Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 1)

Tại miền Nam, từ trước năm 1975, khám Chí Hòa, cùng với hệ thống nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Lợi, Đề lao Gia Định... là nơi giam cầm, hành hạ với đủ các hình thức dã man nhất đối với những người cách mạng. Nhưng chính những nơi này đã  hun đúc ý chí chiến đấu, thử thách lòng kiên trung của các chiến sĩ Cộng sản... Thời gian đi như chớp mắt và khép lại nhiều quá khứ đau thương... Nhưng với những ai đã và từng bị giam ở Chí Hòa thì họ không bao giờ có thể quên được những chuyện xảy ra sau cửa ngục ấy.

I: “Lò bát quái” Chí Hòa

Tôi vào Trại giam Chí Hòa vào một ngày đầu tháng 6.

Nếu như trại giam của Công an Hà Nội nằm giữa cánh đồng rộng mênh mông của xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm thì Trại giam Chí Hòa lại nằm gần trung tâm TP HCM, và con đường Hòa Hưng đi qua cổng trại lúc nào cũng nườm nượp người xe. Con đường vốn đã chật hẹp nay lại như bị nút lại bởi những “lô cốt” của hệ thống thoát nước đang được thi công bằng tốc độ của rùa... Và với những anh em lái xe của trại giam thường ngày phải đưa bị cáo ra xét xử thì quãng đường chỉ hơn 4 cây số từ trại đến Tòa án thành phố là dài... miên man bởi nạn tắc đường. Gặp những lúc như vậy, dù có dùng còi ưu tiên cũng vô ích bởi cả một biển người như đặc lại, chèn trước mũi xe.

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky 1
Cổng vào khu trại giam Chí Hòa

Các đồng chí trong Ban Giám thị Trại giam Chí Hòa đưa tôi đến thẳng buồng giam cấm cố mang số 2F, nơi ngày xưa từng giam người Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Từ ngoài cổng trại đi vào, tới được buồng giam 2F, tôi đếm được đúng 9 lần cửa sắt và nếu thêm cánh cửa buồng cấm cố được làm bằng gỗ có nẹp sắt, thì người tù, khi vào buồng này, phải qua 10 lần cửa... Nếu như ở một số trại giam khác do thực dân Pháp xây dựng, các buồng giam cấm cố được đặt khá biệt lập thì tại Chí Hòa, các buồng cấm cố lại được để ngay góc của hai khu. Mỗi góc có 3 buồng giam cấm cố và sát hành lang. Căn buồng cấm cố nơi anh Nguyễn Văn Trỗi đã bị giam cho đến khi ra pháp trường chỉ rộng khoảng hơn 4m2 và được dùng làm “kho” chứa quần áo có lẽ đã lâu lắm rồi. Trên trần, có một bóng đèn điện tỏa thứ ánh sáng vàng đục, và không gian ngột ngạt bởi sự tù túng, bốc mùi ẩm mốc... Tôi đứng vào trong buồng cấm cố, và khi cánh cửa buồng đóng lại thì bỗng dưng thấy mất hẳn cảm giác ngày hay đêm, không còn biết phương hướng, và một sự im lặng nặng nề đến nghẹt thở ập đến làm tôi lạnh cả người...

Tôi đã đến nhiều trại giam, trong đó có những trại được xây từ thời Pháp như Trại Hỏa Lò ở Hà Nội, Trại giam Hải Phòng... Nhưng quả thật, không đâu có thể so sánh được với Trại giam Chí Hòa bởi lối kiến trúc độc đáo: vừa mang những đặc trưng cơ bản của một nhà tù là kiên cố, kín đáo, bí hiểm, nhưng dễ kiểm soát, lại vừa mang nét thần bí của phương Đông.

