- Xóa một “điểm mù” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
- Tạo xung lực cho các mục tiêu chống biến đổi khí hậu
- EU cải cách thị trường các bon: Bước tiến lớn chống biến đổi khí hậu
Chống biến đổi khí hậu là một cuộc chiến gian nan đòi hỏi cần phải có sự chung sức đồng lòng của toàn thế giới cũng như mỗi quốc gia, trong đó không thể thiếu nguồn tài chính hùng hậu mà cố gắng của khu vực nhà nước thôi chưa đủ, còn rất cần sự vào cuộc, tham gia có trách nhiệm của khu vực tư nhân.
Nhiều thách thức trong đó có thách thức về huy động nguồn tài chính cho “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu tại COP28 diễn ra ở UAE từ cuối tháng 11 này |
Lo không đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến diễn ra tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày
30-11 đến 12-12 tới được xem là cơ hội quan trọng để các nước đẩy nhanh hành động nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tại COP28, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng nhau đánh giá tiến trình hiện thực hóa cam kết của các nước để đạt được những mục tiêu tham vọng theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Một trong những nội dung quan trọng nhất, vạch ra mục tiêu hướng tới của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu theo hiệp định trên là giới hạn tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và nỗ lực sao cho nhiệt độ bề mặt Trái đất vào giữa thế kỷ này không tăng cao quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các báo cáo nghiên cứu mới đây cho thấy, cộng đồng quốc tế đang chệch hướng mục tiêu 1,5 độ C được đặt ra.
Theo nghiên cứu được công bố ngày 2-11 trên tạp chí Oxford Open Climate Change, biến đổi khí hậu đang gia tăng và nhiệt độ Trái đất trong thập kỷ này sẽ tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Đại học Colombia thực hiện đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy, mục tiêu ngăn nhiệt độ bề mặt Trái đất không vượt quá 1,5 độ C gần như đã nằm ngoài tầm với.
Dù nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ các nhà khoa học khí hậu khác, song nghiên cứu trên cũng đưa ra những nhận định quan trọng vào thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị thảo luận về chính sách toàn cầu nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính tại COP28 sắp diễn ra. Trước đó, một nghiên cứu khác về biến đổi khí hậu công bố trên tạp chí Nature cuối tháng 10 vừa qua cũng cho thấy, thế giới sẽ cần đạt mục tiêu đưa lượng khí thải về bằng 0 từ nay đến năm 2034 để có được 50% cơ hội khống chế mức tăng nhiệt dưới 1,5 độ C.
Khuyến khích đầu tư tư nhân chống biến đổi khí hậu
Có thể nói, thế giới đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng trong việc thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong hành động trước khi quá muộn. Một trong những thách thức, trở ngại lớn nhất là huy động nguồn tài chính cho nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế sang phát triển xanh, hạn chế năng lượng hóa thạch và thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo, tuần hoàn.
Liên hợp quốc đầu tháng 11 này đã công bố báo cáo mới cho thấy, các khoản tài trợ quốc tế dành cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển đã giảm trong năm 2021, bất chấp những tác động ngày càng nặng nề của tình trạng này. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), nhiều nước đang phát triển dù là nhóm thải ra ít khí gây hiệu ứng nhà kính nhất gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu nhưng lại là nhóm chịu tác động nặng nề nhất do thời tiết khắc nghiệt, nước biển dâng.
Trong bản đánh giá thường niên về hoạt động cung cấp tài chính chuẩn bị ứng phó biến đổi khí hậu, UNEP nhận thấy tài chính công dành cho các nước đang phát triển giảm 15% xuống còn khoảng 21 tỷ USD vào năm 2021, năm gần nhất có dữ liệu đánh giá. Trong khi đó, các khoản tài chính thường niên mà các nước đang phát triển cần để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu trong thập niên này ước tính tăng lên khoảng 387 tỷ USD.
Trước đó, năm 2009, các nước phát triển giàu có cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển thích ứng và giảm khí thải vào năm 2020. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đến năm 2020, khoản tiền này mới chỉ có 83 tỷ USD.
Một báo cáo do Chính phủ hai nước Anh và Ai Cập cùng thực hiện và công bố mới đây tại Ai Cập cho rằng, tổng nhu cầu tài chính khí hậu hàng năm của các nước đang phát triển sẽ đạt 2.400 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó 50% đến từ nguồn tài chính bên ngoài, phần còn lại từ chính phủ và các nguồn tư nhân. Với quy mô tài trợ hàng năm cho các nước đang phát triển ở vào khoảng 1.000 tỷ USD thì con số này cũng đang cao gấp 10 lần con số 100 tỷ USD, mục tiêu đóng góp hàng năm hiện nay. Một phép tính nhỏ để thấy, tài chính sẽ là một thách thức đáng kể trong thực hiện các mục tiêu khí hậu tại các nền kinh tế đang phát triển.
Nhu cầu tài chính khí hậu hàng năm của các nước đang phát triển sẽ lên tới 2.400 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, các nước phát triển, các nhà đầu tư và các định chế tài chính nên đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD. Phần còn lại, 1.400 tỷ USD là từ nguồn quỹ công và tư nhân tại các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển cần số tiền trên để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ khác phát thải ít carbon cũng như đối phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
UNEP nêu rõ, để thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển sẽ cần thêm tài chính để chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khoảng từ 215 tỷ USD đến 387 tỷ USD/năm trong thập niên này. Con số này tương đương gần 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình của các nước đang phát triển, nhưng với nhóm ít phát triển nhất và các quần đảo nhỏ dễ chịu tác động thì tương đương khoảng 2% GDP.
Theo UNEP, kể cả khi các chính phủ thực hiện được cam kết tăng gấp đôi tài chính thích ứng vào năm 2025, khoảng cách giữa số có sẵn và số cần có vẫn rất lớn, do đó cần nhiều nguồn tài chính bổ sung. Các nguồn này bao gồm cả tài chính quốc tế và tài chính tư nhân, cùng các cải cách Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà các nước đang phát triển đề xuất.
Do đó, tại phiên thảo luận sơ bộ về những vấn đề chính liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để chuẩn bị cho COP28 với sự tham dự của khoảng 70 Bộ trưởng các nước diễn ra tại Thủ đô Abu Dhabi của UAE hồi cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải cách các thể chế tài chính quốc tế, xây dựng thị trường carbon và khuyến khích đầu tư tư nhân để có thể đạt được những giải pháp về hỗ trợ tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển.
https://www.anninhthudo.vn/chung-tay-gop-suc-chong-bien-doi-khi-hau-post556989.antd