Cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thắp lên hy vọng về khả năng xung đột Nga – Ukraine sẽ sớm kết thúc.
Nga đã cam kết "giảm mạnh hoạt động quân sự” xung quanh Kiev và Chernihiv, phía bắc Ukraine sau cuộc đàm phán "ý nghĩa" với phái đoàn Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói quyết định này được đưa ra "để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo, tiến tới đạt mục tiêu cuối cùng là nhất trí và ký kết một thỏa thuận". Tuy nhiên, Vladimir Medinsky, trợ lý Tổng thống Nga, sau đó nói rõ rằng quyết định giảm leo thang quân sự ở Kiev và Chernihiv "không phải là lệnh ngừng bắn" và vẫn còn chặng đường dài để có thể đạt được thỏa thuận với Ukraine.
Cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ mở ra nhiều cơ hội tiềm năng để kết thúc xung đột Nga - Ukraine |
Trên thực địa, các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói Nga đã bắt đầu rút một số đơn vị khỏi thủ đô Kiev, bao gồm các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn, và hiện chỉ tập trung lực lượng ở miền nam và miền đông Ukraine. Mặc dù vậy, quân đội Ukraine lại nói rằng việc Nga tiếp tục rút lực lượng gần Kiev và chỉ là "hoạt động luân chuyển đơn vị".
Trong khuôn khổ đàm phán, Ukraine cũng đã đề xuất áp dụng trạng thái trung lập để đổi lấy các đảm bảo an ninh, đồng nghĩa Kiev sẽ không tham gia các liên minh quân sự hay cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ trên lãnh thổ. Kiev khẳng định trạng thái trung lập này không ngăn cản khả năng Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
"Nếu chúng ta cố gắng thống nhất những điều khoản quan trọng này, Ukraine có có thể áp dụng trạng thái là quốc gia phi liên minh và phi hạt nhân, theo hình thức trung lập vĩnh viễn", Oleksander Chaly, thành viên phái đoàn đàm phán Ukraine, nói.
Theo trang tin Vox, ý tưởng về việc Ukraine đóng vai trò là cầu nối trung lập giữa Nga và phương Tây không phải là điều mới mẻ. Nhưng trong bối cảnh tình trạng giao tranh đã kéo dài đến hơn 1 tháng, ý tưởng này lại được chú ý trở lại như một giải pháp để sớm chấm dứt chiến sự và đề phòng nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai.
Ukraine có thể đề xuất áp dụng trạng thái trung lập để đổi lấy các đảm bảo an ninh |
Nói rộng hơn, trạng thái trung lập của Ukraine có thể buộc chính phủ Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời không cho phép NATO triển khai quân đội và vũ khí trên lãnh thổ nước này. Nhưng đổi lại, Ukraine có thể nhận được một số đảm bảo an ninh, và ngăn chặn một “chiến dịch quân sự" khác.
Một phiên bản "trung lập hóa" có thể được áp dụng cho Ukraine như một giải pháp thoát khỏi tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, chính sách này chỉ có thể hiệu quả khi không chỉ Kiev mà cả Nga và phương Tây thấy được lợi ích của mình trong việc duy trì trạng thái này.
Hiện tại, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Ireland và Malta là các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU) duy trì trạng thái trung lập. Trong khi Thụy Sĩ cũng là nước trung lập nhưng không thuộc EU.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, hai bên đang thảo luận về khả năng duy trì trạng thái trung lập giống như Áo hoặc Thụy Điển đối với Ukraine. Theo các chuyên gia, Áo có thể là hình mẫu tốt nhất cho một Ukraine trung lập trong tương lai. Năm 1955, Áo đã thông qua chế độ trung lập vĩnh viễn vào hiến pháp của mình. Nước này sẽ không tham gia các liên minh quân sự, không đứng về phía nào nếu chiến tranh xảy ra trong tương lai, cũng như không cho phép nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
PV (t/h)
Nga: Ông Putin có thể gặp ông Zelensky và ký hiệp ước hòa bình |
Nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine |