Chiếc Su-27 Liên Xô cuối cùng còn sót lại trong không quân Belarus

Belarus là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới, cho loại biên những chiếc Su-27 - chiến đấu cơ được đánh giá hiện đại nhất thời Chiến tranh Lạnh.

Không quân Belarus đã trải qua nhiều đợt chuyển đổi kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, với phần lớn phi đội gồm hàng trăm máy bay chiến đấu được thừa hưởng từ Liên Xô đã bị loại biên hoặc bán cho các quốc gia khác. Hiện nay không quân Belarus chỉ còn khoảng 40 máy bay chiến đấu đang hoạt động.

Sau khi cho loại biên các máy bay đánh chặn MiG-25, bán các máy bay chiến đấu MiG-23 và Su-24 cho Syria và Sudan. Đến tháng 12/2012, Belarus tiếp tục cho các máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-27 nghỉ hưu, dòng tiêm kích này từng là xương sống của Không quân Belarus.

MiG-29 của Belarus.

MiG-29 của Belarus.

Su-27 bị loại biên

Việc loại biên những chiếc Su-27 khiến cho MiG-29 trở thành loại máy bay chiến đấu còn hoạt động duy nhất của nước này. Mặc dù Su-27 được đánh giá cao hơn nhiều so với MiG-29, nhưng MiG-29 lại có chi phí vận hành và bảo dưỡng tiết kiệm hơn. Chính vì lý do trên, Không quân Belarus đã quyết định giữ lại MiG-29 và tiến hành hiện đại hóa chúng. 

Về lý do cho Su-27 loại biên, Tư lệnh Không quân và Phòng không của Lực lượng vũ trang Belarus, Thiếu tướng Oleg Dvigalev cho biết: “Su-27 là loại máy bay rất tốn kém để vận hành, bởi nó tiêu thụ rất nhiều nhiên liệu. Dòng máy bay này cũng không phù hợp với lãnh thổ nhỏ bé của Belarus. Để kiểm tra các mục tiêu cần kiểm soát, chúng tôi đã phải cất cánh Su-27 từ căn cứ không quân ở Baranovichi và giữ nó trên không trong gần 1,5 giờ sau khi nhiệm vụ kết thúc, để tiêu thụ hết lượng nhiên liệu còn lại trước khi hạ cánh. Nó tiêu thụ 2 - 3 tấn dầu hỏa hàng không mà không thu được lợi ích gì. Thật lãng phí! Do đó, chúng tôi không muốn sử dụng chiếc máy bay này nữa”.

Chính vì vậy mà Belarus đã trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới, loại Su-27 khỏi biên chế.

Mặc dù đã cho Su-27 nghỉ hưu, nhưng Belarus vẫn tiếp tục đóng vai trò là trung tâm chính trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và hiện đại hóa các máy bay chiến đấu Su-27 và phiên bản cải tiến của nó là Su-30MK. Belarus đã cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng máy bay cho các quốc gia nhập khẩu Su-27, Su-30 từ Nga vào những năm 1990 và 2000 như Việt Nam và Angola. Các dịch vụ này được thực hiện tại Nhà máy số 558 ở Baranovichi.

Chiếc Su-27UB mang số hiệu 61 của Không quân Belarus.

Chiếc Su-27UB mang số hiệu 61 của Không quân Belarus.

Chiếc Su-27 mang số hiệu 61

Điều đáng chú ý là Belarus đã đưa một chiếc Su-27 duy nhất trở lại hoạt động, đó là chiếc máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi Su-27UB, mà phương Tây gọi là Flanker-B. Chiếc máy bay Su-27 này mang số hiệu 61, đã được tiến hành hiện đại hóa toàn diện tại Nhà máy số 558, cơ sở này nổi tiếng trong việc cung cấp dịch vụ hiện đại hóa các máy bay Su-27.

Mục đích chính đưa chiếc máy bay Su-27UB này trở lại hoạt động là để phục vụ công tác huấn luyện, giúp cho các phi công và đội bảo dưỡng làm quen trước khi sử dụng máy bay chiến đấu Su-30SM mới mua từ Nga. Đơn đặt hàng Su-30SM của Belarus có tổng trị giá 600 triệu USD, thỏa thuận được ký vào tháng 6/2017 và bắt đầu được chuyển giao vào tháng 8/2019.

Su-30SM là một phiên bản phái sinh của Su-27, nhưng khác biệt hoàn toàn so với bản gốc Su-30MK mà Belarus đã từng hợp tác phát triển. Su-30SM được các kỹ sư Nga cải tiến, dựa trên máy bay chiến đấu Su-30MKI được phát triển cho Không quân Ấn Độ.

Su-30SM của Belarus.

Su-30SM của Belarus.

Việc cải tiến một máy bay chiến đấu cũ, để làm phương tiện huấn luyện cho một phiên bản mới hơn có cùng thiết kế không phải là chưa từng có tiền lệ. Trước đó, Israel cũng đã tiến hành cải tiến các máy bay chiến đấu F-15B và F-15D thời Chiến tranh Lạnh, để hỗ trợ huấn luyện trên F-15I mua vào những năm 1990.  

Belarus đang chuyển từ việc phụ thuộc vào MiG-29 hạng trung sang những chiếc Su-27 hạng nặng. Đơn đặt hàng hiện tại là 12 chiếc Su-30SM dự kiến ​​sẽ được bàn giao hoàn tất trong năm nay và nước này đã có ý định mua thêm 12 chiếc Su-30SM nữa, để thay thế hoàn toàn 38 chiếc MiG-29 hiện có.

Khi phi đội Su-30SM mở rộng, các chuyên gia quân sự dự đoán rằng, có khả năng một chiếc Su-27UB thứ hai sẽ được đưa ra khỏi kho niêm cất để phục vụ mục đích huấn luyện tương tự như chiếc mang số hiệu 61. 

https://vtcnews.vn/chiec-su-27-lien-xo-cuoi-cung-con-sot-lai-trong-khong-quan-belarus-ar882999.html

LÊ HƯNG / VTC News