Để lần tìm lại lịch sử khám Chí Hòa từ thời Pháp cũng như lịch sử của trại suốt từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước cho đến ngày miền Nam hoàn hoàn giải phóng vào tháng 4/1975 là một điều cực kỳ khó khăn. Hồ sơ, tài liệu về khám Chí Hòa đã mất hết sạch. Các đồng chí trong Ban Giám thị hiện nay thì đa phần là người mới đến, và cũng chẳng được bàn giao lại những gì gọi là tài liệu cũ, cho nên hầu như không hiểu về lịch sử khám Chí Hòa qua các thời kỳ Pháp - Mỹ. Theo Trung tá Phạm Văn Hồi, cán bộ Phòng 5 của Cục Hồ sơ cảnh sát thì từ hơn 30 năm trước, anh đã nhiều lần vào Trại giam Chí Hòa làm công tác hướng dẫn cán bộ quản giáo của trại lập hồ sơ theo dõi phạm nhân. Và anh thấy rất nhiều tài liệu của Trại giam Chí Hòa từ thời kỳ trước để lại. Anh khẳng định rằng ngày trước, công tác quản lý hồ sơ, tàng thư, căn cước của cảnh sát chế độ Sài Gòn đã được làm khá chặt chẽ và rất tỉ mỉ. Tuy nhiên, sau này, một phần hồ sơ của trại được chuyển về các trung tâm lưu giữ, nhưng chủ yếu là lý lịch phạm nhân, còn những thứ khác dần dà biến mất! Bây giờ, muốn tìm hiểu về lịch sử xây dựng khám Chí Hòa như thế nào, có lẽ phải sang... Pháp. Mà ở đó, chắc chắn người ta lưu giữ vô cùng cẩn thận. Có câu chuyện nhỏ thế này: Vào năm 1996, khi tiến hành sửa chữa, trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội để chuẩn bị cho Hội nghị Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, thì các nhà kiến trúc Việt Nam lo lắng vì kiếm đâu ra cái thứ ngói đen lợp mái? Trong lúc đang còn bàn là tìm ở đâu thì phía Pháp thông báo cho biết, loại ngói lợp trên nóc nhà là được làm từ một loại đá ở tỉnh Lai Châu, mà thứ đá đó, có đầy tại các mỏ đá thuộc thị xã Lai Châu (cũ)...

Khám Chí Hòa được thực dân Pháp xây từ năm 1943 (cũng có tài liệu nói là từ năm 1939) nhằm thay thế Khám Lớn Sài Gòn.

Cũng phải nói thêm chút ít về Khám Lớn Sài Gòn.

Bây giờ, mỗi khi đi trên đường Lý Tự Trọng và đến gần ngã tư nối với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ai cũng thấy một tòa nhà bề thế ba tầng mang lối kiến trúc phương Tây - đó là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia khu vực II. Nhưng không phải nhiều người đã biết nơi đây, hơn 60 năm trước, khu đất này là nơi đặt nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp có tên: Khám Lớn Sài Gòn.

Khám Lớn Sài Gòn được xây dựng trên khu đất của chợ Cây Đa Còm và xung quanh có 4 con đường là Lagran Diere (nay là đường Lý Tự Trọng); Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa); đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn) và đường Filippini (nay là đường Nguyễn Trung Trực). Từ Khám Lớn Sài Gòn đi sang Tòa án Sài Gòn chỉ không đầy trăm mét và dưới thời Pháp, hai nơi này cùng với Dinh Thống đốc Nam Kỳ tạo thành một “tam giác quỷ”. Vào ngày 8/3/1953, sau khi Khám Chí Hòa đã xây dựng hoàn chỉnh thì Bảo Đại cho phá Khám Lớn Sài Gòn và xây Trường đại học Văn khoa.

Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon) được xây từ năm 1886 và sau hơn 4 năm thì xong. Khởi đầu, khám chỉ dài hơn 30 mét và rộng 15 mét, có lối đi hẹp ở giữa. Hai bên là hai gian nhà giam, có hai bệ xi măng được tráng một thứ nhựa giống như nhựa đường màu đen, trên cùng trổ một cửa sổ nhỏ, nhỏ đến mức không đủ cho ánh sáng mặt trời lọt vào.

