Giới chuyên gia cho rằng phi công, quan chức sân bay và nhiều hành khách đều phạm sai lầm trong thảm kịch khiến 41 người chết.
Chiếc SSJ-100 bốc cháy dữ dội tại sân bay Sheremetyevo hôm 5/5. Ảnh: RT.
Ngành hàng không Nga vừa chứng kiến một thảm kịch tồi tệ khi máy bay Sukhoi Superjet 100 (SSJ-100) của hãng hàng không Aeroflot bốc cháy trong lúc hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Sheremetyevo ở Moskva hôm 5/5, khiến 41 người thiệt mạng. Các chuyên gia tin rằng con số thương vong cao trong vụ tai nạn là không đáng có và hậu quả sẽ bớt nặng nề hơn rất nhiều nếu các bên liên quan không liên tiếp phạm phải những sai lầm nghiêm trọng.
Các điều tra viên Nga tin rằng tổ lái của chiếc SSJ-100 là những người phạm sai lầm đầu tiên, khi điều khiển phi cơ bay thẳng vào khu vực thời tiết xấu, có nhiều sấm chớp. Quyết định này của họ có thể đã dẫn tới việc máy bay bị sét đánh trúng và mất liên lạc với đài không lưu tại sân bay Sheremetyevo, cũng như buộc phi công chuyển sang chế độ lái thủ công.
"Chúng tôi nối lại được liên lạc với đài không lưu sau đó nhưng chỉ nói được một vài từ. Họ đã dẫn đường cho chúng tôi về sân bay để hạ cánh khẩn cấp", Denis Evdokimov, cơ trưởng chuyến bay, nhớ lại. Đây là thời điểm tổ lái mắc sai lầm thứ hai, đó là vội vàng tìm cách hạ cánh thay vì lượn vòng trên không để xả bớt nhiên liệu.
Chiếc SSJ-100 quay về sân bay với lượng nhiên liệu gần như vẫn còn nguyên. "Nhiên liệu còn lại quá nhiều khiến máy bay nặng quá giới hạn cho phép khi hạ cánh", Evdokimov nói, khẳng định mình đã làm đúng quy trình hạ cánh phi cơ quá tải.
Việc máy bay hạ cánh với quá nhiều nhiên liệu cũng làm tăng đáng kể nguy cơ cháy nổ, khi xăng rò rỉ có thể dễ dàng bốc cháy trong những cú tiếp đất mạnh.
Trong nỗ lực hạ cánh khẩn cấp lần thứ nhất, tổ lái tìm cách tiếp đất nhưng không thành công và phải tăng độ cao trở lại, bay vòng trên không phận Moskva rồi sau đó hạ cánh lần hai. Các chuyên gia hàng không cho rằng nếu phi công tiếp tục bay vòng trên không phận Moskva để đốt gần hết nhiên liệu trước khi quyết định hạ cánh, nguy cơ cháy nổ sẽ giảm đi rất nhiều.
Theo Shem Malmquist, phi công dân dụng và giáo sư tại Viện Công nghệ Florida của Mỹ, việc hạ cánh sớm khi máy bay còn đầy nhiên liệu chỉ nên thực hiện trong tình huống thực sự nguy cấp và phi công rất tự tin vào kỹ năng điều khiển máy bay khi tiếp đất trong tình trạng quá tải của mình.
Hiện vẫn chưa rõ chiếc SSJ-100 có gặp nguy đến mức phi công phải hạ cánh càng sớm càng tốt hay không, nhưng những gì diễn ra cho thấy cú hạ cánh của máy bay rõ ràng không thuận lợi như kỳ vọng.
Máy bay cháy đen sau tai nạn. Ảnh: TASS.
Phi công dường như đã phản ứng sai cách khi chúi mũi máy bay xuống, thay vì lấy độ cao và hủy hạ cánh, gây ra tình trạng dao động mất kiểm soát (PIO). Máy bay đập mạnh xuống đường băng với tốc độ cao, khiến càng đáp bị sập, phần đuôi chà xát mạnh với bề mặt bê tông, các khoang nhiên liệu bị vỡ, lượng lớn nhiên liệu phun thẳng vào động cơ và bắt lửa.
