Nỗ lực thu hồi lãnh thổ bị xâu xé của quân đội chính phủ Syria

Quân đội Syria sắp tấn công vào Idlib trong nỗ lực giành lại những phần lãnh thổ bị phiến quân và phe đối lập kiểm soát nhiều năm qua.

no luc thu hoi lanh tho bi xau xe cua quan doi chinh phu syria
Tình hình kiểm soát lãnh thổ Syria đầu tháng 9/2018. Đồ hoa: BBC.

Không quân Nga và Syria trong hai ngày qua liên tiếp dội bom xuống các mục tiêu ở Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở miền bắc nước này. Đây dường như là tín hiệu báo trước một cuộc tổng tiến công lớn nhằm giải phóng Idlib, trong nỗ lực của quân đội chính phủ Syria giành lại những phần lãnh thổ từng để mất vào tay phe nổi dậy và các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Trước khi nội chiến nổ ra, Syria là quốc gia có chủ quyền với diện tích hơn 185.000 km vuông, do chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy khởi phát từ phong trào Mùa xuân Arab đã làm chiến sự bùng nổ và kéo dài suốt 7 năm, tạo điều kiện cho các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy và tranh giành quyền kiểm soát địa bàn, theo Reuters.

Hoạt động của các nhóm nổi dậy cùng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhiều nhóm vũ trang được nước ngoài hậu thuẫn khác từng khiến quân đội chính phủ thiệt hại nặng nề, liên tiếp để mất các lãnh thổ chiến lược vào tay kẻ thù.

Đến đầu năm 2015, lực lượng của Tổng thống Assad chỉ còn kiểm soát chưa đầy 20% lãnh thổ quốc gia, chủ yếu co cụm xung quanh thủ đô Damascus. Tuy nhiên, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga từ tháng 9/2015 đã giúp quân đội Syria "hồi sinh", củng cố lực lượng và từng bước giành lại nhiều vùng lãnh thổ lớn từ tay phiến quân.

Sau nhiều chiến dịch phản công lớn, quân đội Syria đã thu hồi tỉnh Aleppo từ tay quân nổi dậy, đánh bại phiến quân IS ở các thành trì lớn, sau đó giải phóng khu vực rộng lớn ở biên giới phía nam.

Đến nay, quân đội chính phủ Syria đã kiểm soát hơn một nửa diện tích Syria, trong đó có nhiều vùng đông dân cư, các thành phố chính, khu vực duyên hải giáp Địa Trung Hải, vùng biên giới giáp Lebanon và Jordan. Sa mạc miền trung Syria và các mỏ dầu chính cũng nằm trong tay chính quyền Damascus.

Tuy nhiên, lãnh thổ Syria vẫn đang bị xâu xé bởi các lực lượng, thế lực khác nhau và khó có thể thống nhất trong thời gian ngắn.

Idlib

Idlib được coi là thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy, sau khi liên tiếp bị đánh bại ở Aleppo và khu vực miền nam. Đây là tỉnh giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các nhóm vũ trang nhận được sự hậu thuẫn lớn về vũ khí, hậu cần của Ankara nhằm mục đích chống lại chính quyền Assad.

Phe nổi dậy thuộc Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hiện kiểm soát khoảng 40% diện tích tỉnh Idlib. Các nhóm vũ trang khác chiến đấu dưới lá cờ Quân đội Syria Tự do (SFA) đang giữ các khu vực nhỏ thuộc tỉnh Latakia, Hama và Aleppo lân cận.

Lực lượng mạnh nhất tại Idlib là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), liên minh Hồi giáo cực đoan có tiền thân là Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Syria. Sau nhiều lần hợp nhất và đổi tên, Tahrir al-Sham vẫn bị Liên Hợp Quốc, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách các nhóm khủng bố.

HTS hiện có 10.000-30.000 tay súng, chủ yếu là các phần tử cực đoan đến từ khắp nơi trên thế giới, kiểm soát khoảng 60% diện tích tỉnh Idlib. Nhóm này được cho là đã khước từ mọi đề xuất đàm phán hòa bình và tuyên bố sẽ chống lại quân đội Syria đến cùng ở Idlib.

Khu vực Idlib ban đầu có dân số khoảng 3 triệu người, nhưng hơn một nửa trong số đó đã phải sơ tán để tránh chiến tranh. Trong hai năm qua, khoảng 500.000 người cùng các tay súng nổi dậy bị đánh bại ở các thành trì khác đã sơ tán đến đây theo thỏa thuận ngừng bắn với quân đội chính phủ.

Hồi năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đồng ý biến Idlib thành "vùng giảm căng thẳng" để hạn chế xung đột. Tuy nhiên, điều khoản đàm phán không được công bố, các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng không được nhắc tới trong nội dung thỏa thuận ngừng bắn.

Nếu tái chiếm được Idlib, quân đội Syria đã gần như xóa sổ lực lượng nổi dậy và giành lại được địa bàn có vị trí chiến lược, đồng thời đạt dấu mốc mới trong nỗ lực thống nhất lãnh thổ.