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky 1
Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Vào những năm đầu thập niên 30, do số tù nhân tăng cho nên thực dân Pháp cho xây thêm nhiều buồng giam và phân chia thành nhiều khu vực để giam cầm nhiều loại tù nhân khác nhau. Khám Lớn Sài Gòn là nhà giam lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Nhiều nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng Việt Nam từng bị giam ở đây như Nguyễn An Ninh, Phan Xích Long, Tạ Thu Thâu, Trần Phú, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Mai Chí Thọ, Lý Tự Trọng... Trong khám này có khu biệt giam tù chính trị, có nơi giam người bị kết án tử hình, gọi là “xà lim án chém”; có phòng để máy chém... Chiếc máy chém đặt tại Khám Lớn Sài Gòn là được đưa từ Pháp sang. Máy chém cao 4,5 mét và có lưỡi dao vát cạnh nặng 50kg. Đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/11/1931, bọn Pháp đã dùng chiếc máy chém này để xử tử Lý Tự Trọng. Sự hy sinh của anh đã làm dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Khám Lớn Sài Gòn, và cũng từ đấy, bọn cai ngục ở đấy luôn gọi Lý Tự Trọng là Ông Nhỏ. Còn xà lim án chém, là một gian buồng hẹp, chiều dài khoảng 30 mét, chiều ngang 5 mét... thì đã được ông Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng viết trong hồi ký “Trong xà lim án chém” như sau: “Một miếng sắt đục lỗ li ti không đút lọt điếu thuốc lá. Xà lim tối như bưng, suốt ngày thắp một ngọn đèn đỏ đòng đọc. Lại nóng vô chừng; phải ở trần truồng mới chịu được. Nằm ngay xuống sàn xi măng, một chân đút vào cái cùm dài suốt chiều dài xà lim. Vài ba tháng, bọn mã tà mở cùm cho đổi chân một lần. Mỗi lần tôi đổi chân thì chúng phải đóng kín tất cả các khám khác, tập trung lính tráng, mã tà, gác dan rầm rập đến y như là tập trận rồi mới dám vào mở khóa còng. Trong xà lim, không có một tý gì bằng kim khí. Bát gáo dừa, thùng gỗ đai bằng mây. Chỉ có cái bô ỉa đái là bằng tôn...”.

Về thiết kế và cấu trúc của Khám Chí Hòa có một điều lạ là không hiểu tại sao người Pháp lại lấy thiết kế của một nhóm kiến trúc sư người Nhật. Chắc hẳn người kỹ sư trưởng thiết kế công trình này phải là người am hiểu Kinh Dịch và có lẽ cũng là người “mê Tam quốc Diễn nghĩa” vì thế họ mới thiết kế Khám Chí Hòa là một hình bát giác, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh Dịch là: Càn - Đoài - Ly - Chấn - Tốn - Khảm - Cấn - Khôn. Và nếu như theo trận đồ bát quái của Khổng Minh thì 8 quẻ này tương ứng với 8 cửa trận là: Hưu - Sinh - Thương - Đỗ - Cảnh - Tử - Kinh - Khai. Nhưng cũng không hiểu rằng Trại giam Chí Hòa có 8 cạnh như vậy thì cửa ra vào tương ứng với quẻ nào, có người nói tương ứng với quẻ Càn và trong trận đồ bát quái là cửa Sinh. Do cổng trại ứng với quẻ Càn cho nên thường có hai vị thần là Lôi Công và Lôi Mẫu đến “viếng thăm”. Mà Lôi Công, Lôi Mẫu là “sét ông, sét bà” vì vậy đã có mấy lần sét đánh trúng cổng trại vào những năm 1956; 1964; 1965? Nhưng những người nào đã bị giam ở Chí Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì đều nói, Chí Hòa có một cửa ra là cửa Tử, còn cửa Sinh là cửa nào thì không biết. Do được xây dựng theo bát quái cho nên Khám Chí Hòa rất “sát”, tù nhân bị giam ở đây bảo rằng, người chết linh hồn không siêu thoát được vì bị bát quái cầm giữ, nên “âm khí” ở Chí Hòa thường rất nặng nề. Để giải thoát “âm khí”, năm 1954, cai ngục Khám Chí Hòa cho xây bên ngoài “lò bát quái” (nhưng vẫn nằm trong khuôn viên khám) một ngôi chùa và có tượng Phật... Sau này ngôi chùa đã bị phá và hiện nay chỉ còn một tượng Phật nằm trơ trọi trên một cái hồ nước nhỏ và cách pháp trường đã xử bắn Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi chỉ hơn 200 mét.

