Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ cuối): Lễ truy điệu Bác Hồ tại khám Chí Hòa ngày 7/9/1969

Các chị chỉ cho chúng tôi nơi đã đặt bàn thờ Bác Hồ và trong lễ truy điệu Bác ngày 7/9/1969 thì mọi người đứng ra sao? Ai đọc điếu văn, ai hô chào cờ, ai bắt nhịp hát Quốc ca và bài Hồn tử sĩ...

Các đồng chí trong Ban Giám thị đưa các chị cựu tù chính trị về thăm lại buồng giam, nơi các chị đã từng có những ngày tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất. Chúng tôi đi qua những hành lang dài hun hút và khi thấy gió lùa mát lạnh tôi mới thầm thán phục người kỹ sư nào đã thiết kế trại giam theo kiểu "bát quái" thế này. Hóa ra, do được xây theo kiểu "bát quái" nên dù gió trời thổi theo bất cứ hướng nào, thì gió cũng sẽ chạy... vòng quanh, tạo sự thông thoáng cho toàn bộ khu giam. Đi trong nhà giam Chí Hòa, không cảm thấy sự ngột ngạt, tù túng và sự ô nhiễm không khí do có đông người ở tập trung. Tất nhiên, số phạm nhân đang bị giam tại Chí Hòa hôm nay, chưa đầy 1/5 so với "công suất nhốt tù theo thiết kế"...

Hơn nữa, môi trường cũng đã được cải tạo rất nhiều so với hàng chục năm trước, hệ thống nước nóng cho phạm nhân sử dụng được bơm lên những thùng inox đặt trên tháp nước ở giữa trại, rồi tự chảy về từng buồng giam... Cây cối trong sân trại và bên ngoài xanh mướt...

Nhìn cảnh mới, chị Nhật bảo: "Ngày xưa, giữa sân này làm gì có cây xanh. Vì thế, chúng tôi ở khu giam bên này, mới có thể trông thấy các anh ở khu giam bên đối diện, và dùng quạt giấy "đánh morse", báo tin cho nhau. Thậm chí còn truyền đạt cả... nghị quyết của chi bộ nhà tù bằng "đánh morse".

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky cuoi le truy dieu bac ho tai kham chi hoa ngay 791969
Mô hình trại giam Chí Hòa

Chúng tôi cùng các chị vào phòng giam OB4, nơi các chị cùng hơn 60 chị em khác đã từng ở ngày xưa. Phòng này bây giờ được dành cho phạm nhân lao động tự giác. So với ngày trước thì phòng giam bây giờ được thay đổi rất nhiều và sạch sẽ, duy có diện tích là vẫn thế. Phòng giam chiều dài đo được 14... bước chân, chiều rộng là 7 bước... như vậy ước chừng khoảng hơn 50m2. Vậy mà trong những ngày các chị bị giam ở đây, có lúc chúng đã nhốt gần 70 người! Các chị cho biết, tại bức tường ở phòng giam này, trước đây có một đôi câu đối rất hay không hiểu ai đã viết lên đó:

"Sơn cùng thủy tận năng vô tận.

Tinh nguyệt khả di chí bất di".

(Tạm dịch nghĩa: Núi sông còn có giới hạn nhưng khả năng của chúng ta là vô hạn. Trăng sao có thể di chuyển, nhưng ý chí của chúng ta thì không lay chuyển).

Nền nhà ngày xưa tráng xi măng, giờ đã được lát đá hoa... Các chị chỉ cho chúng tôi nơi đã đặt bàn thờ Bác Hồ và trong lễ truy điệu Bác ngày 7/9/1969 thì mọi người đứng ra sao? Ai đọc điếu văn, ai hô chào cờ, ai bắt nhịp hát Quốc ca và bài Hồn tử sĩ... Có thể nói lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nữ tù chính trị tại Khám Chí Hòa tổ chức ngày đó là duy nhất trong các nhà tù của chế độ ngụy quyền Sài Gòn ngày ấy, và đó cũng là lần duy nhất mà Khám Chí Hòa có giam tù nữ, bởi suốt từ năm 1954 cho đến tháng 9/1969, Khám Chí Hòa chỉ giam tù nam giới, còn phụ nữ, hầu hết bị giam ở nhà giam Thủ Đức. Vậy vì sao lại có sự kiện này?

