Để đi tới thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây (nay là Đảng bộ thành phố Hà Nội) đã có một quá trình chuẩn bị lực lượng bền bỉ. Trong đó, việc xây dựng các An toàn khu tại 3 địa phương ngày ấy là dấu mốc không thể nào quên.
Củng cố lực lượng
Tháng 9-1939, Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ. Lợi dụng tình thế chính quyền Pháp ở chính quốc đầu hàng phát xít Đức, tháng 9-1940, quân đội Nhật tiến vào Đông Dương. Chính quyền thực dân Pháp chống cự yếu ớt, rồi thỏa hiệp với phát xít Nhật để cùng nhau cai trị, bóc lột nhân dân Đông Dương.
Tình hình biến chuyển về nhiều mặt đòi hỏi Đảng ta phải chuyển hướng chỉ đạo chiến lược để bảo vệ, giữ gìn lực lượng cách mạng. Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng (tháng 11-1939), lần thứ 7 (tháng 11-1940) đề ra và khẳng định chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định rõ nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân là chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Trong hoàn cảnh mới đầy khó khăn, bị địch khủng bố trắng, Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ đã sớm chuyển các cơ quan đầu não từ trung tâm Hà Nội ra các vùng nông thôn để củng cố lại lực lượng. Ngay từ tháng 10-1939, một số cán bộ đã lui về các làng là cơ sở cách mạng ở Hà Đông như Vạn Phúc, La Cả, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Yên Lộ. Làng Vạn Phúc được chọn làm đầu mối liên lạc, địa điểm đón tiếp các cán bộ đến làm việc với Xứ ủy. Nhờ đó, cơ quan đầu não được nhân dân bảo vệ an toàn, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng. Các ban cán sự đảng của Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây dù bị địch phá vỡ nhiều lần nhưng vẫn thường xuyên được kiện toàn, củng cố.
Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc này là giải phóng dân tộc, tập trung mũi nhọn vào phát xít xâm lược Nhật - Pháp. Để chuẩn bị cho việc xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh, song song với việc duy trì bằng được Ban Cán sự đảng Hà Nội, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng vùng nông thôn thành An toàn khu của Trung ương.
Ở ven đô, các làng Nghĩa Đô, Bái Ân, Xuân Tảo, Cổ Nhuế, Bưởi, Phú Gia, Phú Xá, Chèm, Vẽ, Thụy Phương, Liên Mạc… vốn đã có cơ sở cách mạng từ năm 1940, nay trở thành An toàn khu vững chắc của Trung ương. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt thường xuyên ăn ở, làm việc tại đây. Nhiều gia đình trở thành “áo giáp” che chở, nuôi giấu cán bộ.
Bên hữu ngạn sông Hồng, sông Đuống, Đội công tác do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh làm Đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ đã củng cố những cơ sở có từ thời kỳ trước ở các xã: Võng La, Hải Bối, Xuân Canh, Cổ Loa, Đông Hội… (huyện Đông Anh); Trung Mầu (huyện Gia Lâm)...
Có quan hệ chặt chẽ với An toàn khu ở hai vùng trên là vùng An toàn khu ở Đình Bảng, phố Đuống, phố Yên Viên (thuộc Bắc Ninh cũ) và các xã Lâm Hộ, Tráng Việt, Hạ Lôi, Đông Cao, Nội Đồng, Phù Trì… thuộc huyện Mê Linh; nối kết thành những đường dây liên lạc an toàn liên hoàn với nhau. Không những thế, ở các làng có An toàn khu, lực lượng tự vệ, các đoàn thể Mặt trận Việt Minh như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc đều được thành lập và củng cố vững mạnh.
Mở rộng An toàn khu, góp phần chuẩn bị khởi nghĩa
Sau hội nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh) ngày 25 đến 28-2-1943, phong trào cách mạng cả nước cũng như ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây phát triển lên nấc thang mới. Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định lấy khu vực từ Bưởi lên Chèm, Vẽ là bàn đạp trực tiếp, xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang vững chắc để tiến vào nội thành.
Hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống, các làng ven đê là An toàn khu, từ Võng La đến Ba Đê, Chiêm Trạch, Phương Trạch, Xuân Trạch, Lại Đà, Hội Phụ… (huyện Đông Anh) có mối quan hệ chặt chẽ với các làng có An toàn khu ở vùng Phú Thượng, Chèm, Vẽ, Xuân La (quận Tây Hồ)… Từ bến đò Xù (Gạ), đường dây liên lạc thông suốt sang Đông Anh - nơi có quán cơm cụ Tấc ở cây gạo chợ Bỏi; rồi từ đó lên cây gạo Ba Đê - nơi có “hòm thư bí mật”. Riêng Cổ Loa là nơi đặt cơ quan giao thông của Đảng, tài liệu, báo chí và tiếp nhận vũ khí do lực lượng ta thu về đều qua Cổ Loa - Dục Nội để chuyển đi các địa phương cũng như lên chiến khu.
Từ mùa thu năm 1943, Trung ương đã giao hẳn An toàn khu vùng Bưởi - Nghĩa Đô cho Ban Cán sự đảng Hà Nội phụ trách. Từ làng Tân, cơ sở phát triển sang làng Nghè, xuống An Phú, rồi Quan Hoa, Dịch Vọng... Nhờ có chỗ đứng vững chắc ở An toàn khu, Ban Cán sự đảng Hà Nội đã chỉ đạo các chi bộ xây dựng và phát triển mạnh các Hội cứu quốc ở ngoại thành làm nòng cốt cho Mặt trận Việt Minh xây dựng các tổ tự vệ.
Từ tháng 10-1944, Xứ ủy quyết định mở rộng vùng An toàn khu ở Hà Đông, Sơn Tây để làm hậu thuẫn vững chắc, cho cuộc tổng khởi nghĩa. Lúc này, An toàn khu của Trung ương được mở rộng ra La Phù, Hậu Ái, Di Trạch, Tây Tựu (huyện Hoài Đức), Đại Phùng, Thu Quế, Tân Hội, Hạ Hội (huyện Đan Phượng). Sơn Tây có một số làng xã của Quốc Oai (ở Thượng Hiệp, Đa Phúc - Sài Sơn) là khu vực các cơ quan in ấn, báo chí của Xứ ủy. Riêng làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) được chọn làm đầu mối liên lạc, nơi tổ chức các hội nghị lớn của Trung ương, Xứ ủy...
Đến ngày 15-8-1945, chớp thời cơ ngàn năm có một, mặc dù bản Quân lệnh số 1 chưa về tới nơi, từ An toàn khu ở Vạn Phúc, Xứ ủy Bắc kỳ trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa ở Hà Nội và 10 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, giành thắng lợi trọn vẹn.
Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển An toàn khu trên địa bàn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây ngày ấy càng thấy rõ vai trò và ý nghĩa to lớn đối với quá trình chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Đảng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ, An toàn khu là cái nôi an toàn để xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, từ đó phát triển lực lượng tự vệ tại chỗ. Báo chí bí mật của Đảng được viết và in ấn ở những xóm làng là An toàn khu ở gần thành phố (Cổ Loa, Vạn Phúc, Tráng Việt, Viên Nội…) nên rất nhạy bén, bắt kịp tình hình mới, trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén của Đảng nhằm thống nhất tư tưởng và hành động để tiến tới khởi nghĩa.
Trong các vùng An toàn khu, quần chúng nhân dân một lòng một dạ với Đảng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để nuôi giấu cán bộ cách mạng và hăng hái tham gia công tác Đảng giao. Đó là gốc rễ bền chắc để cho các An toàn khu của Đảng trên địa bàn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây dù trải qua bao lần địch càn quét, khủng bố vẫn được duy trì, phát triển và khi thời cơ đến đã nhất tề đứng lên giành quyền sống trong tự do, độc lập. Đó là điều căn cốt nhất để rút ra bài học về xây dựng thế và lực cách mạng trong lòng dân, để chiến đấu với mọi kẻ thù, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước hôm nay.
PHẠM KIM THANH
Thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám: Không có sự “ăn may” nào hết!
Cách đây 75 năm, tháng 8-1945, toàn dân ta đã nhất tề đứng dậy tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa long trời lở đất, giành ... |
Bốn trí thức, bức điện lịch sử và Cách mạng Tháng Tám
Trong sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng trí thức. Trong số đó ... |
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám
Lịch sử 72 năm qua đã khẳng định rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ ... |
10 địa danh lịch sử gắn với Cách mạng Tháng Tám
Nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám, cùng tìm hiểu 10 địa danh lịch sử gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám ... |