Nhiều lo lắng về chậm công bố giá sách giáo khoa lớp 1 mới

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước ngày 15.2.2020, các nhà xuất bản phải cung cấp thông tin, công bố giá sách giáo khoa lớp 1 mới. Đã qua thời hạn trên, chưa có bất cứ nhà xuất bản nào công bố. Thiếu thông tin, chậm công khai giá, chưa được tiếp cận với đầy đủ các bộ sách đang khiến giáo viên, các cơ sở giáo dục lo lắng khó đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng trong việc chọn sách giáo khoa lớp 1 mới.

Sách giáo khoa lớp 1 mới vẫn chưa được công khai về nội dung và giá cả để phụ huynh, học sinh có thể so sánh với sách giáo khoa hiện hành (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn

Quá thời hạn, vẫn chưa công khai giá

Để phục vụ cho việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) yêu cầu các nhà xuất bản phải cung cấp thông tin, công bố giá sách giáo khoa lớp 1 trước ngày 15.2.2020. Việc này nhằm giúp các địa phương, cơ sở giáo dục có thông tin đầy đủ khi tổ chức lựa chọn sách.

Tuy nhiên, đã qua thời hạn mà Bộ GDĐT quy định, giá SGK mới thế nào, phụ huynh và giáo viên vẫn chưa hay biết. Trong khi đây là vấn đề được xã hội quan tâm, bởi sách giáo khoa là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng đến từng gia đình có con em đang độ tuổi đến trường.

Trao đổi với Lao Động về lý do giá SGK mới chưa được công bố, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GDĐT) cho biết, đến hiện tại, phía Bộ GDĐT cũng chưa có thông tin gì liên quan đến giá SGK mới. SGK thuộc danh mục mặt hàng kê khai giá. Theo Luật Giá, các nhà xuất bản sẽ tự kê khai với Bộ Tài chính, sau khi đã tính toán giá phù hợp với những yếu tố biến động của thị trường, đặc biệt là yếu tố đầu vào sản xuất tác động đến giá thành sản phẩm.

Liên hệ với phía Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội - đơn vị phối hợp biên soạn, xuất bản bộ sách “Cánh diều”, ông Nguyễn Bá Cường - Giám đốc Nhà xuất bản - cho biết, nhà xuất bản đã làm thủ tục để trình Bộ Tài chính bảng kê khai giá sách giáo khoa bộ “Cánh diều”. Hiện vẫn đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt thì nhà xuất bản mới thực hiện công khai giá sách.

Còn phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị có 4 bộ sách được phê duyệt để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới - ngày 17.2 phóng viên đã liên hệ, nhưng chưa nhận được phản hồi của nhà xuất bản này về lý do chậm công bố giá sách.

Về phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho biết, lý do Bộ chưa duyệt phương án kê khai giá sách giáo khoa mới của nhà xuất bản là vì còn phải phối hợp với Bộ GDĐT một số vấn đề, đảm bảo SGK sẽ tính toán có mức giá cả hợp lý nhất, để doanh nghiệp hoạt động nhưng cũng phải phù hợp với mức sống của đại đa số người dân.

Nguồn tin của Lao Động, hiện tại SGK là độc quyền, chịu sự quản lý giá của rất nhiều ban ngành nên so với các sách khác sẽ có giá rẻ hơn. Còn khi thực hiện một chương trình nhiều SGK, nói cách khác là xã hội hóa hoạt động biên soạn, xuất bản SGK, giá sách chắc chắn sẽ tăng cao. Vì lúc này các NXB đều phải tự hạch toán, tự cân đối đầy đủ chi phí. Trong khi số lượng học sinh chỉ từng đó, thị phần sẽ chia nhỏ, số lượng bản sách bán ra của mỗi bộ sách sẽ nhỏ lại. Để đảm bảo nhà xuất bản có thể duy trì được hoạt động, có bộ SGK sẽ có giá cao gấp 3-4 lần so với SGK hiện hành.

Phụ huynh, giáo viên thiếu thông tin

Chưa biết việc công khai giá SGK đang mắc ở khâu nào, nhưng việc chậm công bố so với thời hạn 15.2 mà Bộ GDĐT quy định đang khiến phụ huynh, giáo viên, cơ sở giáo dục thiếu thông tin trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Trong khi giai đoạn này đang là “cao điểm”, các trường tận dụng thời gian học sinh được nghỉ phòng dịch COVID-19 để tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị cho việc lựa chọn sách.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng Trường  Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - cho biết, tuần vừa qua, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên rà soát, đọc tất cả các bộ SGK để có nhận xét, đánh giá. Tiêu chí để lựa chọn được một bộ SGK tốt mà Trường Đoàn Thị Điểm đặt ra là bộ sách đó phải phù hợp với mục tiêu chung của ngành giáo dục, mục tiêu giáo dục của nhà trường.