Chúng ta lại phải ngược về nhà tù Thủ Đức.

Vào giữa năm 1969, tại nhà giam Thủ Đức địch giam khoảng hơn 1.400 trẻ em, 1.400 nữ tù chính trị. Tại đây chúng thực hiện chế độ đày ải, giam cầm vô cùng tàn nhẫn và chúng đã gặp phải sự kháng cự và đấu tranh mãnh liệt chưa từng có của chị em. Khởi đầu là cuộc đấu tranh của các nữ tù chính trị thuộc Trung đội Lê Thị Riêng. Trung đội này là một trong những đội biệt động nổi tiếng của Sài Gòn vào năm 1967, 1968, khi bị bắt nhiều chị em đang là sinh viên, học sinh. Khởi đầu cuộc đấu tranh là việc chị em chống chào cờ, nên đã bị chúng biệt giam và tra tấn rất dã man. Từ phong trào đấu tranh của Trung đội nữ Lê Thị Riêng mà phong trào chống chào cờ ngày càng lan rộng, không chỉ chống chào cờ mà chị em còn đòi cải thiện đời sống như cho gia đình thăm nuôi, cho đem sách vở vào học văn hóa, cho tắm nắng, rồi đòi phải giảm bớt số lượng tù nhân trong mỗi phòng giam. Trước sức đấu tranh của chị em, tên Quản đốc Dương Ngọc Minh và tên Huấn trưởng Ban an ninh nhà giam Thủ Đức đã áp dụng biện pháp chia nhỏ các chị ra để trị.

Đêm 21/8/1969, bọn chúng ùa vào tấn công chị em bằng lựu đạn cay và gậy gộc, chúng đã đánh chết 3 người là Nguyễn Thị Tâm, em Đặng Thị Giành 16 tuổi và chị Nguyễn Thị Xuân Đào. Hơn 1.000 nữ tù chính trị đã kêu gào và la lớn từng chập, tiếng hô của chị em làm chấn động cả một vùng dân cư quanh đó. Bọn giặc ùa vào giành được xác của 3 người bị chúng đánh chết, chúng mang ra giữa sân lột hết quần áo của các chị rồi cho bọn ác ôn thay nhau giẫm đạp lên thi thể.

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky cuoi le truy dieu bac ho tai kham chi hoa ngay 791969
Đường hầm trong trại giam Chí Hòa

Sang đến này 23/8, trong lúc chị em đang làm lễ truy điệu những người bị chúng sát hại, bọn cai ngục lại điều thêm một đại đội cảnh sát dã chiến đến, cướp xác chị Xuân Đào và đàn áp chị em, một số chị bị chúng đè ra nhét vôi bột vào miệng.

Ngày 24/8, chúng tiếp tục cho bọn ác ôn xuống đánh đập dã man chị em các trại B, C, G và dùng bạo lực bắt đi 342 chị mà chúng cho là cứng đầu nhất trong đó có chị Trương Mỹ Hoa, chị Hồng Nhật, chị Loan và chị Võ Thị Thắng, chúng bắt các chị chuyển về Khám Chí Hòa để rồi đày các chị ra Côn Đảo. Các chị được chúng chia vào 4 phòng từ OB1 đến OB4. Chúng đưa các chị vào đây lúc nửa đêm trong xe bịt kín, chỉ đến khi vào trong khám thì mới biết là Khám Chí Hòa. Ngay lập tức các chị họp bàn và quyết tâm noi gương người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Được vài ngày vào sáng hôm 5/9, khi chị em đang ngồi tập hát thì thấy tên Đỗ Mạnh Trí là trưởng khu O, B vào: "Nè, mấy chị ơi, Cụ Hồ chết rồi". Hắn nói xong rồi đứng bên ngoài nhìn các chị xem phản ứng ra sao. Chị em tức giận la ó, rồi chị Hồng Nhật ra nói: "Nói cho ông biết, Bác chúng tôi già rồi. Chúng tôi biết thế nào cũng có ngày ấy, nhưng đừng có đem điều đó ra dọa chúng tôi. Đồ thất đức". Tên Đỗ Mạnh Trí mở cửa phòng, đi vào rồi nói bằng nét mặt buồn buồn: "Tôi xin thề với các chị và giơ tay lên trời - đó là sự thật. Tôi không giấu các chị, dù tôi là người của phía quốc gia nhưng tôi rất kính trọng và khâm phục Cụ Hồ. Tôi không dám nói dối điều ấy. Tôi chỉ muốn báo tin cho các chị biết...". Nói xong hắn buông tay xuống và cúi đầu đi ra, chị em ngơ ngác nhìn nhau, tất cả đều lộ rõ lo lắng trên khuôn mặt nhưng không biết làm cách nào để xác nhận tin Bác mất là có thật hay không. Các chị bèn ra ngoài đứng sát chấn song cửa dùng quạt giấy đánh tín hiệu morse hỏi các anh tù chính trị bên phía đối diện. Bên đó cũng đánh morse trả lời là có nghe tin như vậy nhưng còn đang nghi hoặc.