"Những gì chúng ta thấy là một cú hạ cánh bất thành, khi máy bay đập quá mạnh xuống đất, bị hỏng nặng và bốc cháy dữ dội", Steve Ganyard, cựu phi công quân sự và cố vấn hàng không Mỹ, nhận xét. Một số nguồn tin cho biết các phi công còn mở một cửa sổ buồng lái, dẫn tới việc ngọn lửa bị thổi bùng lên, đồng thời không tắt động cơ ngay lập tức sau khi hạ cánh.
Nhà chức trách sân bay Sheremetyevo cũng bị chỉ trích khi thông báo tình huống khẩn cấp quá muộn. Bộ trưởng Giao thông Nga Yevgeny Dietrich hôm 6/5 cho biết sân bay chỉ thông báo tình trạng khẩn cấp sau khi máy bay hạ cánh được một phút, các xe cứu hỏa xuất hiện trong vòng 60 giây từ khi có lệnh. 6 xe khác tới hiện trường sau đó 4 phút.
Ilona Borisova, lãnh đạo công đoàn tiếp viên tại Sheremetyevo, ca ngợi tốc độ phản ứng của lực lượng cứu hỏa nhưng cho rằng nỗ lực của họ bị ảnh hưởng vì không được báo động sớm hơn. Những xe cứu hỏa đầu tiên chỉ có mặt tại hiện trường khi chiếc SSJ-100 đã bốc cháy dữ dội.
Pavel Gerasimov, luật sư của gia đình một hành khách thiệt mạng trên chuyến bay, cho rằng Cục Điều tra Liên bang Nga (ICR) cần khởi tố hình sự đối với nhân viên kỹ thuật sân bay và lính cứu hỏa, những người không tổ chức giải cứu kịp thời và tương ứng với quy mô thảm họa. "Họ mất ít nhất 30-35 phút kể từ khi nhận được cuộc gọi để đến địa điểm xảy ra sự cố", luật sư Gerasimov nói.
Nhiều hành khách trên máy bay dường như cũng phải chịu trách nhiệm với con số thương vong cao, khi phạm sai lầm chết người là cố lấy hành lý và làm chậm trễ quá trình sơ tán.
"Điều thực sự đáng lo ngại là bạn có thể thấy một số hành khách mang theo hành lý khi sơ tán, thậm chí có người còn nán lại bên trong để quay video. Rõ ràng đã xảy ra tình huống khách lo lấy hành lý thay vì nhanh chóng rời khỏi máy bay, khiến quá trình sơ tán chậm hơn và làm người khác mất mạng", chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas nhận định.
Một video cũng cho thấy hành khách ném hành lý xuống máng trượt khi những người khác mắc kẹt ở phía sau máy bay đang cháy. "Những hành khách đầu tiên cố ném túi hành lý từ cabin xuống máng trượt. Đó là lý do có những người bị kẹt lại", một người dùng mạng xã hội Nga bình luận.
Luật sư Gerasimov cho biết đã nộp đơn lên ICR để yêu cầu nhà chức trách xác định danh tính, truy tố những người cố lấy hành lý. Nếu ICR xác nhận các hành khách lấy hành lý đã làm chậm quá trình sơ tán, gia đình nạn nhân sẽ yêu cầu thủ phạm chịu trách nhiệm hình sự theo điều luật về hành vi tắc trách và không tuân thủ yêu cầu an toàn khi xảy ra hỏa hoạn.
Khách lấy hành lý trên máy bay Nga bốc cháy có thể bị truy tố
Nếu cơ quan điều tra Nga xác định những người lấy hành lý trên máy bay cản trở quá trình sơ tán, họ sẽ phải ... |
Tổ lái của máy bay Nga bốc cháy có thể mắc một loạt sai lầm
Việc các phi công đưa máy bay vào vùng thời tiết xấu và hạ cánh khi nhiên liệu còn đầy bị coi là sai lầm ... |
Vũ Anh (Theo ABC News)