Nợ công/GDP Việt Nam tăng nhanh: Vì sao?

TS Lưu Bích Hồ chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ công/GDP tăng nhanh và cảnh báo đừng để vòng xoáy của những năm trước quay trở lại.

Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng nhanh và cũng là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua). WB dự báo, áp lực trả nợ của Việt Nam sẽ lớn trong 3 năm tới.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển khẳng hay, số liệu mà WB đưa ra hoàn toàn có thể tin cậy được vì chúng được tính toán theo phương pháp tính quốc tế. Đặc biệt, sổ nợ công của WB không chỉ liên quan đến Việt Nam mà còn liên quan đến các đối tác cho Việt Nam vay và họ thẩm định trên số liệu đó. Chính vì thế, không có gì đáng nghi ngờ ở những con số này.

Vấn đề ở chỗ, tỷ lệ trả nợ đến hạn trên tổng ngân sách chi của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng lên vì có những khoản vay ODA, vay thương mại, nhất là vay ODA đã đến hạn trả nợ. Tỷ lệ này hiện nay chiếm khoảng 25-26% chi ngân sách và sẽ ngày càng ngày cao.

Trả lời câu hỏi: Vì sao tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng nhanh và ngày càng cao?, TS Lưu Bích Hồ chỉ ra căn nguyên của tình trạng này là do mô hình tăng trưởng của Việt Nam chậm chuyển đổi, vẫn chủ yếu dựa vào vốn. Việc dùng vốn để đầu tư không hiệu quả như mong muốn, nhất là lại đem đầu tư vào kết cấu hạ tầng và DNNN khiến hiệu quả càng thấp.

Một lý do khác được ông đưa ra liên quan đến vấn đề quản lý. Từ chủ trương đến quyết định phê duyệt, thẩm định, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thực hiện đều không tốt nên để đầu tư không hiệu quả, nhiều công trình, dự án đắp chiếu, thua lỗ.

no conggdp viet nam tang nhanh vi sao
Nợ công Việt Nam tăng nhanh

"Chỉ có chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm bớt tỷ lệ sử dụng vốn để tăng tỷ lệ sử dụng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh... thì vấn đề nợ công mới bớt căng thẳng.

Việt Nam đã đề ra chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng cả chục năm nay, thậm chí đã bàn và đưa vào văn bản rồi. Về nhận thức như thế là sớm, nhưng thực hiện lại chậm. Còn vì sao thực hiện chậm thì cũng có phần do nhận thức chưa tốt.

Về cách xử lý, khi chúng ta thấy được vấn đề rồi lại có bao nhiêu chuyện liên quan đến luật pháp, cơ chế. Việt Nam đã liên tục xây dựng và sửa đổi, chẳng hạn Luật Đầu tư công vừa ban hành được gần 3 năm đến kỳ họp Quốc hội này lại phải sửa. Việc sửa này do vấn đề lập pháp, thể chế của Việt Nam chưa thật tốt. Và quan trọng nhất là quá trình điều hành kết hợp với quản lý để thất thoát, trong đó có tham nhũng, lợi ích nhóm", TS Lưu Bích Hồ chỉ rõ.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển khẳng định, tất cả những nguyên nhân trên đều đã được phơi bày ra. Vấn đề cần quan tâm là tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã sát trần và sắp tới có thể sẽ vượt trần. Mức trần mà Việt Nam quy định (65% GDP) so với các nước thực ra chưa phải là cao nhất, bởi có nước lên 80-90%, thậm chí hơn 100%. Nhưng quan trọng là các nước có khả năng trả nợ, còn Việt Nam không có khả năng trả nợ như họ nên thách thức và rủi ro của Việt Nam lớn.

Cách giải quyết tình trạng trên, theo vị chuyên gia, là vẫn phải nương theo các nguyên nhân đã thấy để xử lý từng cái. Trước mắt, phải xiết lại việc tiếp tục vay nợ. Kế hoạch đầu tư trung hạn các dự án đã phải giãn bớt, hiện đang thiếu vốn để giải ngân khá nhiều dự án, tất nhiên cũng có phần có vốn mà không giải ngân được nhưng đó là chuyện khác.

"Những vấn đề WB nêu ra sẽ tác động đến các đối tác đang cho Việt Nam vay nợ. Các đối tác sẽ e ngại, không phải chỉ là vấn đề tình hình kinh tế Việt Nam tốt hay không tốt mà hiệu quả phát triển của Việt Nam chưa tốt, điều này sẽ khiến họ e ngại", TS Lưu Bích Hồ nhận định.

Đừng để vòng xoáy cách đây mấy năm quay lại

Trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt 6,7%. Một trong những biện pháp đó là nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21%.

Về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ thẳng thắn nói rằng, Việt Nam đang ở trong vòng luẩn quẩn và đừng bao giờ để vòng xoáy cách đây mấy năm quay trở lại.

"Sau khi vòng xoáy những năm 2008-2011 xảy ra, mãi 1-2 năm trở lại đây Việt Nam mới tạm ổn định. Nhưng dòng xoáy ấy mới tạm ổn định mà thôi, còn thực sự Việt Nam vẫn đang đương đầu với vấn đề tăng trưởng bất ổn định và giảm tăng trưởng. Trong khi đó, điều quan trọng là tăng trưởng phải bảo đảm ổn định vĩ mô và ổn định vĩ mô là để tăng trưởng tốt, có chất lượng.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ, việc tăng vốn tín dụng để tăng trưởng sẽ không đảm bảo được hiệu quả cho tăng trưởng trong khi cái giá phải trả quá lớn, đó là khả năng lạm phát tăng tốc và nợ xấu tích lũy cao. Chưa kể dẫu có tăng tiền thì nền kinh tế cũng khó hấp thụ được.

Chỉ số PMI tháng 9 tăng mạnh, đạt 53,3 điểm, nhưng đó là do số đơn đặt hàng mới tăng lên, chứ không phải là toàn bộ người sản xuất. Người sản xuất đang phải đương đầu với nhiều vấn đề: trước hết phải giải quyết được nợ thì mới vay được; vay xong sản xuất có bán được không; lãi suất vẫn còn cao liệu họ có chịu được? rủi ro của doanh nghiệp và ngân hàng rất lớn.

Những bài học cay đắng được cảnh báo ở trên, rõ ràng Việt Nam biết nhưng vì sao vẫn phải làm?", TS Lưu Bích Hồ đặt câu hỏi.

no conggdp viet nam tang nhanh vi sao Trung Quốc tiếp tục \'bơm\' thêm nợ vào nền kinh tế

Trung Quốc đang lên kế hoạch \'bơm\' thêm tín dụng vào nền kinh tế, bất chấp nhiều lo ngại về núi nợ khổng lồ của ...

no conggdp viet nam tang nhanh vi sao Trung Quốc sắp lần đầu vỡ nợ trái phiếu chính phủ địa phương

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch dự báo Trung Quốc có thể chứng kiến đợt vỡ nợ trái phiếu chính phủ địa phương lần đầu ...

no conggdp viet nam tang nhanh vi sao Nợ công lên đến hơn 2 triệu tỷ đồng, tương đương 61% GDP

Nợ công năm 2015 tương đương 61% GDP. Trong khi đó nợ công năm 2011 mới chỉ là 54,9% GDP. Nợ chính phủ bảo lãnh ...

(http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/no-conggdp-viet-nam-tang-nhanh-vi-sao-3344882/)

/ Theo Thành Luân/Đất Việt