Ngày hôm đó, cả phòng giam hầu như chẳng ai nói với ai câu nào, những chị lớn tuổi thì cố tìm cách an ủi và chỉ cầu mong đó là tin bịa đặt của kẻ địch. Sáng hôm sau, Đỗ Mạnh Trí lại đến, lần này hắn cầm theo một tờ báo đưa cho chị em và nói: "Này xem đây, tôi có nói dối các chị đâu, Cụ Hồ mất thật rồi mà". Nhìn tờ báo Sài Gòn, nhìn rõ ảnh Bác Hồ nằm trong hòm kính, chị em bật òa lên khóc. Không khí trong trại bắt đầu náo loạn, một số chị được ra ngoài gặp gia đình khi trở về cũng báo tin đó là sự thật. Suốt buổi sáng mọi người chỉ ngồi khóc, đến chiều chi bộ nhà tù tổ chức họp và bàn phải tổ chức lễ truy điệu Bác đồng thời tổ chức để tang trong toàn thể tù chính trị. Để thống nhất với bên tù chính trị nam giới, các chị lại đánh tín hiệu sang báo cáo kế hoạch để tang và lễ truy điệu Bác. Phía bên ấy trả lời là đồng ý. Trong khi các tù nữ sẽ tổ chức lễ truy điệu Bác tại phòng giam thì phía bên nam giới sẽ tổ chức để tang Bác bằng cách im lặng, không chào cờ ngụy quyền Sài Gòn. Các anh nam giới tổ chức để tang Bác bằng cách gắn một miếng vải đen lên ngực trái, còn chị em ở phòng OB4 thì chít khăn trắng như để tang cho cha mẹ mình và thời gian để tang là một tuần, còn các phòng OB1, 2, 3 thì đeo băng tang. Thế rồi các chị em chọn ra một tổ để viết điếu văn, trong đó có các chị Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, Hồng Nhật, chị Năm Bắc. Viết đến đâu, sau khi thống nhất nội dung, các chị phải học thuộc ngay, vì đề phòng lúc đang truy điệu bọn địch xông vào cướp lấy bản điếu văn thì lúc đó sẽ có người đọc điếu văn đã học thuộc. Khó khăn nhất trong phòng giam đó là việc lập bàn thờ và treo cờ. Sau khi bàn bạc, các chị quyết định, nếu địch xông vào thì phải liều chết giữ cho được khăn tang trên đầu và bàn thờ Bác trong phòng.

Lễ truy điệu Bác sẽ diễn ra trong vòng một tuần, nghĩa là sáng nào cũng có chào cờ, hát Quốc ca, hát bài Hồn tử sĩ, đọc điếu văn và sau đó kể các câu chuyện mà mọi người biết được về Bác Hồ.