Khám Chí Hòa được xây dựng từ năm 1943 nhưng sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương thì bị đình chỉ và mãi đến năm 1950 việc xây dựng mới được tiếp tục và hầu như toàn bộ vật liệu như xi măng, sắt, thép đều chở từ Pháp sang.

Khám Chí Hòa có 3 lầu. Tầng trệt là nơi làm việc của giám thị và các lực lượng bảo vệ, các khu dịch vụ. Đồng thời có 2 khu giam phạm nhân nữ. Lầu 1 (người ngoài Bắc thường gọi là tầng 2) là nơi để giam giữ tù chính trị, lầu 2 và lầu 3 là nơi giam giữ thường phạm. Khám Chí Hòa có 8 khu tất cả và đặt từ A đến H. Ví dụ, tầng trệt được gọi là O, phòng số 1 khu F, dưới tầng trệt sẽ được đặt số hiệu là OF1, nếu là trên tầng 2 thì sẽ đặt là 2F... Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt và mỗi khu có 4 buồng giam. Ở giữa bát quái Chí Hòa là một vọng gác cao hơn 20 mét, trên đó có bể chứa nước và có chòi canh. Đứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng quan sát tất cả các phòng giam.

Có thể nói với cách kiến trúc như của Chí Hòa, phạm nhân khi đã vào đây thì không thể trông mong gì việc tìm đường vượt ngục. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những chiến sĩ Cộng sản bị giam ở đây cũng đã nhiều lần bàn mưu tính kế tìm cách vượt ngục, nhưng đều không thành. Lịch sử Khám Chí Hòa cho đến ngày hôm nay chỉ ghi nhận có hai trường hợp vượt trại thành công. Lần thứ nhất là vào đêm ngày 9/3/1945, lợi dụng lúc Nhật đảo chính Pháp, những người tù Cộng sản đã tổ chức cướp trại và giải thoát hết số tù chính trị giam tại đây. Còn lần thứ hai là vào năm 1995, tên tử tù Nguyễn Hữu Thành đã cưa còng, khoét tường rồi xé quần áo bện làm dây, tụt xuống... và trốn thoát. (Chuyện Phước “tám ngón” trốn khỏi Trại giam Chí Hòa như thế nào, và một số cuộc trốn trại của phạm nhân, chúng tôi sẽ phản ánh trong một phóng sự khác).

Trong quá trình đi "đào bới xới lộn" về lịch sử Khám Chí Hòa trong giai đoạn từ năm 1950 đến 1975, tôi đã được gặp một số nhân chứng sống quan trọng. Có thể khẳng định rằng, với những nhân chứng này, lịch sử Khám Chí Hòa trong thời kỳ họ bị giam giữ được hiểu rõ như lòng bàn tay.

