Niềm tin vào bước ngoặt tại COP28

Tiếng vỗ tay đã vang lên trong khán phòng Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) khi lần đầu tiên thỏa thuận loại bỏ nhiên liệu hóa thạch được thông qua. Quốc tế dành nhiều lời hoan nghênh và đánh giá cao cột mốc mang tính lịch sử này, đồng thời gợi mở tương lai triển khai thỏa thuận một cách toàn diện.

qt.jpg -0
Quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao thỏa thuận lịch sử mà Hội nghị COP28 đạt được. Ảnh: Reuters

Trong những tuyên bố ngay sau hội nghị, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là điều không thể tránh khỏi, và kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch phải kết thúc bằng công lý và bình đẳng. Tổng Thư ký LHQ cảnh báo việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong bước ngoặt của Thỏa thuận Paris năm 2015, sẽ không thể thực hiện được nếu không loại bỏ dần tất cả các nhiên liệu hóa thạch, và điều này đang được công nhận mạnh mẽ hơn bởi nhiều quốc gia hơn.

Trích dẫn việc các nhà đàm phán tại COP28 nhất trí về các cam kết tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030, Tổng Thư ký ghi nhận những tiến bộ nổi trội mà hội nghị đã đạt được liên quan đến khả năng thích ứng và cam kết tài chính, bao gồm cả việc vận hành Quỹ tổn thất và thiệt hại dù vẫn còn ở mức hạn chế.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi thỏa thuận này là một "cột mốc lịch sử" và ca ngợi các quốc gia "lần đầu tiên cam kết chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch gây nguy hiểm cho hành tinh và con người". Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry trước đó cũng hoan nghênh tinh thần hợp tác của các bên tại COP28, nhấn mạnh rằng Tuyên bố chung của COP28 đã gửi đi những thông điệp rất mạnh mẽ đến thế giới về việc phải tuân thủ mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C. “Đó là sao Bắc Đẩu và do đó chúng ta phải làm những điều cần thiết để để đạt được mục tiêu này”, ông nói.

Đồng tình với nhận định này, Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeaul khẳng định COP28 đã đạt được thỏa thuận lịch sử bởi “nó mang lại cơ hội cho hành động ngắn hạn và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sạch, tương thích và an toàn, với chi phí phải chăng”. Trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen chúc mừng thành công hội nghị và cho rằng thỏa thuận hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên hậu hóa thạch. Trưởng đoàn Trung Quốc tham dự COP28, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Triệu Anh Dân cũng đánh giá, thoả thuận đã phản ánh rõ nét nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như thể hiện mong muốn của các bên trong việc kiên trì chủ nghĩa đa phương.

Những phản ứng của quốc tế được đưa ra sau khi Hội nghị COP28 ngày 13/12 (giờ địa phương) thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Sau 2 tuần đàm phán khó khăn, dự thảo thỏa thuận này đã nhận được sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị COP28. Mặc dù đã trải qua 28 năm, nhưng đây mới là lần đầu tiên, tại COP28, thế giới có một văn bản chính thức nhìn nhận việc rời xa các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ là một xu thế không thể khác nếu muốn ngăn chặn những hệ quả của biến đổi khí hậu. Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ may tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.

Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận này mới chỉ là điểm khởi đầu và vẫn còn những hoài nghi tồn tại. Theo Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva, điều quan trọng là các nước phát triển phải đi đầu trong quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, bởi sự đồng thuận có được tại COP28 mới chỉ thể hiện một bước ngoặt trong nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và vẫn còn một con đường dài để hiện thực điều đó.

Bộ trưởng Khí hậu Senegal Madeleine Diouf lại cho rằng thỏa thuận mới đang phản ánh tham vọng thấp nhất mà chúng ta có thể chấp nhận  - hơn là những gì chúng ta biết là cần thiết - để giải quyết khẩn cấp cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra. Quan chức này nhận định thỏa thuận đạt được tại COP28 nhấn mạnh khoảng cách lớn giữa nhu cầu của các nước đang phát triển và nguồn tài chính sẵn có.

Nhận định sâu hơn về vấn đề này, Giám đốc Khí hậu LHQ Simon Stiell đánh giá, “những bước tiến thực sự” đã được thực hiện tại COP28 nhưng các sáng kiến được công bố tại Dubai là “huyết mạch hành động vì khí hậu chứ không phải là vạch đích”.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/niem-tin-vao-buoc-ngoat-tai-cop28-i717050/

 

An Nhiên / cand.com.vn