Đêm 6/9, cả nhà giam không ai ngủ được, người thì lo cắt chữ, người thì lo viết điếu văn, người thì lo bố trí bày biện bàn thờ, còn những chị không có việc, nhất là các má, các chị lớn tuổi thì cứ ngồi rúc vào cuối phòng ôm nhau khóc. Tiếng khóc của các chị, các má như mũi kim đâm vào tâm can mọi người.

Sáng 7/9, khi trời mờ sáng, chị em đã thức dậy bắt đầu chuẩn bị làm lễ truy điệu, hơn 6 giờ sáng việc chuẩn bị đã xong, mọi người chỉnh tề với áo quần bà ba đen, sát vách tường phía cánh cửa ra vào, bàn thờ Bác được đặt trên những thùng giấy kê cao phủ vải đen. Trên bàn thờ có một bình hương, một bình hoa làm bằng giấy màu, hai bên có hai khẩu hiệu. Lá cờ Tổ quốc cũng được làm bằng giấy và nền quét phẩm đỏ, ngôi sao cũng được cắt bằng giấy vàng. Đây là những thứ mà chị em chuẩn bị để dành cho các buổi biểu diễn văn nghệ trong tù.

Hơn 6 giờ sáng, giờ làm lễ đã đến, mọi người xếp hàng trước bàn thờ Bác. Chị Hồng Nhật được ban tổ chức giao cho điều khiển lễ truy điệu. Chị Hồng Nhật đứng yên nhìn mọi người và khi thấy mọi người đã sẵn sàng thì bỗng dưng hai chân chị run bần bật tưởng chừng đứng không vững, nhưng rồi nỗi khổ đau, sự đè nén vì lòng thương Bác như thổi bùng thêm sức mạnh cho chị. Hít một hơi dài căng lồng ngực, chị hô: "Nghiêm! Chào cờ chào". Tiếng hát Quốc ca đồng loạt cất cao vang động cả toàn khu "lò bát quái".

Sau đó chị Năm Bắc đại diện ban Tổ chức và ban lãnh đạo phòng đọc điếu văn: "Thưa chị em thân mến! Hôm nay cùng với cả nước, toàn thể chị em chúng ta tại nhà giam Chí Hòa vô cùng đau đớn vĩnh biệt Bác Hồ vô cùng kính yêu. Bác là vị lãnh tụ vô vàn kính yêu. Bác là vị lãnh tụ vô cùng vĩ đại của Đảng và Nhà nước ta. Là vị Cha Già của cả dân tộc Việt Nam. Tổn thất này vô cùng lớn lao khiến cho mỗi chúng ta đau buốt con tim, không ngăn giọt lệ. Bác đi, thế là chúng con ở miền Nam không còn được mong gặp Người ngày miền Nam độc lập thống nhất...". Tiếp theo bài điếu văn đã nêu lại lịch sử hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi trong điếu văn có đoạn viết: “Hôm nay chúng ta vô cùng đau xót hướng về Bác trong lúc cả nước còn đang tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chưa thực hiện được lòng mong ước thiết tha của Người. Nhân dân miền Nam đi trước về sau còn đang sống trong cảnh đau thương tang tóc dưới chế độ Mỹ - Ngụy. Cả miền Nam còn hơn 200.000 tù chính trị đang bị địch giết dần mòn trong cuộc sống khổ cực, và bị đày đọa, tra tấn dã man. Nhưng chúng ta quyết không sợ. Biến đau thương thành hành động cách mạng, chống địch đàn áp khủng bố, đày đọa cuộc sống tù nhân. Chúng ta phải sống, phải chiến đấu noi gương Bác Hồ vĩ đại, cho đến một ngày mai "Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". Trong giờ phút đau thương này, chị em trong nhà lao Chí Hòa chúng ta nguyện đoàn kết, thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Chúng con xin hứa với Bác sẽ giữ mãi trong tim mình lời thề chung thủy sắt son với Đảng, với Cách mạng dù bị địch tra tấn dã man cũng kiên quyết không đầu hàng, kiên quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp thắng lợi của cách mạng. Chúng con xin hứa với Bác nguyện ra sức học tập và làm theo gương, theo những lời dạy vàng ngọc của Bác, quyết tâm phấn đấu, rèn luyện đạo đức, tác phong để xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân độc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, để xứng đáng là phụ nữ Việt Nam: "Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang", xứng đáng là con cháu của Bác Hồ vĩ đại".