Afrin

Nằm giữa biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và tỉnh Idlib là khu vực Afrin, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm phiến quân người Turk thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần đưa quân vào lãnh thổ Syria trong năm 2016 và 2018 để hỗ trợ các nhóm phiến quân, xây dựng một vùng đệm dọc biên giới hai nước từ thành phố Afrin, phía tây Syria đến sông Euphrates ở miền đông.

Ankara giúp nhóm phiến quân xây dựng cơ quan hành chính và lực lượng an ninh địa phương, mở trường học và bệnh viện, cũng như thành lập hệ thống bưu chính và nhiều dịch vụ công cộng. Dù các phe phái đối lập tại đây có quan điểm chống chính quyền Assad, họ chưa từng xung đột trực tiếp với quân đội chính phủ từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đổ quân vào Syria.

no luc thu hoi lanh tho bi xau xe cua quan doi chinh phu syria
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tới Manbij hồi đầu năm nay. Ảnh: Sputnik.

Tương tự Idlib, khu vực này cũng trở thành điểm đến lý tưởng cho các tay súng và người thân sau khi đầu hàng quân chính phủ, đặc biệt là từ vùng Đông Ghouta.

Nhiều nhóm dân quân người Kurd cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chính sách định cư cho cư dân từ khu vực khác, trong đó sử dụng nhà cửa và tài sản của cộng đồng người Kurd sơ tán trước chiến dịch tại Afrin hồi tháng 2/2018. Cả Ankara và các nhóm phiến quân đều bác bỏ cáo buộc này.

Al-Tanf

Tình báo Mỹ từng huấn luyện, cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy "ôn hòa" Syria để chống lại chính quyền Assad, nhưng phải chấm dứt sau khoảng một năm do không thu được nhiều kết quả như kỳ vọng.

Mỹ từ năm 2016 hỗ trợ nhóm Maghawir al-Thawra kiểm soát khu vực Al-Tanf nằm sâu trong vùng sa mạc gần biên giới giáp Jordan và Iraq. Lầu Năm Góc cho xây dựng một căn cứ quân sự tại đây và triển khai lực lượng để huấn luyện phiến quân và bảo vệ căn cứ.

Căn cứ này nằm gần tuyến cao tốc Damascus-Baghdad, trở thành mục tiêu chiến lược cho chính quyền Tổng thống Assad. Tuy nhiên, Mỹ đang duy trì vành đai tương đối rộng quanh Al-Tanf, sẵn sàng tấn công mọi lực lượng định tiếp cận căn cứ hoặc sử dụng tuyến cao tốc này.

Đông bắc Syria

Khi nội chiến nổ ra, quân đội Syria phải rút khỏi khu vực đông bắc để lui về bảo vệ các vị trí trọng yếu và thủ đô Damascus. Nhân tình hình này, lực lượng dân quân người Kurd (YPG) bung ra kiểm soát khu vực rộng lớn ở đông bắc Syria.

Khi IS trỗi dậy vào năm 2014, YPG hợp tác với nhiều nhóm vũ trang và nhận sự hỗ trợ từ Mỹ để chống trả IS. Kết quả là sự ra đời của SDF, liên minh giữa người Kurd và các tay súng Arab được Mỹ hậu thuẫn.

no luc thu hoi lanh tho bi xau xe cua quan doi chinh phu syria
Các tay súng SDF trong một cuộc ra quân giữa năm 2017. Ảnh: Reuters.

Theo thỏa thuận được ký kết giữa Nga và Mỹ, sông Euphrates chảy từ Thổ Nhĩ Kỳ xuống miền trung Syria được coi là ranh giới tự nhiên phân chia địa bàn hoạt động giữa không quân Nga, quân đội Syria với SDF.

SDF đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria ở phía đông sông Euphrates, gồm cả thành trì lớn nhất của IS là thành phố Raqqa, cũng như những mỏ dầu lớn nhất tại quốc gia này.

Khu vực trong tay IS

IS từng kiểm soát phần lớn khu vực phía đông Syria. Tuy nhiên, hàng loạt chiến dịch tấn công của quân đội chính phủ Syria cũng như SDF đã thu hẹp vùng kiểm soát của tổ chức khủng bố này.

IS hiện chỉ còn kiểm soát một dải đất nhỏ dọc bờ bắc sông Euphrates gần biên giới Iraq và một số vùng sa mạc miền trung Syria. Tuy nhiên, IS vẫn nhiều lần tổ chức tấn công bất ngờ và gây thương vong cho các lực lượng khác, bất chấp việc mất đi lợi thế và các vùng đất nhiều tài nguyên.

no luc thu hoi lanh tho bi xau xe cua quan doi chinh phu syria Nỗ lực ngăn cuộc chiến đẫm máu ở thành trì phiến quân Syria

Thổ Nhĩ Kỳ có một tháng để thuyết phục phiến quân đầu hàng nhằm tránh đụng độ với quân đội Syria, nhưng dường như không ...

no luc thu hoi lanh tho bi xau xe cua quan doi chinh phu syria Quân đội chính phủ Syria và lực lượng người Kurd bất đồng vụ lập căn cứ Mỹ

Căng thẳng giữa Damascus và các lực lượng dân quân Kurd ở miền Bắc Syria đang gia tăng trong bối cảnh nổi lên thông tin ...

/ VnExpress