“Ngoài ra, lựa chọn SGK cũng phải tính đến việc phụ huynh có khả năng mua được hay không. Với Trường Đoàn Thị Điểm, sau khi lấy ý kiến phụ huynh, với điều kiện kinh tế gia đình, nhiều phụ huynh cho biết không quan tâm đến giá sách. Nhưng đây là ở trường của chúng tôi, còn ở khu vực nông thôn, giá sách sẽ là một yếu tố được lưu tâm trong việc lựa chọn sách. Nếu nhà trường mà lựa chọn bộ SGK có giá cao hơn các bộ khác, có thể sẽ gặp phải phản ứng của phụ huynh” - bà Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Khảo sát của phóng viên ở các huyện của Hà Nội như Ba Vì, Đan Phượng, Long Biên, Thạch Thất... và nhiều địa phương khác, giáo viên cho biết, họ chưa tiếp cận được đầy đủ 32 cuốn SGK lớp 1 để có thể đọc, đưa ra nhận xét, đánh giá. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến thời điểm phải “chốt” việc chọn SGK - 31.3.2020, trong khi gặp khó khăn về tiếp cận bản mẫu, giá SGK cũng chưa được công khai, các thầy cô lo lắng sẽ không đảm bảo kịp tiến độ chọn sách mà Bộ GDĐT đưa ra.

Ngóng mãi chưa thấy giá, địa phương “sốt ruột” đi mua chịu

Về phía các địa phương, việc chưa công bố giá sách cũng tác động không nhỏ đến việc triển khai các công việc liên quan đến lựa chọn SGK, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An, để hỗ trợ giáo viên, các cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn SGK, Sở đã đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An cấp kinh phí để mua SGK phát đến từng trường. Tỉnh đã đồng ý, chủ trương đã có nhưng hiện nay các nhà xuất bản chưa công bố giá sách nên chưa làm được tờ trình đề xuất để tỉnh có thể cân đối được kinh phí.

“Chúng tôi đã yêu cầu trong giai đoạn học sinh nghỉ học để phòng dịch, giáo viên, tổ chuyên môn của nhà trường tranh thủ sinh hoạt, bàn bạc, nghiên cứu các bộ SGK mới để có những đánh giá, nhận xét phục vụ cho việc lựa chọn sách. Chủ trương tỉnh hỗ trợ kinh phí để mua sách phát đến từng trường cũng đã có, nhưng tất cả đều phải chờ. Vì khổ nỗi SGK mới lại chưa có giá, nên chưa biết mua thế nào.

Một nhà xuất bản đã chủ động liên hệ với trường để đưa sách về cơ sở, nhưng nếu làm như thế thì không bài bản, nguyện vọng của giáo viên là phải tiếp cận được đầy đủ các bộ sách. Nếu tặng bộ sách nọ mà không tiếp cận được bộ sách kia sẽ dễ nảy sinh dư luận không tốt, nên sở mới chủ động xin tỉnh cấp kinh phí mua sách. Bây giờ chỉ cần có giá sách, chúng tôi sẽ đặt hàng với các nhà xuất bản để cung cấp đủ sách đến từng trường. Giáo viên cũng đang rất sốt ruột về việc này” - ông Thành cho biết.

Cùng có chủ trương trích kinh phí của tỉnh để hỗ trợ cơ sở giáo dục mua sách SGK phục vụ công tác lựa chọn sách, nhưng tỉnh Hưng Yên cũng sốt ruột “ngóng” giá SGK mới. Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GDĐT Hưng Yên - cho biết, vì quá thời hạn mà các nhà xuất bản vẫn chưa công bố giá sách, Sở đã phải xin được “mua chịu”. “Để giáo viên có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu kỹ các bộ sách, chúng tôi đã đề nghị các đơn vị xuất bản cấp sách về các trường trước, như kiểu đi mua chịu, khi nào sách có giá bìa, chúng tôi sẽ xin kinh phí trả tiền đầy đủ” - ông Phê nói.

Nhiều địa phương khác cũng đang có chủ trương cân đối kinh phí để mua sách phát đến từng cơ sở giáo dục, phục vụ việc lựa chọn sách. Thời gian lựa chọn sách không còn nhiều, nhưng vẫn đang chờ công khai giá. 

Đặng Chung

Bộ GD&ĐT chính thức công bố 6 sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 1 mới

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ký Quyết định phê duyệt Danh mục 6 cuốn sách giáo khoa môn Tiếng Anh ...

Sách giáo khoa mới: Không bàn lùi, bàn cách phát huy hiệu quả từ những kết tinh trí tuệ

Hiện nay dư luận đang chờ đợi bộ sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học, đặc biệt là những gia đình có con đang ...

GS Nguyễn Minh Thuyết: Có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, rất khó tránh việc có những chỉ đạo ngầm, chỉ đạo miệng khi chọn SGK. Để minh bạch, nội ...

/ laodong.vn