Nhóm phụ nữ trẻ Nhật đấu tranh đòi quyền tự quyết mang thai

Nhiều phụ nữ Nhật phản đối các yêu cầu khắt khe cho việc triệt sản ở nước này, gọi đó là gia trưởng và vi phạm quyền phụ nữ hiến định.

Cuộc chiến pháp lý

Khi Hisui Tatsuta học cấp hai, mẹ cô thường nói đùa rằng bà rất nóng lòng được nhìn thấy khuôn mặt của những đứa cháu tương lai của mình. Hiện là một người mẫu 24 tuổi ở Tokyo, Tatsuta luôn chùn bước khi nghĩ tới việc sinh con.

Khi cơ thể bắt đầu phát triển những nét nữ tính, Tatsuta thực hiện chế độ ăn kiêng và tập thể dục khắc nghiệt để ngăn chặn những thay đổi. Cô thậm chí bắt đầu coi mình là người phi giới tính. Cô lý giải: “Tôi không thích việc bị coi như một tử cung có thể sinh con trước cả khi được coi là một con người". Cuối cùng, cô muốn được triệt sản để loại bỏ mọi khả năng mang thai.

Kazane Kajiya, trái, và Hisui Tatsuta, phải, đang kiện chính phủ Nhật Bản về luật cấm triệt sản đối với phụ nữ độc thân, không có con. (Ảnh: NYT)

Kazane Kajiya, trái, và Hisui Tatsuta, phải, đang kiện chính phủ Nhật Bản về luật cấm triệt sản đối với phụ nữ độc thân, không có con. (Ảnh: NYT)

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, những phụ nữ muốn thực hiện các thủ tục triệt sản như thắt ống dẫn trứng hoặc cắt tử cung phải đáp ứng những điều kiện thuộc hàng khắt khe nhất thế giới. Họ phải có con, chứng minh được rằng việc mang thai sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ và phải được sự đồng ý của chồng. Điều này khiến việc phẫu thuật gần như không thể thực hiện được đối với những phụ nữ độc thân, không có con như cô Tatsuta.

Cô và 4 phụ nữ khác đang kiện chính phủ Nhật Bản, lập luận rằng một đạo luật có tuổi đời hàng thập kỷ được gọi là Đạo luật Bảo vệ Bà mẹ đã vi phạm quyền bình đẳng và quyền tự quyết theo hiến pháp của họ và cần phải bị hủy bỏ.

Trong phiên điều trần tại Tòa án quận Tokyo tháng này, Michiko Kameishi, luật sư của nguyên đơn, đã mô tả luật này là “chủ nghĩa gia trưởng quá mức” và rằng nó “mặc định coi cơ thể phụ nữ là cơ thể được sinh ra để trở thành một người mẹ”.

Kameishi nói với hội đồng 3 thẩm phán rằng các điều kiện để triệt sản nói trên là tàn tích của một thời đại đã qua và các nguyên đơn muốn thực hiện “một bước thiết yếu để sống cuộc sống mà họ đã chọn”.

Các nguyên đơn và luật sư trên đường đến tòa án ở Tokyo. (Ảnh: NYT)

Các nguyên đơn và luật sư trên đường đến tòa án ở Tokyo. (Ảnh: NYT)

Nhật Bản đi sau so với các nước phát triển khác về quyền sinh sản. Cả thuốc tránh thai và dụng cụ đặt tử cung đều không được bảo hiểm y tế quốc gia chi trả và những phụ nữ muốn phá thai phải được sự đồng ý của nửa kia. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Nhật Bản, hình thức ngừa thai phổ biến nhất ở Nhật Bản là bao cao su. Ít hơn 5% phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai làm phương pháp ngừa thai chính.

Các chuyên gia cho rằng nguyên đơn đang đối mặt với những trở ngại to lớn. Họ đang vận động cho quyền được triệt sản trong khi chính phủ cố gắng tăng tỷ lệ sinh ở Nhật Bản, vốn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Yoko Matsubara, giáo sư đạo đức sinh học tại Đại học Ritsumeikan, nhận định rằng: “Việc những phụ nữ có thể sinh con mà lại không sinh con được coi là một bước lùi của xã hội. Vì vậy có thể họ sẽ khó nhận được sự ủng hộ cho vụ kiện".

Mặc dù phụ nữ đã đạt được một số tiến bộ tại nơi làm việc ở Nhật Bản nhưng văn hóa vẫn kỳ vọng vào trách nhiệm gia đình của họ như trước đây. Tháng 6 này, khi 5 nguyên đơn nữ ngồi đối diện với 4 đại diện nam của chính phủ trong phòng xử, Miri Sakai, 24 tuổi, một sinh viên tốt nghiệp ngành xã hội học, đã phát biểu rằng cô không quan tâm đến các mối quan hệ tình dục, tình ái hay có con.