Sau bài điếu văn của chị Năm Bắc đọc là bắt đầu phát tang và mặc niệm. Má Tám Dễ là người lớn tuổi nhất trong phòng đi chít khăn tang cho từng người. Sau lễ truy điệu, chị em bàn bạc với nhau đưa ra chương trình hành động làm sao cho xứng đáng với Bác trong những ngày này. Chị em đã làm rất nhiều việc như viết bích báo, làm thơ, kể chuyện về Bác... miễn sao là bày tỏ được tấm lòng của mình đối với Bác.

Chuyện được chị em kể nhiều nhất là về tình cảm của Bác với đồng bào miền Nam, với các cháu thiếu niên nhi đồng. Chị Nguyễn Thị Sàn, tức chị Chín Xà đã làm một bài thơ với tiêu đề "Bác Hồ bất diệt" trong đó có đoạn như sau:

"Nhớ thương Bác, quyết noi gương Bác

Làm đúng theo lời dạy của Người

Hy sinh phấn đấu trọn đời

Trước sau như một, vẹn lời thủy chung.

Dù sống cảnh lao lung, xiềng xích

Dù kẻ thù bưng bít gắt gao

Dù cho đổ giọt máu đào

Bảy ngày giữ trọn mái đầu tang Cha...

Bác Hồ ơi lệ huyết chan hòa

Hướng về miền Bắc thiết tha

Hướng về miền Bắc nhớ cha muôn đời".

Trong hai ngày đầu, chị em tổ chức lễ truy điệu và sinh hoạt tưởng nhớ Bác Hồ rầm rộ. Bọn địch rất lúng túng và không biết cách đối phó thế nào, chúng biết rất rõ rằng nếu như chúng đụng vào bàn thờ Bác lúc này thì sẽ làm "nổ tung thùng thuốc súng" đang được chị em chất chứa trong lòng bởi lòng thương Bác và nỗi căm thù lũ giặc tàn ác. Chẳng hiểu kẻ nào nghĩ ra một trò rất mất dạy là trong lúc chị em đang đọc thơ và hát những bài về Bác Hồ thì chúng lùa bọn thanh thiếu niên nghiện xì ke ma túy nhưng không mặc quần áo tràn vào khu OB. Các chị, các má lớn tuổi đang quét dọn ngoài sân thấy vậy liền la ó và cầm gậy, cầm chổi hoặc gạch đá xông vào đánh đuổi. Bị ăn đòn, bọn chúng vội vàng chạy mất. Sang đến ngày thứ ba, ban quản đốc trại mời đại diện các phòng ban lên gặp quản đốc tên là Tấn. Quản đốc Tấn hỏi các chị đại diện: "Các chị định để tang Cụ Hồ mấy ngày?". Chị em nói là sẽ để tang Bác 7 ngày. Quản đốc Tấn tái mặt rồi năn nỉ: "Tôi biết, Cụ Hồ mất, mấy bà thương, mấy bà tiếc, mấy bà để tang Cụ bao lâu cũng được. Nhưng có điều tôi xin mấy bà đừng có hát Quốc ca, hát Chiêu hồn tử sĩ. Mấy bà hát chúng tôi sợ lắm. Tôi chỉ yêu cầu vậy thôi, mấy bà tính sao?". Đại diện các buồng giam trả lời rằng việc này phải để bàn bạc cụ thể chứ những người ở đây không có quyền quyết định. Tên Tấn lại xuống giọng năn nỉ: "Thôi xin mấy chị giúp chúng tôi đừng hát Quốc ca nữa, chúng tôi biết dù là thường phạm hay chính trị, khi nghe hát Quốc ca thì xúc động lắm".

