Nhiều tập đoàn công nghệ cam kết ngăn AI can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ

Các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ đều đưa ra cam kết ngăn chặn việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để gây ảnh hưởng đến cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống sắp đến.

Theo RT, 25 công ty công nghệ lớn của Mỹ đã tuyên bố sẽ ngăn chặn nội dung sai lệch do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra trong các cuộc bầu cử trên toàn cầu. Đứng đầu danh sách cam kết chống lại tin giả có Amazon, Microsoft, Meta và Google.

Trong một thông cáo báo chí hôm 16/2, Microsoft công bố sáng kiến ​​mới với sự tham gia của 20 công ty công nghệ “giúp ngăn chặn nội dung AI giả mạo can thiệp vào các cuộc bầu cử trên toàn cầu trong năm nay”.

Ước tính, sẽ có khoảng 4 tỷ cử tri tham gia các cuộc bầu cử trong năm 2024 tại hơn 40 quốc gia.

tri-tue-nhan-tao-16072632
Hơn 20 công ty công nghệ hàng đầu thế giới cam kết tham gia hiệp định ngăn chặn nội dung AI giả mạo can thiệp vào các cuộc bầu cử trên toàn cầu trong năm nay. (Ảnh minh họa: AFP)

“Hiệp định công nghệ chống lại việc sử dụng AI trong các cuộc bầu cử năm 2024 là tập hợp các cam kết triển khai công nghệ chống lại nội dung có hại do AI tạo ra nhằm đánh lừa cử tri", thông báo của Microsoft cho biết.

Ngoài Microsoft, hiệp định còn có sự tham gia của những gã khổng lồ truyền thông mạng xã hội như X, TikTok và Meta - công ty sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp – cũng như các công ty hàng đầu trong ngành như Adobe, Amazon, Google, IBM, LinkedIn, McAfee và OpenAI - công ty tạo ra ChatGPT.

Các công ty cho biết họ sẽ phát triển các công nghệ để “giảm thiểu rủi ro liên quan đến nội dung AI giả mạo trong bầu cử”, phát hiện việc phân phối tài liệu đó trên các nền tảng truyền thông xã hội, làm việc với các tổ chức tư vấn bên ngoài và các nhóm xã hội dân sự, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực “nâng cao nhận thức cộng đồng”. 

Với sự phát triển nhanh chóng của hình ảnh, âm thanh và video do AI tạo ra trong những năm gần đây, deepfake ngày càng trở nên thuyết phục và đã bước vào lĩnh vực chính trị trong mùa bầu cử năm 2024.

Tháng trước, Văn phòng tổng chưởng lý New Hampshire cho biết họ đang điều tra các cuộc gọi điện thoại bằng chatbot sử dụng giọng nói do AI tạo ra mạo danh Tổng thống Joe Biden, nhằm yêu cầu cử tri tránh cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ và ở nhà.

Tổng chưởng lý New Hampshiresau cho biết, các cuộc gọi trên là “một nỗ lực bất hợp pháp nhằm phá hoại uộc bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ ở bang New Hampshire và nhằm đàn áp cử tri New Hampshire”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ai đứng đằng sau kế hoạch này.

Theo Politico, trước khi ra mắt hiệp định AI mới vào 16/2, văn bản của cam kết đã được chia sẻ với nhiều nhà lãnh đạo thế giới trong nỗ lực phối hợp hành động của các công ty với các cơ quan chính phủ.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao giấu tên của Liên minh Châu Âu (EU) đã bày tỏ sự hoài nghi về động thái này, cho rằng một số quốc gia “không chắc chắn nên làm gì vì ngay cả khi sáng kiến ​​này được khuyến khích, các quốc gia cũng không thể chỉ ký một hiệp định do một công ty tư nhân đề xuất”.

Trà Khánh / VTC News