Bê bối lung lay ngành ôtô Nhật Bản

Toyota, Mazda, Suzuki và Yamaha đã bị phát hiện không tuân thủ các quy định chứng nhận an toàn sản phẩm của chính phủ Nhật Bản. Những tiết lộ này gợi nhớ đến vụ bê bối khí thải làm rung chuyển hãng xe Volkswagen của Đức vào năm 2015.

Bê bối gian lận kiểm định an toàn vừa qua đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản, khiến uy tín của các ông lớn như Toyota, Mazda bị lung lay. Sự việc không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa vị thế của ngành xe hơi xứ sở mặt trời mọc trên trường quốc tế.

Ở Nhật Bản, các nhà sản xuất ôtô tự chịu trách nhiệm tiến hành kiểm tra độ an toàn và gửi kết quả. Do đó, nhà sản xuất ôtô Nhật Bản Toyota đã gửi dữ liệu giả về 3 mẫu xe vẫn đang được sản xuất và 4 mẫu xe đã ngừng sản xuất. Toyota, nhà sản xuất ôtô bán chạy nhất thế giới, đã tạm dừng bàn giao 3 mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross (bản nội địa) trong tuần này do vụ bê bối thử nghiệm bao trùm ngành công nghiệp sản xuất ôtô ở Nhật Bản.

Bê bối lung lay ngành ôtô Nhật Bản -0
Những vụ bê bối của các nhà sản xuất ôtô đang trở thành một vấn đề nhức nhối đối với Chính phủ Nhật Bản.

Cùng với các đối thủ Honda, Mazda, Suzuki và Yamaha, Toyota bị cáo buộc không tuân thủ các bước tiêu chuẩn hóa để chứng nhận mẫu xe mới trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Trụ sở chính của công ty Toyota đã bị các quan chức Bộ Giao thông vận Nhật Bản tiến hành thanh tra vào ngày 4/6.

Vụ bê bối này đã ảnh hưởng đến doanh số bán xe của Nhật Bản trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực ôtô toàn cầu. Nó diễn ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới, một phần nhờ doanh số bán xe điện (EV) đang bùng nổ. Một vụ bê bối tương tự đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng và doanh số bán hàng của Volkswagen (VW) vào năm 2015, sau khi “gã khổng lồ” ôtô Đức thừa nhận đã cài đặt phần mềm bất hợp pháp nhằm gian lận trong các bài kiểm tra khí thải. Vụ bê bối gian lận khí thải của VW, còn được gọi là “Dieselgate”, là vụ bê bối lớn nhất và đắt nhất trong lịch sử, khiến hãng này thiệt hại hơn 30 tỷ USD, đồng thời ảnh hưởng đến một số hãng ôtô khác.

Bắt đầu từ những gian lận trong thử nghiệm

Mọi chuyện bắt đầu khi Daihatsu, công ty con của Toyota, thừa nhận gian lận trong quá trình thử nghiệm an toàn sản phẩm. Điều này đã khiến Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản vào cuộc, yêu cầu 85 hãng xe trong nước rà soát lại quy trình kiểm định.

Bê bối lung lay ngành ôtô Nhật Bản -0
Một trong những mẫu xe bị tạm dừng bàn giao.

Daihatsu lần đầu tiên bị cáo buộc làm sai quy định vào tháng 12 năm ngoái. Nhà sản xuất ôtô này, nổi tiếng với các loại xe cỡ nhỏ, đã thừa nhận gian lận trong các cuộc thử nghiệm từ cuối những năm 1980, bao gồm cả động cơ và khả năng va chạm, liên quan đến 64 mẫu xe. Daihatsu đã tạm dừng mọi hoạt động sản xuất tại Nhật Bản trong vài tháng do cuộc điều tra và thay thế giám đốc điều hành. Đến tháng 4/2024, Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đã xác minh rằng tất cả các xe do Daihatsu sản xuất hiện đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và dỡ bỏ lệnh cấm xuất xưởng. Toyota đã thừa nhận gian lận trong các cuộc thử nghiệm chứng nhận cho 7 mẫu xe bán ở trong nước trong 6 lần kiểm định được thực hiện vào các năm 2014, 2015 và 2020.

