- Xác định trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang vụ mua sắm vật tư chống dịch
- Mua sắm thiết bị y tế chống dịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Có dấu hiệu thông thầu
Việc mua sắm của Sở Y tế và 2 đơn vị trực thuộc là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh và CDC Trà Vinh còn một số hạn chế, thiếu sót trong công tác lập dự toán, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng. Riêng đối với các gói thầu mua sắm của Công ty Việt Á, cơ quan Công an đang tiến hành điều tra.
Thanh tra tỉnh Trà Vinh vừa ban hành kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo kết quả thanh tra, năm 2020 và 2021, tổng thu các nguồn phục vụ công tác chống dịch của Trà Vinh là hơn 665 tỷ đồng, đã chi 504 tỷ đồng. Trong đó chi mua sắm thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm, kit test,… là hơn 278 tỷ đồng và chi các hoạt động phòng chống dịch là hơn 225 tỷ đồng. Qua kiểm tra, tổng số tiền chi chưa đảm bảo nguyên tắc tài chính là hơn 700 triệu đồng.
Sở Y tế là cơ quan tham mưu trong công tác phòng, chống dịch nhưng riêng đối với công tác tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị vật tư, y tế, sinh phẩm kit test, phương tiện phục vụ công tác chống dịch lại không có văn bản hướng dẫn, triển khai cho các đơn vị trực thuộc và UBND cấp huyện thực hiện.
Đoàn thanh tra chọn kiểm tra 19 gói thầu mua sắm, với tổng giá trị được duyệt là hơn 53 tỷ đồng, tổng giá trị hợp đồng là hơn 46 tỷ đồng. Qua thanh tra, 4/19 gói thầu còn thiếu sót trong việc lập kế hoạch mua sắm, xác định nhu cầu mua sắm và việc chỉ đạo điều hành trong công tác mua sắm.
Khi lập dự toán, chủ đầu tư tham khảo báo giá của nhà cung cấp nhưng không tham khảo đối chiếu thêm thông tin công khai của Bộ Y tế để xem xét sử dụng giá thấp nhất, dẫn đến việc lập dự toán với giá vật tư y tế cao hơn so với giá công khai. Bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 có giá dự toán là 734.8000 đồng, còn giá công khai của Bộ Y tế là 260.000 đồng. Tuy nhiên đến thời điểm lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư có bước tham khảo giá của các đơn vị cung cấp khác và áp dụng giá này để thực hiện chỉ định thầu, giảm 50,7% so với giá gói thầu được duyệt, phù hợp với giá công bố.
Trong quá trình lập dự toán đối với “Sinh phẩm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 dùng cho máy PCR”, chủ đầu tư là Sở Y tế không tham khảo thêm giá của Bộ Y tế công bố và báo giá của đơn vị cung cấp để xem xét sử dụng giá thấp nhất mà áp dụng giá của gói thầu mua sắm trước đó (gói thầu ký kết với Công ty Việt Á, đơn giá 367.500 đồng/test), dẫn đến làm tăng giá trị dự toán.
Tuy nhiên đến khi xác định giá gói thầu để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư đã thay đổi đơn giá áp dụng (250.000 đồng/test), giảm dự toán gói thầu so với dự toán được duyệt… Gói thầu số 2 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư, lập, trình phê duyệt dự toán dựa trên cơ sở 1 báo giá của đơn vị cung cấp là không đúng quy định.
Trong 19 gói thầu được thanh tra, có 16 gói thầu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, 3 gói thầu chào hàng cạnh tranh qua mạng. Qua thanh tra, phát hiện 3 gói thầu có thiếu sót. Do hồ sơ dự thầu của tất cả 19 gói thầu không thể hiện giá nhập khẩu nên không có cơ sở để so sánh giá trúng thầu với giá nhập khẩu. 18/19 gói thầu không có cơ sở xác định giá bán so với mức bình quân thị trường. 1/19 gói thầu có sự chênh lệch giảm 5.000 đồng/test.
Năm 2020, Sở Y tế mua sắm và tiếp nhận 39 loại mặt hàng với tổng giá trị hơn 40 tỷ đồng, năm 2021 là 50 mặt hàng, trị giá hơn 190 tỷ đồng. Qua thanh tra, phát hiện khi mua sắm hoặc tiếp nhận hàng hóa từ các nhà tài trợ, Sở Y tế không có sổ sách ghi chép rõ ràng mà chỉ theo dõi bằng thẻ kho trên máy tính. Thẻ kho cập nhật không đầy đủ, chính xác số lượng hàng hóa. Có 1 gói thầu Sở Y tế làm chủ đầu tư, khi tiếp nhận hàng hóa thì trong hồ sơ giao nhận không thể hiện mã sản phẩm, số lô sản phẩm. Hồ sơ quản lý xuất, nhập kho, sổ sách ghi chép sắp xếp chưa đầy đủ, đặc biệt đối với các loại trang thiết bị y tế, Sở Y tế không có mở sổ sách theo dõi, không có thẻ kho.
Về phân phối trang thiết bị, vật tư, y tế, sinh phẩm, kit test, phương tiện phục vụ công tác chống dịch, Sở Y tế có quyết định hoặc có công văn nhưng trên các văn bản chỉ thể hiện tên của hàng hóa, số lượng, đơn giá, thành tiền và đơn vị cung cấp mà không thể hiện nhãn hiệu, xuất xứ, nguồn gốc và hạn sử dụng. Mặt khác khi bàn giao thiết bị cho các đơn vị, Sở Y tế không bàn giao hồ sơ, như: chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hướng dẫn sử dụng, phiếu bảo hành mà chỉ bàn gian và ký nhận máy. Việc này gây khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi và sử dụng tại đơn vị tiếp nhận cũng như quá trình kiểm tra, đối chiếu của đoàn thanh tranh.
Qua kiểm tra việc mua sắm của Sở Y tế và 2 đơn vị trực thuộc là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh và CDC Trà Vinh cho thấy, chủ đầu tư còn một số hạn chế, thiếu sót trong công tác lập dự toán, công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng. Riêng Sở Y tế còn hạn chế trong việc lập sổ sách, theo dõi, quản lý, phân phối và tiếp nhận các loại trang thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm, phương tiện phục vụ công tác chống dịch.
Phòng Y tế các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Càng Long được giao nhiệm vụ chủ đầu tư một số gói thầu mua sắm, đã để xảy ra thiếu sót trong việc lập dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh những hạn chế thiếu sót. Ban lãnh đạo Sở Y tế (giai đoạn từ 1/1/2020 đến nay) họp rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành vì đã để xảy ra sai sót, hạn chế.
Giám đốc Sở Y tế chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác kế toán, công tác mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm, phương tiện phục vụ công tác chống dịch; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định trong công tác mua sắm, sử dụng; tiến hành họp rút kinh nghiệm đối với Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh, giám đốc CDC Trà Vinh, bộ phận phụ trách mua sắm, xuất – nhập kho, quản lý và phân phối thiết bị, vật tự. Rút kinh nghiệp đối với Giám đốc Trung tâm Y tế TP Trà Vinh do chưa lập hồ sơ, sổ sách theo dõi, quản lý các trang thiết bi y tế đã tiếp nhận.
Chủ tịch UBND các huyện Duyên Hải, Châu Thành và Càng Long chỉ đạo Trưởng Phòng Y tế nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Chủ tịch UBND các huyện Trà Cú, Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành và TP Trà Vinh, có trách nhiệm thu hồi, nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra với số tiền hơn 68 triệu đồng.