Trở về phòng giam các chị bàn bạc với nhau và quyết định vẫn để tang Bác 7 ngày nhưng hát Quốc ca và Chiêu hồn tử sĩ thì 5 ngày. Cũng trong thời gian để tang Bác tại Chí Hòa, phía bên các tù chính trị nam giới cũng tổ chức lập bàn thờ Bác trong phòng và làm lễ tưởng niệm. Chẳng hiểu sao các anh lại kiếm được nến cho nên cứ đến tối là các phòng giam của các anh lại sáng rực ánh nến trên bàn thờ Bác. Cũng trong những ngày chị em để tang Bác thì ở tầng trên của khu B có một số lính Mỹ bị bắt nhốt vào đây vì tội phản chiến đã bày tỏ lòng kính trọng đối với chị em bằng cách viết thư rồi ném xuống.

Khoảng nửa tháng sau ngày Bác mất thì chị em nhận được Bản Di chúc của Bác từ bên ngoài gửi vào. Ban lãnh đạo các phòng giam tổ chức cho chị em học thuộc lòng Di chúc của Bác rồi tự kiểm điểm xem rằng mình đã thực hiện di chúc của Bác như thế nào trong đấu tranh đối với kẻ địch.

Tháng 11/1969, kẻ địch đưa tất cả nữ tù đi Côn Đảo. Bài điếu văn trong lễ truy điệu Bác được giấu trong thùng quần áo và mang theo ra Côn Đảo. Nhưng khi ra ngoài đó bị chúng tra tấn, đàn áp dữ dội quá, bản điếu văn cũng bị chúng lấy mất. Sau này, bài điếu văn tại lễ truy điệu Bác Hồ ngày 7/9/1969 được các chị Trương Mỹ Hoa, Hồng Nhật và một số chị khác đã từng tham gia soạn thảo chép lại theo trí nhớ.

Lời kết:

Khi viết về lịch sử khám Chí Hòa trong những năm tháng chống Mỹ, không thể không nói đến tấm gương hy sinh oanh liệt của Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Vì năm nay, chúng ta sẽ kỷ niệm 45 năm ngày anh Trỗi hy sinh, nên chúng tôi sẽ dành phần viết về sự hy sinh của anh trong dịp đó. Trong khi đi thăm Trại giam Chí Hòa, chúng tôi có một thiển ý rất mong được Ban giám đốc Công an TP HCM xem xét, đó là nên mở một lối đi vào khu đất từng là nơi anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, hiện đang có một đài tưởng niệm và dựng ở đây một tượng đài về anh Trỗi. Được như vậy, thì mọi người có thể dễ dàng vào thắp hương, tưởng nhớ đến anh.

Chắc chắn là trong thời gian không xa nữa, vì sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, Trại giam Chí Hòa sẽ được chuyển đi một nơi khác. Tuy nhiên, có một việc cần phải được nghiên cứu và tiến hành khẩn trương đó là xây dựng một "nhà bảo tàng" về Chí Hòa ngay tại đây. Lịch sử đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha ông tại khám Chí Hòa cần phải được lưu giữ cẩn trọng và tôn vinh xứng đáng, để làm bài học cho con cháu.

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky cuoi le truy dieu bac ho tai kham chi hoa ngay 791969 Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 4): Lời kể của những cựu nữ tù chính trị

Tôi cam đoan rằng, nếu bây giờ, tổ chức thi xem ai thuộc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chắc chắn trong ...

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky cuoi le truy dieu bac ho tai kham chi hoa ngay 791969 Những câu chuyện ở "lò bát quái" Chí Hòa (Kỳ 3): Vụ xử bắn Ngô Đình Cẩn

Trong lịch sử Khám Chí Hòa từ khi xây dựng cho tới năm 1975 đã có hai vụ xử bắn được thực hiện ngay trong ...

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky cuoi le truy dieu bac ho tai kham chi hoa ngay 791969 Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 2): Sự thật về một viên cai ngục

Để trả thù, Lâm cố tình gây án rồi vào Chí Hòa và hối lộ cai ngục nhằm được giam chung với những “tử thù” ...

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky cuoi le truy dieu bac ho tai kham chi hoa ngay 791969 Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 1)

Tại miền Nam, từ trước năm 1975, khám Chí Hòa, cùng với hệ thống nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Lợi, Đề lao ...

Nguyễn Như Phong / An ninh Thế giới