Một trong những người ấy là ông Vũ Quang Hùng, nguyên Phó tổng biên tập Báo Công an TP HCM, người nổi tiếng với nhiều phóng sự dài kỳ viết về thế giới ngầm. Những phóng sự của ông thành công cũng một phần nhờ ông đã từng ở Khám Chí Hòa. Vào những năm cuối của thập niên 80, khi Báo Công an TP HCM mới phát hành công khai, thi thoảng tôi cũng được gặp ông và tôi thực sự ngưỡng mộ ông không những về các phóng sự đầy ắp tư liệu, giàu chi tiết, viết lại có văn mà ông còn là người lịch lãm, có "phông" văn hóa rộng lớn. Ông am hiểu tiếng Pháp ở mức đọc tiểu thuyết tiếng Pháp bằng nguyên bản; khá am hiểu triết học phương Đông qua các bộ Tứ thư, Ngũ kinh... Ông đã 2 lần bị bắt giam ở nhà tù Chí Hòa; đã từng bị đày ra Côn Đảo. Cuối năm 1965, ông là Chủ tịch Phong trào Thanh niên - Sinh viên vận động hòa bình. Ông bị bắt và bị xử 5 năm cấm cố và 5 năm biệt xứ. Ông bị giam ở Chí Hòa từ năm 1965 đến 1967 thì bị đày ra Côn Đảo, sau đó ông được thả. Trở về Sài Gòn, ông tham gia vào Đội Trinh sát vũ trang an ninh T4. Tháng 5/1972, ông bị bắt về tội ám sát Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia hành chính, Chủ tịch Phong trào quốc gia cấp tiến, đang chuẩn bị lên làm thủ tướng. Ông bị giam ở Chí Hòa 1 năm, Tòa án Quân sự kết án ông tù chung thân rồi lại đày ông ra Côn Đảo.

Trong thời gian ông bị giam ở Chí Hòa, ông đã chứng kiến đây là một thế giới riêng và phòng giam nào cũng có những người cầm đầu. Nếu như là tù thường phạm thì gã cầm đầu ấy được gọi là đại bàng và có quyền sinh, quyền sát ở trong buồng giam, thậm chí thoải mái kiếm tiền và cuộc sống trong tù đối với đại bàng cũng có phần "vương giả", còn với anh em tù chính trị thì lại khác hẳn. Những ngày ở tù đó là chuỗi ngày được rèn luyện, hun đúc ý chí chiến đấu đồng thời tận dụng mọi cơ hội để học tập. Học ở đây rất đa dạng, từ học chữ đến học chính trị, văn hóa. Ông kể lại:

"Một trong những cách để thời gian qua mau trong tù hơn cả là học (và dạy học). Chí Hòa là nơi khá tốt cho những ai ham học: Khác với khi bị giam ở Tổng nha Cảnh sát, còn phải lo để tâm trí đối phó với chuyện thẩm vấn và với những cực hình tra tấn của kẻ địch; khác với ra Côn Đảo phải đi làm khổ sai thì hết ngày và nếu ở biệt giam chỉ 2-3 người một phòng nên điều kiện học khó khăn hơn, lại xa cách đất liền nên sách vở gửi vào không thuận lợi.

Anh em ở Khám Chí Hòa do trình độ văn hóa không đồng đều nên tổ chức lớp học hơi khó khăn, nhưng nếu dạy ngoại ngữ lại tương đối dễ, bởi cứ bắt đầu từ vỡ lòng. Tôi còn nhớ lúc ấy số sinh viên học sinh chúng tôi mở lớp học tiếng Pháp, và phát động phong trào học tiếng Hán phổ thông (Trung Quốc). Cũng có những anh em tự học tiếng Anh, dặn người nhà mua sách gửi vào, tùy theo bộ sách mình thích và trình độ của mình. Riêng tôi, học theo bộ “English for foreigner students” (Anh ngữ dành cho sinh viên nước ngoài), cứ thế ngấu nghiến học hết, sau đó nói người nhà gửi tạp chí Reader Digest rèn luyện thêm (nhờ vậy nên khi ra Côn Đảo chỉ cần học thêm tự điển).

