Các nhà soạn thảo hiến pháp Mỹ cố ý khiến cho việc bãi nhiệm một Tổng thống đương chức trở nên khó khăn dù bị đưa ra luận tội.
Cho tới nay, mới chỉ có 2 Tổng thống Mỹ từng chính thức bị Quốc hội luận tội, đó là Andrew Johnson và Bill Clinton. Tuy nhiên, chưa có Tổng thống nào của Mỹ bị bãi nhiệm thông qua luận tội.
Ngoài Johnson và Clinton, chỉ có 2 Tổng thống khác phải đối mặt với yêu cầu luận tội chính thức tại Hạ viện: Richard Nixon và Donald Trump. Dù nhiều Tổng thống khác của Mỹ từng bị đe dọa luận tội nhưng lại không có bất cứ động thái thực sự nào tại Quốc hội.
Từ trái sang: Tổng thống Andrew Johnson, Richard Nixon và Bill Clinton. (Ảnh: Tampabay) |
Các nhà soạn thảo Hiến pháp cố tình khiến việc bãi nhiệm một Tổng thống đương chức trở nên khó khăn hơn.
Quá trình luận tội bắt đầu tại Hạ viện với một yêu cầu luận tội chính thức. Nếu Ủy ban Tư pháp Hạ viện tìm thấy đủ cơ sở, các thành viên sẽ soạn và thông qua các điều khoản luận tội, và sau đó đưa ra Hạ viện bỏ phiếu.
Chỉ cần đa số quá bán trong Hạ viện ủng hộ là đủ để chính thức luận tội Tổng thống. Nhưng điều đó không có nghĩa là Tổng thống sẽ bị bãi nhiệm ngay. Bước cuối cùng là xét xử ở Thượng viện. Chỉ khi 2/3 số Thượng nghị sỹ nhận thấy Tổng thống có tội theo các điểu khoản luận tội thì Tổng thống mới bị bãi nhiệm.
Mặc dù Quốc hội Mỹ từng luận tội và bãi nhiệm 8 quan chức liên bang – tất cả đều là thẩm phán liên bang – nhưng chưa Tổng thống nào từng bị kết án ở Thượng viện. Andrew Johnson thực ra suýt bị kết tội, nhưng đã may mắn thoát nạn nhờ 1 lá phiếu.
Cuộc luận tội Andrew Johnson năm 1868
Johnson được bầu là Phó Tổng thống của Abraham Lincoln năm 1864.
Quyết định khó khăn nhất đối với nhiệm kỳ thứ 2 của Lincoln là làm thế nào để tái lập các mối quan hệ với các bang miền nam khi mà thời điểm đó Nội chiến đã kết thúc.
Lincoln đã đưa ra kế hoạch hòa giải của ông cho việc thống nhất Hoa Kỳ với Tuyên ngôn Ân xá và Tái thiết. Tuy nhiên, “những người cấp tiến” trong đảng Cộng hòa cho rằng kế hoạch này quá nhẹ nhàng cho các bang miền Nam.
Lincoln bị ám sát chỉ 42 ngày sau nhiệm kỳ thứ 2 (tháng 04/1865) và để lại cho Tổng thống kế nhiệm Andrew Johnson (khi đó là Phó Tổng thống của Lincoln) chịu trách nhiệm về việc Kế hoạch Tái Thiết.
Những bất đồng về chính sách tái thiết hậu chiến đã dẫn đến một trận chiến nảy lửa giữa Tổng thống Andrew Johnson và Quốc Hội.
Phiên luận tội Andrew Johnson năm 1868. (Ảnh: Getty). |
Năm 1867, Quốc hội trả đũa bằng Đạo luật Nhiệm kỳ Quan chức chính phủ, theo đó, Tổng thống không có quyền thay đổi thành viên Nội các mà không được Thượng viện phê duyệt.
Tin rằng đạo luật này là vi hiến, Johnson đã tiếp tục sa thải Bộ trưởng chiến tranh, một đồng minh của phe cấp tiến đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Các đối thủ chính trị của Johnson đã phản ứng bằng cách soạn thảo và thông qua 11 điều khoản luận tội tại Hạ viện.
Johnson bị luận tội ở Hạ viện với 126 phiếu thuận và 47 phiếu chống, nhưng đã tránh được bản án kết tội ở Thượng viện khi chỉ thiếu đúng 1 phiếu là đủ 2/3 số Thượng nghị sỹ ủng hộ. Sau khi được tha bổng, ông phục vụ hết nhiệm kỳ và trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên (và duy nhất) được bầu vào Thượng viện.
Luận tội Bill Clinton năm 1998
Clinton bị các bê bối và rắc rối pháp lý bủa vây kể từ khi bước vào Nhà Trắng. Năm 1993, Clinton và đệ nhất phu nhân Hillary là tâm điểm cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp về vụ Whitewater, một mối làm ăn kinh doanh từ những ngày họ còn ở Arkansas. Và năm 1994, Clinton bị Paula Jones một cựu nhân viên bang Arkansas kiện về tội quấy rối tình dục.
Điều thú vị, sự kết hợp của cả 2 trường hợp pháp lý này rốt cuộc lại dẫn tới cuộc luận tội Clinton. Công tố viên độc lập Kenneth Starr được Bộ Tư pháp chỉ định điều tra vụ Whitewater, nhưng ông lại không tìm được bất cứ bằng chứng có thể luận tội nào. Trong khi đó, các luật sư của Jones lại nhận được “mách nước” rằng Clinton có quan hệ tình cảm với thực tập sinh nhà trắng 21 tuổi Monica Lewinsky, cáo buộc mà cả Lewinsky và Clinton đã phủ nhận.
