 1 triệu USD/5 năm, trung bình 200.000 USD/năm.
Theo dự án Goal, FIFA tài trợ cho VFF khoản tiền 400.000U SD giai đoạn 2001-2003 và phần lớn số tiền này VFF dùng để xây trụ sở tại 18 Lý Văn Phức, Hà Nội.
Sau đó, sân cỏ nhân tạo thuộc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ được khánh thành vào năm 2008 cũng do FIFA tài trợ với khoản tiền tương đương 500.000 USD. Trong đó, tổng chi phí xây dựng sân cỏ khoảng 140 tỉ đồng, ngân sách nhà nước duyệt chi 100 tỉ.
Cần nhắc lại, trên trang chủ của VFF ngày 31-7-2008, từng đưa tin: Chủ tịch FIFA Sept Blatter từng phát biểu rằng: "VFF đang ngày càng chuyên nghiệp, sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam sẽ tạo nên tiền đề lớn trong quá trình hội nhập với bóng đá thế giới".
Nhắc lại quá khứ và hiện tại để chúng ta hiểu rằng, những chuyến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam của các chủ tịch FIFA, cho đến nay đều đến với mục đích giúp đỡ BĐVN phát triển và những nhận định khen ngợi VFF, thực chất chỉ mang tính ngoại giao và khích lệ.
Tại sao?
Vì rằng số tiền FIFA hỗ trợ VFF phát triển bóng đá trẻ, kết quả ra sao, người dân cả nước đều biết: Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VN ngoài việc không đào tạo được bất kỳ cầu thủ trẻ tài năng nào và là sân tập của các đội tuyển thì lại có thêm chức năng ít liên quan, đỉnh điểm là ông Nguyễn Văn Chương, Quyền giám đốc Trung tâm này, đã kiện 2 lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 7, trong đó có Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, đã nhận tiền của ông, đồng thời cho ông nghỉ việc là sai luật lao động. Cho đến này vụ kiện vẫn còn tiếp diễn và đang được Tòa án Hà Nội thụ lý, xử lý.
Và nữa, 10 năm trước, Chủ tịch FIFA Blatter đánh giá VFF ngày càng chuyên nghiệp thế mà 10 năm sau VFF như thế nào? Bóng đá Việt Nam ra sao? Đội vô địch V-League 2017 không đủ tiêu chuẩn tham gia thi đấu giải vô địch các CLB châu Á (mất suất về tay Thanh Hóa).
Lãnh đạo VFF thừa nhận với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc đối thoại ngày 13-1-2018 là V-League có tiêu cực, hệ thống thi đấu, số lượng các đội tham gia các giải đỉnh cao của BĐVN từ Hạng Nhì, Hạng nhất, V-League bất hợp lý khi số lượng đội tham gia V-League lại nhiều hơn Hạng nhất, khán giả ít đến sân…
Hệ lụy này đã dẫn đến thực trạng buồn: sau lần đăng quang tại AFF Cup 2008, suốt 10 năm qua, đội tuyển quốc gia "trắng tay" trên mọi đầu trường quốc tế.
May cho BĐVN đã có năm 2017 bội thu bóng đá trẻ và đỉnh cao là chiến tích vang dội của đội U23 quốc gia tại giải châu Á 2018. Thế nhưng đây là thành quả của các doanh nghiệp đầu tư bóng đá trẻ từ 10 năm qua, một thành tích của xã hội và rất hiếm có bóng dáng của VFF. Nếu có, đó là hình ảnh phản cảm của 1 nguyên phó Chủ tịch VFF hiện công tác ở bộ phận đối ngoại vào lúc đón mừng đội U23 VN trong ngày vinh quang trở về đất nước và cách trả lời trái chiều nhau của Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký về vụ này.
20 năm qua, BĐVN có Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến, Hữu Thắng, Công Minh… được ví von là thế hệ vàng. Sau đó là Văn Quyến, Quốc Vượng, Tài Em, Minh Phương, Huy Hoàng… một thế hệ cũng rất là tài năng. Và BĐVN được gì và mất gì? Buồn thì nhiều mà vui lại quá ít trong đó rất nhiều vụ các tài năng BĐVN đã bán mình cho quỹ dữ: bán độ trong màu áo CLB và cả đội trẻ quốc gia.
Đây là hệ quả tất yếu của sự quản lý yếu kém của bộ máy điều hành VFF. Nếu chúng ta tiếp tục đi theo lối mòn của 10, 20 năm trước thì thế hệ U23 VN hôm nay cũng sẽ không thể tỏa sang đúng với tiềm năng của họ.
Cũng những con người đó, khi có HLV giỏi, thì thành tích đội U23 VN đã khác. Cho nên, BĐVN rất có tiềm năng, nhưng nếu không thay đổi bộ máy lãnh đạo VFF gồm những người có tầm, có tâm thì BĐVN sẽ không thể phát triển.
Đó là lý do vì sao trong cuộc gặp gỡ tại văn phòng chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói với người viết rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải làm bóng đá sạch, sạch từ trong sân cỏ đến ngoài sân cỏ. Đó cũng là lý do ông Vũ Đức Đam thay mặt chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT và VFF cải tạo triệt để VFF.
Bộ máy lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 8, đặc biệt là Chủ tịch phải là những người bỏ qua cái tôi, đặt lợi ích chung lên trên vì sự phát triển của BĐVN. Bởi nói như ông Vũ Đức Đam, người dân Việt Nam rất yêu bóng đá, người dân Việt Nam vô cùng đáng yêu và BĐVN đã có tiềm năng. Nếu BĐVN không phát triển thì những người lãnh đạo BĐVN sẽ có lỗi rất lớn với người dân.
HLV Park Hang-seo: ‘AFF Cup quan trọng hơn ASIAD’
Trả lời các câu hỏi của truyền thông Hàn Quốc tối 8/2, HLV Park Hang-seo nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá ... |
Chiến thắng của U23 Việt Nam: Đẳng cấp hay phong độ?
Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đạt đến thành tích đỉnh cao như đội U23 tại giải vô địch Châu Á năm 2018. Đã ... |