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky 1
Tác giả đứng trước buồng giam anh Nguyễn Văn Trỗi

Tôi phụ trách lớp dạy tiếng Pháp. Ở ngoài, cấp trung học tôi mới học hết cuốn 3 “Langue et Civilisation Francais”, sau đó lên đại học, có những giáo sư người Pháp từ Đại học Sorbonne qua dạy, nên trình độ tiếng Pháp của tôi cũng tàm tạm. Lúc ở khu F-G, tôi tự học hết cuốn 4 “Langue et Civilisation Francais”, giờ qua đây dạy anh em vỡ lòng tiếng Pháp. Tôi còn nhớ chỉ một năm sau, gần chục anh em đã học đến nửa cuốn 2 “Langue et Civilition Fancais”, và tôi còn bày anh em đọc toa thuốc tây người nhà gửi vào bằng tiếng Pháp (để anh em đỡ "ngán" và học thực tế như vậy có phần dễ tiếp thu hơn).

Về tiếng Hán phổ thông, chúng tôi kiếm được bộ sách sơ tiểu để học vỡ lòng. Đọc theo âm tiếng Hán thì đã có thầy Hành Tuệ; âm đọc theo tiếng Hán phổ thông có chua ngay bên cạnh chữ, trong sách, và có đàn anh Lê Đảnh biết láp ngáp chỉ dẫn thêm. Không có thầy dạy chúng tôi chuyền tay nhau mạnh ai nấy học, học nhanh hay chậm tùy theo từng cá nhân có chịu khó học và trí nhớ có tốt hay không. Do tự học, có khi chúng tôi phát âm sai cũng chẳng biết.

Ai học hết sơ tiểu đã có bộ cao tiểu. Hết cao tiểu lại có tiếp sơ trung. Nhưng hết sơ trung thì không đào đâu ra bộ sách cao trung nữa! Đến đây tôi còn nhớ không biết tại sao và bằng cách nào, trong phòng có bộ truyện chưởng "Ngân kiếm kim đao" bằng tiếng Hán, và tôi cứ thế nghiền ngẫm, say mê đọc... Chữ nào không biết nghĩa cách phát âm đã có tự điển tứ giác tra theo số khá nhanh và tiện dụng (chỉ sau thời gian ngắn là quen cách tra này, thấy cũng chẳng khác bao nhiêu so với tự điển chữ cái Latinh).

Rồi chúng tôi đọc truyện Kiều, học những chữ Hán, những điển tích mà văn hào Nguyễn Du đã chuyển thành thơ trong truyện...

Cũng có thời gian chúng tôi mở lớp dạy toán cho anh em, nhưng do trình độ anh em quá chênh lệch, lại học bữa học, bữa không cho nên lớp sớm đóng cửa!

Ở trong tù còn có một chuyện học rất quan trọng nữa, đó là học những bài thơ và bài hát cách mạng.

Bất cứ ai thuộc bài thơ hoặc bài hát nào đều truyền miệng lại cho anh em khác, đôi khi có sai một hai chữ cũng không thành vấn đề. Hồi ấy tôi nhớ những bài hát hay được truyền miệng nhất là "Dấu chân trên rừng", "Tiếng đàn Ta Lư", "Em Rít", "Em bé Giải phóng quân", "Tiếng hát sông Hồng", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Tiếng chày trên sóc Bom Bo"... Còn thơ thì có những bài như "Cô du kích" (bài thơ của Giang Nam, đầu đề không dám chắc đúng), "Người con gái Việt Nam” viết về chị Trần Thị Lý, "Bầm ơi" và nhiều bài thơ của Bác Hồ và của Tố Hữu.

Học kiểu này không tổ chức thành lớp, không có thầy trò (có khi vừa là thầy, vừa là trò: dạy bài hát này, nhưng học lại bài thơ khác), không có sách vở - ghi lại mà bị bọn trật tự hoặc giám thị bắt được thế nào cũng bị ăn đòn.

Có những tối - nhất là những ngày lễ kỷ niệm - anh em tù nhân tự dựng "sân khấu" thay nhau lên hát hoặc đọc thơ. Có thể nói ai đã ở tù một thời gian, thế nào cũng có một số bài thơ và bài hát "lận lưng" làm vốn. Ở tù càng lâu, càng thuộc nhiều, "vốn" càng lớn.