Cô Sakai đặt câu hỏi: “Lối sống không kết hôn, không sinh con vẫn bị xã hội bác bỏ. Có con vì đất nước mới là tự nhiên phải không? Có phải bản thân những người phụ nữ không sinh con là thừa thãi đối với xã hội?

Miri Sakai, một trong những nguyên đơn nhận định: “Lối sống không kết hôn, không sinh con vẫn bị xã hội bác bỏ”.

Miri Sakai, một trong những nguyên đơn nhận định: “Lối sống không kết hôn, không sinh con vẫn bị xã hội bác bỏ”.

Quan điểm nữ quyền

Kazane Kajiya, 27 tuổi, tuần trước đã làm chứng rằng mong muốn không có con của cô là một phần giá trị bẩm sinh. Trong một cuộc phỏng vấn trước phiên điều trần, cô cho biết việc không muốn có con còn liên quan đến quan điểm nữ quyền. Cô Reina Sato, một trong 5 nguyên đơn bày tỏ rằng mình chưa bao giờ muốn có con và việc xã hội mong muốn ngược lại là không thể chấp nhận được. Trả lời đài ABC, cô nói: "Tôi chỉ muốn loại bỏ khả năng mang thai khỏi cơ thể của chính mình. Vậy tại sao người ta lại được quyền quyết định về cơ thể của tôi?".

Từ quan điểm nữ quyền, tỷ lệ sinh giảm ở phụ nữ Nhật Bản có mối liên hệ sâu sắc với các vấn đề xã hội rộng lớn hơn và phong trào "My body, my choice" (Cơ thể của tôi, sự lựa chọn của tôi), với mục tiêu là quyền tự chủ trong các lựa chọn sinh sản. Phụ nữ Nhật Bản ngày nay phải đối mặt với những áp lực lớn về văn hóa, kinh tế và xã hội, ảnh hưởng đáng kể đến quyết định làm mẹ của họ.

Một yếu tố chính là sự bất bình đẳng giới dai dẳng ở Nhật Bản, thể hiện ở cả nơi làm việc và gia đình. Mặc dù có một số tiến bộ, Nhật Bản vẫn xếp hạng kém về các chỉ số bình đẳng giới toàn cầu. Theo WEF, Nhật Bản xếp thứ 125 trên tổng 146 quốc gia trong bảng xếp hạng về bất bình đẳng giới trong năm 2023.

Phụ nữ Nhật thường được trả lương thấp hơn, tỷ lệ lớn mất việc sau khi có con. Theo khảo sát của chính phủ năm 2018, 46,9% phụ nữ nghỉ việc sau khi sinh con đầu lòng. Trong số những người nghỉ việc, 52,3% trả lời rằng họ làm vậy vì quá khó để họ vừa tiếp tục làm việc vừa nuôi con.

Hơn nữa, kỳ vọng của xã hội rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái và làm việc nhà đã tạo ra một gánh nặng đáng kể. Cấu trúc gia đình truyền thống ở Nhật Bản vẫn chủ yếu đặt trách nhiệm gia đình lên vai phụ nữ, khiến họ nhận được rất ít sự hỗ trợ từ bạn đời hoặc nhà nước. Việc thiếu sự hỗ trợ này là yếu tố cản trở đáng kể đến việc sinh con, vì nhiều phụ nữ không muốn hy sinh nguyện vọng cá nhân và nghề nghiệp của mình.

Sự bất ổn kinh tế và chi phí sinh hoạt cao ở Nhật Bản cũng góp phần khiến người dân ngại sinh con. Nhu cầu tài chính để nuôi con ở một đất nước có mức sống cao, cùng với tình trạng công việc không ổn định, khiến việc làm cha mẹ trở thành một lựa chọn không hấp dẫn đối với nhiều phụ nữ. Ngoài ra, khả năng thuê dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng còn hạn chế càng làm tình hình trở nên trầm trọng hơn, buộc nhiều phụ nữ phải lựa chọn giữa sự nghiệp và việc ở nhà nuôi con.

Sachiko Horiguchi, Giáo sư Nhân chủng học tại Đại học Temple, cơ sở Nhật Bản khẳng định rằng áp lực xã hội buộc phụ nữ Nhật Bản phải tuân theo các vai trò truyền thống là một yếu tố quan trọng khiến họ ngại sinh con. Theo bà, phụ nữ hiện đại ngày càng muốn theo đuổi các mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp của họ. Sự thay đổi này là kết quả trực tiếp của nhận thức ngày càng cao về bất bình đẳng giới và mong muốn về một xã hội cân bằng và bình đẳng hơn.

https://vtcnews.vn/nhom-phu-nu-tre-nhat-dau-tranh-doi-quyen-tu-quyet-mang-thai-ar878541.html

Thạch Anh / VTC News