Những ưu tiên hàng đầu của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cam kết thúc đẩy sứ mệnh của Tổng thống Donald Trump nhằm đạt được hòa bình thông qua sức mạnh dựa trên ba nguyên tắc chỉ đạo gồm: khôi phục tinh thần chiến binh, tái thiết quân đội và tái lập răn đe.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm 25/1 (giờ địa phương) đã công bố những ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc sau khi ông chính thức được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm. Theo đó, ông Pete Hegseth cam kết thúc đẩy sứ mệnh của Tổng thống nhằm đạt được hòa bình thông qua sức mạnh dựa trên ba nguyên tắc chỉ đạo gồm: khôi phục tinh thần chiến binh, tái thiết quân đội và tái lập răn đe.

CNN dẫn một đoạn trong tuyên bố của ông Pete Hegseth nêu rõ: “Toàn bộ các nguyên tắc này sẽ được thực hiện với trọng tâm đặt vào khả năng tác chiến, chế độ thưởng phạt dựa trên năng lực, trách nhiệm giải trình, tiêu chuẩn và tính sẵn sàng chiến đấu".

Những ưu tiên hàng đầu của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ -0
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cũng cam kết sẽ sát cánh cùng các đồng minh. Ảnh: Reuters

Cũng theo CNN, trong thông điệp gửi tới quân đội Mỹ qua email, lãnh đạo Lầu Năm Góc nhấn mạnh về sức chiến đấu của quân đội, đồng thời chỉ ra yêu cầu phải “ngăn chặn hành động gây hấn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và định hướng lại các mối đe dọa chính". Tân Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cũng cam kết sẽ sát cánh cùng các đồng minh.

Được biết, hôm 24/1, ông Pete Hegseth đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm người đứng đầu Lầu Năm Góc sau khi Phó Tổng thống JD Vance sử dụng lá phiếu mang tính quyết định.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử của nước Mỹ khi một vị Phó Tổng thống phải ra tay can thiệp để “cứu” một ứng cử viên nội các, sau vụ cựu Phó Tổng thống Mike Pence bỏ phiếu quyết định lựa chọn bà Betsy DeVos làm Bộ trưởng Giáo dục hồi năm 2017.

Ông Pete Hegseth, sinh năm 1980, là cựu sỹ quan lục quân và từng tham gia phục vụ trong quân ngũ ở Afghanistan và Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng thứ 29 của Mỹ đã cam kết đưa “văn hóa chiến binh” trở lại Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc thiếu kinh nghiệm về an ninh quốc gia hoặc quân sự cấp cao đã làm dấy lên nghi ngờ về năng lực của ông trong công tác lãnh đạo quân đội Mỹ.

Ông McConnell - một trong ba thượng nghị sĩ phản đối, cho rằng tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chưa chứng minh được khả năng quản lý hiệu quả một tổ chức lớn và phức tạp như quân đội. "Chỉ mong muốn trở thành người thay đổi là không đủ để đảm nhiệm vị trí này", ông McConnell nói.

Kim Khánh / CAND