Kiểu "học" sau cùng này cũng là một cách rất tốt để anh em động viên nhau giữ vững khí tiết cách mạng. Chẳng hạn lúc nằm một mình lẩm nhẩm ôn lại những câu như: "Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông".

Chí Hòa thường giam những người đã thành án, hoặc đang trong thời gian chờ xử án cho nên ăn, uống cũng không đến nỗi quá cực khổ như ở các trung tâm thẩm vấn khác. Trại Chí Hòa thời kỳ này thường có đến 5-6 ngàn phạm nhân được giam ở 238 buồng lớn, bé khác nhau. Khu hỏa thực có cách nấu cơm rất lạ. Họ nấu cơm trong những chảo lớn khi cơm vừa cạn hết, thì lấy xẻng xúc ra, đắp lên nền ximăng và rồi cơm tự chín. Cơm ở trại ăn thì tạm đủ no nhưng do cách nấu như vậy nên hay bị sống, thức ăn mỗi tuần có 2 bữa thịt, nhưng chủ yếu là thịt mỡ và mỗi miếng thịt phải “cõng” cả chục miếng củ cải nhưng dù sao cũng còn có “hơi thịt”. Tù nhân ở đây sợ nhất là ăn mắm cá sống mà thường là cá linh ướp thính, dòi bọ lúc nhúc. Muốn ăn tay trái cầm đuôi con cá lên, tay phải cầm đũa kẹp cá vuốt từ trên xuống đuôi cho dòi rơi hết rồi mới ăn. Và nhiều khi cũng ăn luôn cả dòi ở trong thân cá.

Thời đấy nhà tù Chí Hòa giam không ít sư sãi. Có một nhà sư ở trong tù được anh em nhớ mãi đó là Đại đức Thích Hành Tuệ. Đại đức Thích Hành Tuệ tên thật là Nguyễn Thới và tham gia hoạt động Cách mạng tại Sài Gòn, bị bắt vào khoảng cuối năm 1965. Trong thời gian từ năm 1966 đến hết năm 1967, Đại đức bị giam ở lầu 3D thuộc Khu E-D. Khu này đúng ra thường dùng để nhốt thường phạm và đã bị khép án tử hình. Nhưng do tù nhân đông quá nên kẻ địch phải chuyển một số sinh viên, phật tử lên trên này. Đại đức Thích Hành Tuệ vốn giỏi chữ Hán nên có nhiệm vụ giúp anh em học chữ. Tuy nhiên, anh em lại thích đọc theo âm quan thoại mà thầy lại không biết cách đọc này cho nên thầy lại vui vẻ học cùng anh em. Thầy là người uyên bác, rất giỏi Phật pháp, lại vui tính, sẵn sàng hòa mình cùng với anh em. Tại Chí Hòa ăn sáng luôn là món cháo. Hôm nào đến phiên trực, chia cháo cho anh em, thầy kêu: "Cháo! Ăn cháo đi!", nhưng với âm Quảng Nam, nghe thành "Chó! Ăn chó đi!". Tù nhân xúm nhau chọc thầy tu hành sao lại ăn "chó" và mời mọi người cùng ăn. Thầy cũng chỉ cười trừ!

Có một câu chuyện rất hay về Đại đức Thích Hành Tuệ thế này.

Bữa ấy, chúa ngục là trung tá Luyến tới thăm Khu E-D. Không hiểu cao hứng thế nào, hắn cầm cây can chỉ ngay vào thầy Hành Tuệ và hỏi: "Này, này, ông tu thật hay làm bộ tu vậy? Thầy Thích Hành Tuệ điềm nhiên trả lời: "Thưa trung tá, tôi xuất gia từ hồi nhỏ". "Ông tu đến chức gì rồi. Vào đây còn ăn chay không?" - "Tôi trước khi bị bắt là đại đức. Tôi ăn chay từ khi xuất gia, đến bây giờ vẫn vậy". Chúa ngục Luyến hình như muốn "thử tài" xem thử thầy có đi tu thật hay không, hắn hất hàm: "Vậy ông giải thích tôi nghe, tại sao vô chùa lễ lại thắp ba nén nhang, mà không phải một, hai hay bốn, năm nén?".