Toyota cho biết hành vi gian lận liên quan đến việc sử dụng dữ liệu không đầy đủ hoặc lỗi thời trong các cuộc thử nghiệm va chạm, cũng như thử nghiệm không chính xác về độ phồng của túi khí và hư hỏng của ghế sau trong các vụ va chạm. Trong một trường hợp, nhà sản xuất ôtô này đã đo thiệt hại do va chạm chỉ ở một bên mui xe thay vì cả hai như quy định của pháp luận Nhật Bản. Sau đó, Toyota cho biết không có mối lo ngại nào về an toàn hoặc lý do khiến khách hàng nên ngừng lái xe.

Bê bối lung lay ngành ôtô Nhật Bản -0
Các quan chức Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản tới trụ sở chính của Mazda ở thành phố Fuchu, tỉnh Hiroshima hôm 10/6.

Trong số 7 mẫu xe được xác định liên quan đến cuộc điều tra, 3 mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross vẫn được bán ở Nhật Bản và lệnh ngừng bán đã được đưa ra đối với những mẫu xe này. Mazda xác nhận hai lĩnh vực mà hãng không tuân thủ các quy định của Nhật Bản. Đầu tiên là việc xử lý dữ liệu thử nghiệm va chạm không thường xuyên, trong đó một thiết bị bên ngoài kích hoạt túi khí theo thời gian thay vì tác động thực tế trong quá trình thử nghiệm va chạm. 3 mẫu xe bị ảnh hưởng bởi quy trình thử nghiệm này, tất cả đều không còn được sản xuất. Tuy nhiên, Mazda cho biết các mẫu xe này đã được đánh giá lại và đều an toàn khi sử dụng.

Thứ hai là việc Mazda đã phớt lờ các quy định liên quan đến khí thải, trong đó các kỹ sư của Mazda đã thử nghiệm 2 mẫu xe có phần mềm không phù hợp với phần mềm của xe được giao cho khách hàng và thời điểm đánh lửa đã được sửa đổi để vượt qua các bài kiểm tra. Cả hai mẫu xe này đều đã tạm dừng sản xuất và xuất khẩu cho đến khi được điều tra, kiểm tra lại.

Honda đã phát hiện ra hai điểm bất thường, cả hai đều không nghiêm trọng nhưng có tổng cộng 22 mẫu xe bị ảnh hưởng. Tất cả các mẫu hiện đã ngừng sản xuất. Trong một trường hợp, công suất đầu ra không đều của động cơ điện hoặc động cơ đốt trong của một chiếc xe được coi là độ lệch chuẩn (8 mẫu xe bị ảnh hưởng) và Honda đã công bố xếp hạng không chính xác về công suất động cơ điện. Honda cũng đã sử dụng số liệu trọng lượng không chính xác trong khi kiểm tra mức độ tiếng ồn, điều này có thể ảnh hưởng đến việc một chiếc xe vượt qua hay thất bại. Những sai phạm của Honda kéo dài từ năm 2009 đến năm 2017.

Suzuki gian lận khoảng cách dừng. Nó được đo trong thử nghiệm thực tế dài hơn khoảng cách mà Suzuki đưa ra, dẫn đến áp lực lên bàn đạp phanh ít hơn so với yêu cầu khi thử nghiệm. Thay vì chạy lại bài kiểm tra, Suzuki đã điều chỉnh các con số. Yamaha thừa nhận đã làm sai lệch dữ liệu liên quan đến các bài kiểm tra độ ồn trên ít nhất 3 mẫu xe máy.

