Su-27 là chiến đấu cơ mạnh nhất trong biên chế của Ukraine, tuy nhiên trước mức độ thiệt hại nhanh chóng, chiếc máy bay này đang đi đến sự “tuyệt chủng”.
Theo Bulgarian Military, một đoạn phim được công bố ngày 13/8 cho thấy cảnh phá hủy một chiếc máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-27 của Không quân Ukraine, tại Căn cứ Không quân Mirgorod. Căn cứ này được cho là đã bị hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga nhắm tới.
Chỉ hơn một tháng trước đó, vào ngày 2/7, một đoạn video được quay từ máy bay không người lái đã cho thấy cảnh hai chiếc Su-27 bị phá hủy trong các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, vụ tấn công này cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho hai chiếc khác.
Một bài báo của Forbes vào thời điểm đó đã nhấn mạnh rằng, “ngày 2/7 được xem là một trong những ngày tổn thất lớn nhất đối với lực lượng Không quân Ukraine, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022". Bài báo còn cho biết thêm rằng "các blogger Ukraine đã đổ lỗi cho các sĩ quan không quân khi để những chiếc Su-27 đỗ ngoài trời, tại một căn cứ nguy hiểm gần tiền tuyến".
Hình ảnh được ghi lại trong vụ tấn công.
Su-27 là máy bay chiến đấu có năng lực nhất trong kho vũ khí của Ukraine, được đánh giá cao về độ bền và hiệu quả trong việc thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu của Nga. Tuy nhiên, những nỗ lực sử dụng loại máy bay chiến đấu này để không chiến trực tiếp với máy bay Nga đã liên tục dẫn đến tổn thất nặng nề cho Ukraine. Những tổn thất này đã khiến Su-27 của Ukraine ngày càng khan hiếm và có nguy cơ ‘tuyệt chủng”.
Su-27 từng được coi là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hàng đầu vào những năm 1980 và 1990. Ngày nay, chiếc máy bay này đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, khi cạnh tranh với các phiên bản Su-27 hiện đại hơn của Nga như Su-30SM và Su-35.
Các phi công Ukraine, những người từng có cơ hội lái cả Su-27 và F-16 của Mỹ đã đưa ra nhận xét rằng, nhìn chung Su-27 vẫn là máy bay có khả năng hơn. Thật không may, có rất ít các quốc gia phương Tây vận hành loại máy bay này, điều này đã hạn chế đáng kể khả năng bù đắp cho những tổn thất trong chiến đấu của Ukraine.
Ngược lại, loại chiến đấu cơ nhẹ hơn và cấp thấp hơn, MiG-29 cũng được thiết kế từ thời Liên Xô, nhưng có nhiều quốc gia đang vận hành hơn. Từ giữa năm 2022, Ukraine đã nhận được một số lượng lớn MiG-29 từ các nước NATO, bởi nhiều nước thành viên của liên minh, chủ yếu là các nước Đông Âu đã từng mua nhiều MiG-29 trong thời Chiến tranh Lạnh, vì vậy mà Ukraine có nguồn bổ sung đáng kể.
Chiến đấu cơ Su-27
Su-27 là một máy bay chiến đấu có khả năng cơ động cao, do Cục Thiết kế Sukhoi của Liên Xô phát triển. Su-27 được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với F-15 Eagle của Mỹ và chủ yếu phục vụ trong các vai trò chiếm ưu thế trên không. Máy bay đã được đưa vào sử dụng từ những năm 1980 và đã trải qua nhiều lần nâng cấp, sửa đổi trong những năm qua.
Kích thước của Su-27 rất ấn tượng, với chiều dài khoảng 21,9 mét, sải cánh 14,7 mét và chiều cao 5,93 mét. Kích thước lớn giúp Su-27 chứa được lượng nhiên liệu lớn hơn và góp phần tăng phạm vi hoạt động.
Su-27 của Ukraine.
Su-27 được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt đốt sau Saturn AL-31F. Mỗi động cơ có thể tạo ra lực đẩy lên tới 27.560 pound với bộ đốt sau, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa khoảng Mach 2,35 (tương đương 1.550 dặm/giờ hoặc 2.500 km/giờ) ở độ cao lớn.
Các đặc điểm kỹ thuật của Su-27 cũng gây được nhiều chú ý, bao gồm trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 33.000 kg và trần bay đạt 19.000 mét. Chiếc máy bay này cũng được biết đến với khả năng cơ động đặc biệt, nhờ thiết kế khí động học và khả năng điều hướng lực đẩy.
Su-27 được trang bị nhiều hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Bao gồm radar N001 Myech, cung cấp khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu trên không tầm xa, cũng như hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) để thu thập mục tiêu thụ động. Máy bay cũng có bộ tác chiến điện tử tiên tiến để tự bảo vệ.
Hệ thống điều khiển trên Su-27 bao gồm hệ thống “fly-by-wire” giúp tăng cường độ ổn định và khả năng cơ động của máy bay. Hệ thống điều khiển kỹ thuật số này cho phép xử lý chính xác các số liệu trong chiến đấu và giảm khối lượng công việc của phi công trong các thao tác phức tạp.
Vũ khí của Su-27 tương đối đa dạng và mạnh mẽ. Bao gồm một khẩu pháo 30mm GSh-30-1 với 150 viên đạn, cùng với nhiều giá treo có thể mang nhiều loại tên lửa không đối không và không đối đất. Các loại tên lửa phổ biến bao gồm R-27 (AA-10 Alamo) và R-73 (AA-11 Archer) để chiến đấu trên không, cũng như bom dẫn đường và tên lửa cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Tầm hoạt động của Su-27 rất đáng chú ý, với tầm bay tối đa có thể lên đến 3.530 km khi mang thêm các thùng nhiên liệu ngoài. Trong cấu hình chiến đấu thông thường, máy bay có tầm bay khoảng 1.340 km. Tầm bay mở rộng này cho phép Su-27 thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian dài và duy trì sự hiện diện đáng kể trong không phận có tranh chấp.