Số tù nhân đang đứng bên cạnh chợt im phăng phắc, vì quả thật chẳng ai hiểu phải thắp hương ba nén.

Đại đức Thích Hành Tuệ ung dung hỏi lại: "Xin lỗi trung tá, cho tôi được hỏi": "Trung tá lấy tư cách một quản đốc hỏi một tù nhân hay tư cách một phật tử hỏi một đại đức?". Có lẽ cũng bất ngờ trước câu hỏi ngược, chúa ngục Luyến không biết trả lời sao và cầm cây can lắc lắc... Mãi sau mới đáp: "Tôi hỏi thầy với tư cách một phật tử". Thầy Hành Tuệ từ tốn: "Nếu phật tử đã thành tâm hỏi, thì để thầy nói con nghe. Ba nén nhang là tượng trưng cho Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Bất cứ ai khi xuất gia đều phải quy y Tam bảo tức quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng...". Rồi thầy thao thao bất tuyệt giảng giải rằng tại sao lại gọi là Phật? Người tu hành đến đâu thì được gọi là Phật? Rồi thế nào là Pháp, thế nào là Tăng...

Vậy là chỉ bằng một câu hỏi, thầy đã lật ngược thế cờ rất "đẹp". Tù nhân đứng lặng người, chúa ngục Luyến cũng nghiêm chỉnh nghe lời thầy giảng, mấy tay giám thị đi theo quản đốc không biết làm gì khác ngoài việc cứ đứng đực mặt, dỏng tai ra nghe như nuốt từng lời.

Cũng từ đó về sau, bọn giám thị Khu E-D có vẻ trọng nể thầy Hành Tuệ hơn, và tù nhân cũng được "ăn theo". Được đối đãi đàng hoàng hơn như cơm sống được quyền tới tận khu hỏa thực đổi, giờ tắm nắng nếu có trễ chút cũng chẳng bị cai ngục chửi bới hoặc rượt đánh...

Cuối năm 1967, thầy bị đày ra Côn Đảo và giam tại Trại 7. Đầu năm 1970, thầy bị viêm phổi cấp tính và mất ngay tại chuồng cọp. Sau này bài vị thờ thầy được anh em tù nhân đưa về đặt tại chùa Diệu Pháp, quận Gò Vấp.

Trong thời kỳ chế độ Sài Gòn cũ có rất nhiều nhà sư bị bắt và đưa vào Chí Hòa hoặc đày đi Côn Đảo. Ví dụ theo báo cáo ngày 15/5/1968 của Ban quản đốc Khám Chí Hòa thì số lượng người bị giam ở Khu E-D như sau: tù chính trị 1.655 người, tù thường phạm 90 người, quân nhân bị tù 125 người. Tổng cộng 1.870 tù nhân. Trong số này có 1.135 người theo đạo Phật. Còn theo điều tra của Hạ nghị sĩ Mỹ J.Cô-nai-óc công bố vào tháng 7/1969 thì trong 1.655 tù chính trị chỉ có 50 người là Cộng sản; còn lại là nông dân, công nhân lao động và họ bị bắt bởi rất nhiều lý do như chống quân dịch, có những biểu hiện không hợp tác với chính quyền hoặc bị nghi là Cộng sản.

(Còn nữa)

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky 1 Nghề coi tù (Kỳ 1)

Có chuyện rằng cách đây 3 năm, vào một đêm trăng sáng, anh X đang lơ mơ ngủ bỗng nghe có tiếng động ngoài cửa. ...

nhung cau chuyen o lo bat quai chi hoa ky 1 Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 1)

Nếu không bắt được chúng, nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, khoa học thì không ai có thể tin rằng một ...

Nguyễn Như Phong / An ninh Thế giới