Ngồi trong nhà hàng ở Büsingen am Hochrhein, trên lãnh thổ Thụy Sĩ, du khách có thể với tay sang Đức để lấy bia.
Nằm ở thượng nguồn sông Rhine, Büsingen am Hochrhein là thị trấn rộng 7,62 km2 với 1.500 dân của Đức nhưng nằm hoàn toàn trong lòng Thụy Sĩ. Vào ngày quốc khánh Thụy Sĩ 1/8, nhiều đội tàu nhỏ, ca nô rộn rã đi dọc bên sông. Người dân và du khách tắm nắng trên bờ. Trên những con đường vắng, một chiếc xe bus chạy vút qua. Mọi thứ đều được trang trí và cắm cờ Thụy Sĩ.
Nơi có sự phân chia rõ ràng nhất về vị trí địa lý này là nhà hàng Waldheim. Khu vực kê bàn để thực khách ăn ngoài trời có kẻ một đường thẳng. Đây là đường phân chia lãnh thổ hai nước. Do vậy, bạn có thể ngồi thưởng thức món schnitzel (thịt bê thái mỏng, tẩm bột, trứng và vụn bánh mỳ rồi chiên lên) ở Thụy Sĩ, rồi sau đó vươn tay sang Đức lấy một vại bia. Thực tế, cái với tay ấy chỉ là khoảng cách giữa 2 đầu bàn.
Một đường đánh dấu biên giới đi ngang qua khu vực kê bàn ăn của nhà hàng Waldheim. Điều này khiến bạn có thể ăn tối ở hai quốc gia cùng lúc. Ảnh: BBC. |
Nhưng điều thú vị chưa dừng lại ở đó, người dân ở đây đều sử dụng đồng franc Thụy Sĩ. Hàng ngày, trẻ em cấp một sẽ đến một trường học địa phương ở Đức, nhưng khi lên trung học, cha mẹ sẽ quyết định xem con mình học ở nước nào. Người dân Büsingen có mã điện thoại, bưu chính của hai nước. Người gọi có thể quay số bằng mã vùng Đức (+49) hoặc Thụy Sĩ (+41), khi gọi cho họ. Đặc biệt, đội bóng của thị trấn cũng là câu lạc bộ duy nhất của Đức được phép chơi ở giải Vô địch quốc gia Thụy Sĩ.
Với người dân Đức từ nơi khác đến Büsingen, họ cũng bị bối rối. Sarah Biernat là một ví dụ. Cô sống ở thành phố Singen, cách thị trấn 30 phút lái xe và làm việc trong một khách sạn ở đây. Mỗi ngày cô đều vượt qua biên giới quốc tế 4 lần. Ngày đầu tiên đi làm, điều cô bất ngờ nhất là dùng đồng franc Thụy Sĩ giao dịch với khách hàng, dù vẫn đang ở Đức.
Người dân trong thị trấn sử dụng cả hai số điện thoại của hai quốc gia. Trong trường hợp khẩn cấp, thường thì cảnh sát Thụy Sĩ luôn đến trước. Ảnh: BBC. |
Büsingen từng là lãnh thổ của Áo. Năm 1805, nó trở thành một phần lãnh thổ của Đức theo hoà ước Pressburg. Năm 1918, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tại một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở Büsingen, 96% người dân thể hiện mong muốn trở thành một phần của Thụy Sĩ. Tuy vậy, không có sự chuyển đổi nào xảy ra sau đó.
Büsingen cũng là một điểm du lịch hấp dẫn khách quanh năm với đường mòn Exclave, nơi có 11 điểm dừng để ngắm cảnh trên sông, thác Rheinfall và đặc biệt là các cột mốc đánh dấu biên giới.
Một điểm dừng chân khác thu hút du khách là bức tranh vẽ trên tường của tòa thị chính. Trong tranh là chân dung một người đàn ông mỉm cười, tay cầm cờ Đức và trong túi áo khoác cắm cờ Thụy Sĩ.
Bức ảnh người đàn ông cầm cờ của hai nước nhằm nói đến vị trí địa lý thú vị của thị trấn. Ảnh: BBC. |
Tại Việt Nam, nhiều công ty lữ hành tổ chức bán tour du lịch Đông Âu gồm sáu nước, có đi qua Thụy Sĩ. Hành trình 15 ngày 14 đêm có giá tour từ 76 triệu đồng. Du khách phải xin visa khi tới đây.
Từ sân bay Zurich, du khách chỉ mất khoảng 50 phút đi tàu tới thị trấn Schaffhausen (Giá vé 22-40 USD). Sau đó, bạn bắt xe bus đi mất 10 phút là đến nơi (Giá vé 2-3 USD). Ngoài ra, bạn có thể thuê xe tự lái, thời gian từ sân bay đến thị trấn khoảng 40 phút, tiền xăng mất khoảng 7-11 USD.
Anh Minh (Theo BBC)
Thụy Sĩ đồng ý dẫn độ nhà khoa học Trung Quốc sang Mỹ
Nhà nghiên cứu gốc Hoa có thể bị Thụy Sĩ dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc thông đồng với em gái đánh cắp các ... |
Đến lượt Thụy Sĩ bị lôi vào căng thẳng Mỹ-Trung Quốc
Thụy Sĩ đang bị lôi kéo vào căng thẳng Mỹ - Trung sau khi Washington bắt đầu tiến trình dẫn độ liên quan đến một ... |