Tổng thống Bill Clinton trong một bài phát biểu. (Ảnh: Getty) |
Starr chuyển trọng tâm điều tra khi ông nhận được bản ghi âm 20 giờ các cuộc điện thoại giữa Lewinsky và Linda Tripp, một cựu đồng nghiệp Nhà Trắng, trong đó Lewinsky nói bóng gió đến chuyện tình cảm (với Clinton).
Nhóm điều tra của Starr cuối cùng đưa ra bản báo cáo trong đó nêu chi tiết về mối quan hệ của Clinton với Lewinsky, đưa ra bằng chứng Clinton đã nói dối nhằm cản trở điều tra của Starr.
Ngày 19/12/1998, Hạ viện bỏ phiếu luận tội Clinton với 2 điều khoản riêng biệt: nói dối và cản trở công lý. Nhưng sau các phiên kết án kéo dài 5 tuần ở Thượng viện, Clinton thoát cả 2 tội.
Bất chấp vụ bê bối đáng xấu hổ, và là Tổng thống thứ 2 trong lịch sử bị luận tội, tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Clinton năm 1999 lên tới 73% năm 1999.
Richard Nixon: Từ chức năm 1974
Bất chấp bị dính líu đến một trong những bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử tổng thống Mỹ, Richard Nixon chưa từng bị luận tội. Ông đã từ chức trước khi Hạ viện có cơ hội luận tội ông. Nếu không từ chức, ông nhiều khả năng trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ từng bị luận tội và bãi nhiệm, bởi các tội danh mà ông phạm phải để che đậy sự dính líu tới vụ đột nhập và ăn cắp tài liệu từ trụ sở của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ ở khu nhà Watergate.
Người Mỹ đọc thông tin về việc Tổng thống Nixon từ chức ở bên ngoài Nhà Trắng năm 1974. (Ảnh: Getty) |
Ngày 27/7/1974, sau 7 tháng tranh cãi, bàn luận, Ủy ban Tư pháp Hạ viện thông qua 1 trong 5 điều khoản luận tội Nixon, cáo buộc ông cản trở công lý trong nỗ lực bảo vệ chính mình khỏi cuộc điều tra Watergate đang diễn ra khi đó.
Chỉ một số thành viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp bỏ phiếu thông qua điều khoản luận tội và không rõ ở thời điểm đó liệu có đủ số phiếu để Hạ viện chính thức luận tội Tổng thống hay không.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào ngày 5/8/1974, khi Tòa án tối cao yêu cầu Nixon công bố các đoạn băng chưa được chỉnh sửa của phòng Bầu dục của ông với các nhân viên nhà Trắng trong giai đoạn điều tra vụ Watergate. Các đoạn băng được gọi là “bằng chứng” đó cho thấy Nixon đã đề xuất “lợi dụng” CIA để cản trở cuộc điều tra của FBI và trả tiền bịt miệng cho những kẻ trộm đã bị kết án trong vụ Watergate.
Bản ghi đoạn băng có đoạn:
NIXON: Ông cần bao nhiêu tiền?
JOHN W. DEAN: Tôi sẽ nói những người này trị giá… 1 triệu USD trong 2 năm tới (dừng)
NIXON: Chúng ta sẽ làm thế.
Ngay khi các đoạn băng được công bố, Nixon nhận được tuyên bố của lãnh đạo phe Cộng hòa trong Quốc hội rằng tất cả, chỉ trừ 15 Thượng nghị sỹ nhiều khả năng bỏ phiếu chống lại ông trong phiên xét xử luận tội, hơn cả đủ để bãi nhiệm ông.
Không muốn bị sỉ nhục vì trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị Quốc hội bãi nhiệm, Nixon đã từ chức ngày 8/8/1974.
Donald Trump: Yêu cầu luận tội năm 2019
Ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố chính thức yêu cầu luận tội đối với Tổng thống Donald Trump liên quan tới những cáo buộc ông đã gây sức ép đối với Tổng thống Ukraine để điều tra nhằm vào đối thủ chính trị - cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Getty) |
Quyết định cho phép yêu cầu luận tội diễn ra sau khi một nhân vật tiết lộ chi tiết cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong đó ông Trump được cho là đã dùng khoản viện trợ quân sự để đổi lấy lợi thế chính trị cá nhân.
Nhà Trắng sau đó đã công bố bản ghi cuộc điện đàm – mà nhiều thành viên đảng Dân chủ cho là có cho thấy ông Trump lạm dụng quyền lực.
Đến thời điểm này, Hạ viện đang lấy lời khai của các nhân chứng và chưa thông qua các điều khoản luận tội, vì thế quá trình luận tội vẫn còn ở giai đoạn đầu. Trường hợp của Trump là lần thứ 4 trong lịch sử Mỹ một Tổng thống bị chính thức điều tra luận tội tại Hạ viện.
Thêm nhân chứng nói điện đàm Trump-Zelensky ‘bất thường và không phù hợp’ |
13 triệu người xem phiên điều trần nhằm luận tội Trump |
Phiên điều trần luận tội khiến phe Dân chủ thất vọng |