Không thể so sánh với vụ “Dieselgate”

Mặc dù những người trong ngành cho rằng những khó khăn mà Toyota và các đối thủ Nhật Bản của hãng này phải đối mặt tương tự như hãng xe VW gần một thập kỷ trước, nhưng vụ “Dieselgate” còn tồi tệ hơn nhiều. Ông Ferdinand Dudenhoffer, cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu ôtô của Đức, cho rằng “Dieselgate” là một vụ án hình sự liên quan đến hành vi gian lận và vi phạm nghiêm trọng các luật môi trường của Mỹ. Theo cách này, vụ bê bối kiểm định an toàn ôtô của Nhật Bản không thể so sánh được.

Bê bối lung lay ngành ôtô Nhật Bản -0
Toyota và 4 hãng sản xuất ôtô khác của Nhật Bản đã thừa nhận làm sai lệch dữ liệu thử nghiệm hoặc thử nghiệm không đúng cách.

VW đã bị phát hiện vi phạm Đạo luật Không khí sạch (CAA) của Mỹ khi cố tình lập trình cho động cơ diesel để chỉ kích hoạt hệ thống kiểm soát khí thải trong quá trình thử nghiệm tại phòng thí nghiệm. Biện pháp này khiến các phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ về lượng khí thải nitơ oxit (NOx) khi trên thực tế, chúng thải ra lượng NOx nhiều hơn tới 40 lần khi lái xe bình thường. VW sau đó đã bị điều tra ở nhiều quốc gia khác và bị các chính phủ phạt hàng tỷ USD cũng như yêu cầu bồi thường từ chủ sở hữu của 11 triệu phương tiện.

Theo ông Dudenhoffer, các nhà sản xuất ôtô thường thu hồi xe vì các vấn đề an toàn, Toyota, Mazda và Nissan đã bị ảnh hưởng bởi một vụ bê bối khác cách đây một thập kỷ liên quan đến việc túi khí bị lỗi trong các vụ va chạm.

Bê bối lung lay ngành ôtô Nhật Bản -0
Các quan chức của Bộ giao thông vận tải Nhật Bản tới trụ sở của Toyota ở tỉnh Aichi ngày 4/6/2024.

Ông Felipe Munoz, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu ôtô JATO Dynamics có trụ sở tại London, lưu ý rằng vụ “Dieselgate” chắc chắn ban đầu có tác động đến doanh số bán hàng của VW. Nhưng vụ này mờ dần khá nhanh vì các phương tiện này quá phổ biến. Một năm sau, doanh số bán hàng của VW lại tăng trưởng. Theo ông Munoz, bất kỳ tác động nào đến doanh số bán ôtô của Nhật Bản sẽ chỉ là tạm thời nhưng có thể gây tổn hại cho những hãng nhỏ hơn Toyota. Toyota có danh tiếng rất tốt. Đây là thương hiệu xe hơi toàn cầu được ưu chuộng nhất thế giới. Vụ bê bối này sẽ không có tác động lâu dài đến doanh số bán hàng của họ.

Mặc dù vậy, việc gian lận trong thử nghiệm là một trở ngại lớn đối với Toyota, hãng này đã giành được lợi thế cạnh tranh trong nhiều thập kỷ trong việc sản xuất ôtô chất lượng cao và đặt ra tiêu chuẩn về độ bền cũng như khả năng giữ giá. Toyota cũng được hưởng lợi từ chiến lược sản xuất ôtô hybrid (chạy bằng cả động cơ đốt trong và pin điện), thay vì các mẫu xe thuần điện. Điều này đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ vì nhiều người tiêu dùng vẫn cảnh giác với nỗi lo về thời lượng pin và giá trị khấu hao của xe điện.

Toyota hiện có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc, vốn đã hoàn toàn sử dụng xe điện và chứng kiến xuất khẩu của họ tăng vọt 64% vào năm ngoái so với năm 2022.

https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/be-boi-lung-lay-nganh-oto-nhat-ban-i734578/

Sơn Hà / CAND